Hội nghị ngành chứng khoán năm 2018 ngày 22/1/2018 dành khoảng thời gian đủ dài để nhà quản lý lắng nghe và đối thoại với các thành viên.
Nhiều ý kiến đã được nêu lên sau những bài tham luận được trình bày trước đó, làm bật lên 2 câu chuyện: Các thành viên mong muốn nhà quản lý có những giải pháp thông thoáng, còn nhà quản lý mong muốn các thành viên hãy hiến kế để thị trường phát triển bền vững.
Thị trường 160 tỷ USD: Hãy cùng nhau xây...
Khoảng 500 thành viên tham dự Hội nghị ngành chứng khoán 2018 đã ở lại đến phút cuối sự kiện để đối thoại và lắng nghe các quan điểm đa chiều về giải pháp cho TTCK trong giai đoạn tới. Nếu thành viên nêu câu chuyện về hàng hóa, sản phẩm mới, T+0, nâng hạng thị trường..., thì câu chuyện của nhà quản lý là khung pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, quản trị công ty, chính sách thuế...
Làm thế nào để những mối quan tâm trên TTCK khớp được với nhau, giúp TTCK Việt Nam có quy mô vốn hóa 3,5 triệu tỷ đồng, tức khoảng 160 tỷ USD tính tại thời điểm cuối năm 2017, chuyển động trơn tru và an toàn? Trách nhiệm đó trước hết đặt lên vai những nhà lãnh đạo ngành.
Không ít lần trong cuộc đối thoại với thành viên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng đã nêu lên điểm trăn trở của nhà quản lý và gợi ra một không gian mở: “Hãy hiến kế, hãy cùng xây chính sách với chúng tôi”.
Khi ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT nêu quan điểm, TTCK Việt Nam quá thiếu các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp (75% giao dịch là do nhà đầu tư cá nhân; 25% giao dịch thuộc về nhà đầu tư tổ chức, chủ yếu là nước ngoài) và UBCK cần phát triển hệ thống các nhà đầu tư chuyên nghiệp, người đứng đầu UBCK cho rằng, đây là một ý kiến xác đáng.
Để thị trường vững bước, đòi hỏi chất lượng nhà đầu tư, chất lượng doanh nghiệp niêm yết, chất lượng chính sách pháp lý phải tăng trưởng song hành.
Trước đó, ý kiến từ Câu lạc bộ Quản lý quỹ cho rằng, nên cho phép các công ty quản lý quỹ phát triển sản phẩm quỹ ETF dựa trên chỉ số tham chiếu linh hoạt hơn, ông Dũng chia sẻ, UBCK đã nghiên cứu về vấn đề này, nhưng chưa được chắc chắn, vì thế mong các thành viên hãy hiến kế cho Ủy ban.
Ngành quỹ tại Việt Nam hiện có đến 45 công ty, nhưng trừ một số đơn vị hoạt động sôi động như SSIAM, VFM, MB Capital, Eastspring Investments, VCBF... thì hầu hết các công ty còn lại là yếu hoặc hoạt động không đúng vai (chỉ quản lý danh mục đầu tư, không tạo lập quỹ để huy động những dòng tiền nhỏ lẻ và đầu tư một cách chuyên nghiệp).
Ông Dũng cho biết, trước thềm dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán được Quốc hội xem xét vào tháng 5/2018, UBCK sẽ tổ chức một cuộc “ngồi lại” với các công ty quản lý quỹ, với mong muốn tận dụng tối đa trí tuệ và năng lực của các doanh nghiệp ngành này cho mục tiêu phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Liên quan đến câu chuyện giao dịch ký quỹ (margin), một chủ đề nóng bỏng và nhạy cảm, nhưng lại có cái kết nhẹ nhàng tại phút cuối Hội nghị ngành. Chủ tịch UBCK chắc không vô tình chọn đây là chủ đề cuối cùng để chốt Hội nghị khi đưa ra những quan điểm được tính bằng các con số.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, thời gian thanh toán T+0 cần áp dụng tại TTCK Việt Nam, nhưng các điều kiện kỹ thuật để áp dụng được là rất khó
- Ông Trần Văn Dũng,Chủ tịch UBCK
Sau 3 ngày lấy ý kiến các thành viên, UBCK nhận được 32 ý kiến trên 51 công ty chứng khoán đủ điều kiện cung cấp margin (không có ý kiến được coi là đồng thuận). 32 ý kiến gửi về có 22 ý kiến đồng thuận với chủ trương nâng tỷ lệ ký quỹ từ 50% lên 60% và 10 ý kiến chưa đồng thuận.
Theo thống kê, 22 ý kiến đồng thuận đại diện cho 83,8% thị phần giao dịch margin hiện tại trên TTCK Việt Nam, nên xét về tổng thể, hầu hết các công ty chứng khoán đều đồng thuận với chủ trương mà UBCK đưa ra.
Điều thú vị là trước khi Hội nghị diễn ra, nhiều dự báo bên lề cho rằng, quyết sách margin 60% sẽ được ký ngay sau Hội nghị và áp dụng ngay, nhưng tại Hội nghị, ông Trần Văn Dũng cho biết, chủ trương này được UBCK đưa ra để lắng nghe thành viên, lắng nghe thị trường và “đây là một cuộc thảo luận mở”.
Nhà quản lý dường như đặt “cái tôi” của mình thấp hơn thị trường một chút khi chia sẻ, trên cơ sở đồng thuận của số đông, UBCK sẽ có báo cáo Bộ Tài chính và dự kiến đề xuất Quy chế mới về margin, áp dụng sau Tết Nguyên đán, có thể từ 1/3/2018, khi Bộ Tài chính chấp thuận.
Liên quan đến margin, ý kiến từ Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ông Nguyễn Hiếu nêu rằng, UBCK nên xây dựng benchmark (tạm gọi là quy chuẩn) điều chỉnh margin để thị trường có thể dự liệu được các động thái của nhà quản lý và không quá bị động.
Ông Hiếu gợi ý, hãy tham khảo cách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xây dựng tiêu chí khi tính toán điều chỉnh lãi suất, chẳng hạn căn cứ trên tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát, hay những tỷ lệ được định lượng nào đó, để xây quy chuẩn cho điều tiết dòng tiền vay trên TTCK Việt Nam.
Ý tưởng này được Chủ tịch UBCK cho rằng, nếu làm được thì rất tốt cho công tác điều hành TTCK, bởi UBCK mong muốn TTCK được điều hành một cách hiệu quả, minh bạch dựa trên sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.
Nhưng làm thế nào để xây được quy chuẩn cho việc điều tiết dòng tiền vay tại Việt Nam? Một vài cái đầu có thể không giải quyết tốt được, nhưng nhiều cái đầu chụm lại, rất có thể trong tương lai không xa, margin sẽ trở thành một chính sách mở. Ở đó, mỗi cân nhắc thay đổi đều có căn cứ cụ thể và có một hội đồng khách quan, khoa học để quyết định cho từng giai đoạn của thị trường.
Thanh khoản 10.000 tỷ đồng: Lượng và chất chứng khoán rồi sẽ ra sao?
Là người đầu tiên được mời phát biểu tại cuộc đối thoại mở sau các tham luận, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ, TTCK năm 2017 tăng trưởng mạnh đã mang lại niềm vui cho nhiều người.
Chính ông, trong một cuộc họp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tháng 10/2017 đã phát biểu, ông mơ 1 - 2 năm nữa, thanh khoản TTCK sẽ đạt mốc 10.000 tỷ đồng/phiên.
“Giấc mơ" của ông Giang đã trở thành hiện thực ngay trong những ngày đầu năm 2018 khi thanh khoản nhẹ nhàng đạt và vượt 10.000 tỷ đồng trong một số phiên. Theo ông Giang, hiệu ứng dòng tiền còn khá mạnh mạnh, nhất là dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài, như một cách hưởng ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam: kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn DNNN và đưa lên sàn niêm yết nhiều doanh nghiệp lớn.
Năm 2018, theo kế hoạch của Chính phủ, 84 DNNN sẽ phải cổ phần hóa và hơn 100 doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ phải thoái vốn nhà nước. Hàng hóa trên thị trường sơ cấp sẽ nhiều, sau IPO, các doanh nghiệp sẽ phải đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định pháp lý, nên nếu năm 2017 quy mô TTCK tăng mạnh thì sang năm 2018, quy mô vốn hóa TTCK chắc chắn cũng tăng mạnh không kém.
Quy chuẩn thanh toán của các TTCK quanh chúng ta, kể cả Nhật và các thành viên trong IOSCO hiện vẫn là T+3. Việt Nam hiện đã thực thi T+2, nhưng thực tế là T+2 chưa hoàn hảo hay nói cách khác mới thực thi được T+2,5. Tôi mong rằng, năm 2018 - 2019, các thành viên và nhà quản lý cùng nỗ lực để thực thi được T+2 hoàn hảo
- Ông Trần Văn Dũng,Chủ tịch UBCK
Cung tăng là điểm thấy trước. Để thị trường vững bước, đòi hỏi chất lượng nhà đầu tư, chất lượng doanh nghiệp niêm yết, chất lượng chính sách pháp lý phải tăng trưởng song hành.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, chính sách đưa doanh nghiệp sau IPO lên sàn là rất đúng, nhưng còn nhiều doanh nghiệp đại chúng khác đang ở ngoài sàn và rất cần chính sách đủ mạnh để đưa loại cổ phiếu trôi nổi này vào sàn, nhằm thống nhất về quản lý và quy trình giao dịch.
Bên cạnh đó, thị trường sẽ “chất” hơn nếu nền tảng kỹ thuật giao dịch được nâng cấp và những chủ trương như giao dịch cổ phiếu trong ngày, bán chứng khoán trên đường về, T+0... được thực hiện.
Cũng trong mong muốn tăng chất cho thị trường, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) Trần Hải Hà nêu câu hỏi: Nhà quản lý có những giải pháp gì để tăng cường quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp trên TTCK?
Dù đánh giá TTCK tăng trưởng hiện nay vững hơn 10 năm trước rất nhiều, nhưng không ít ý kiến đã thể hiện rõ sự trăn trở làm sao phát triển chiều sâu về chất lượng, song hành với sự tăng trưởng về số lượng (hàng hóa), để thị trường vững bước hơn.
Về phía nhà quản lý, Chủ tịch UBCK cho biết, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty và năm 2018 sẽ là năm trọng tâm đưa các quy định vào thực thi trên TTCK. Trong câu chuyện nâng chất lượng của doanh nghiệp trên sàn, nâng chuẩn mực minh bạch và phát triển các sản phẩm chuyên nghiệp hơn, người đứng đầu UBCK cho rằng, một mình nỗ lực của nhà quản lý là không đủ.
“Năm 2017, UBCK đã không công nhận báo cáo tài chính của 15 doanh nghiệp trên sàn. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát mạnh mẽ chất lượng báo cáo tài chính. Các công ty kiểm toán phải có trách nhiệm và chuẩn mực hơn trong việc kiểm toán, còn các công ty chứng khoán cần nâng cao chất lượng tư vấn cho các doanh nghiệp sắp hoặc đang ở trên sàn”, ông Dũng nói và cho biết, có những trường hợp công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ cho doanh nghiệp phát hành, niêm yết, đấu giá một cách dễ dãi và đẩy hồ sơ lên nhà quản lý, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và các bộ phận soát xét hồ sơ.
Trên bình diện quốc gia, phát triển TTCK Việt Nam lành mạnh, hiệu quả là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành chứng khoán. Nhiều giải pháp và hướng đi cho năm 2018 đã được nêu ra tại Hội nghị ngành, nhưng thực tế, xử lý từng nghiệp vụ một cách chuẩn mực, trách nhiệm và chuyên nghiệp cần sự chung tay của tất cả các chủ thể, từ doanh nghiệp đại chúng đến các tổ chức tài chính trung gian, đến Sở GDCK, VSD và UBCK. Có như vậy, “chất” của thị trường mới dần nâng lên theo khát vọng chung của những chủ thể đã và sẽ song hành dài hạn trên TTCK Việt Nam.