Theo đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT công ty vừa bán 400.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,242% về còn 0,188% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 14/4 đến 11/5/2022.
Thực tế, cổ phiếu MWG kể từ đầu năm 2020 tới nay liên tục tăng cao và giao dịch vùng đỉnh lịch sử kể từ khi niêm yết năm 2014 tới nay. Cụ thể, từ 31/3/2020 đến 11/5/2022, cổ phiếu MWG tăng 249% từ 38.610 đồng lên 134.600 đồng/cổ phiếu.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, MWG ghi nhận doanh thu đạt 36.466,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.445,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,3% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,8% về còn 22,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 15,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1.099,4 tỷ đồng lên 8.124,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 23,1%, tương ứng tăng thêm 66,6 tỷ đồng lên 354,9 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 35%, tương ứng tăng thêm 53,5 tỷ đồng lên 206,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 17,7%, tương ứng tăng thêm 941,9 tỷ đồng lên 6.275,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, lợi nhuận sau thuế tăng chậm hơn tốc độ tăng của lợi nhuận gộp chủ yếu do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu tăng mạnh.
Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 22,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Điểm đáng lưu ý, dòng tiền kinh doanh chính của công ty tiếp tục âm. Cụ thể, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 3.383,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.625 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 2.438,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 61,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu MWG niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2014 tới nay. Tính từ khi niêm yết tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục như quý đầu năm 2022. Trước đó, dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục là năm 2019 với giá trị âm 1.286 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/5, cổ phiếu MWG tăng 900 đồng lên 141.000 đồng/cổ phiếu.