Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo ông, động lực nào đã thúc đẩy tăng trưởng GDP quý III đạt 7,31% và 9 tháng đầu năm đạt 6,98%?
Kinh tế 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 trở lại đây. Đáng nói là, công nghiệp chế biến - chế tạo, các ngành dịch vụ thị trường và tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; đời sống nhân dân, an sinh xã hội được cải thiện.
Động lực thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong 9 tháng đầu năm là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng 11,37%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,31%; vận tải, kho bãi tăng 7,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,19%...
Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến khó lường, đã tác động không nhỏ tới hoạt động thương mại toàn cầu, nhưng trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Những động lực đó liệu có tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý IV?
Tôi cho rằng, tất cả các động lực giúp GDP liên tục tăng trưởng trong từng quý cũng như 9 tháng đầu năm sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu.
Hành động “đối đầu” trong hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đã có xu hướng giảm nhiệt, các nền kinh tế lớn đã có dấu hiệu nhượng bộ lẫn nhau, nên sẽ thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trưởng.
Khi giao thương nhộn nhịp trở lại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa, nhờ đó thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Đây chính là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy GDP tiếp tục đà tăng trưởng trong quý IV.
Ngoài những động lực kể trên, theo ông, còn xuất hiện những nhân tố nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Trong giai đoạn tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với nhiều động lực quan trọng, trong đó có đầu tư công và khu vực tư nhân. Phát triển kết cấu hạ tầng luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước và luôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước.
Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Động lực này ngày càng mạnh mẽ hơn sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Việc này sẽ tháo gỡ hàng loạt rào cản, vướng mắc để đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tăng cường vào đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thế còn việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thì sao?
Đây cũng là một trong những đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế. Ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành.
Việc cắt giảm lãi suất giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn, góp phần đẩy nguồn vốn ra lưu thông, tăng cường đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần gia tăng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Nhiều người lo ngại việc giảm lãi suất điều hành sẽ tác động tới lạm phát. Về lý thuyết thì giảm lãi suất tác động làm tăng lạm phát, nhưng với việc chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành, tác động lên lạm phát sẽ không đáng kể.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều này cho thấy, người đứng đầu Chính phủ rất quyết liệt với vấn đề trên, nên giải ngân vốn đầu tư công trong quý IV sẽ tăng mạnh. Khi giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng GDP trong quý IV và cả năm 2019, thưa ông?
Trong giai đoạn 2016 - 2018, đóng góp của vốn đầu tư vào tăng trưởng GDP chiếm 48,22%, do đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trực tiếp ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nên khi đẩy nhanh tiến độ giải ngân sẽ giúp đẩy mạnh các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, gia tăng uy tín quốc gia và niềm tin của các nhà đầu tư.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, vốn khu vực nhà nước ước đạt 426.600 tỷ đồng, chiếm 31 tổng vốn, tăng 3%. Theo quy luật, vốn đầu tư khu vực nhà nước nói riêng, vốn đầu tư toàn xã hội nói chung vào những tháng cuối năm bao giờ cũng cao hơn đáng kể so với những tháng đầu năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý IV thường cao hơn các quý trước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, nên chắc chắn, giải ngân vốn đầu tư công trong quý IV/2019 sẽ tăng mạnh, góp phần tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quan trọng hơn, vốn đầu tư công luôn được coi là “vốn mồi” thúc đẩy đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đóng góp vào tăng trưởng theo cấp số cộng.