3 năm thay 3 tướng
Mặc dù còn phải đợi sự phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đối với đơn xin từ chức và nghỉ chế độ sớm trước 4 năm so với quy định, nhưng khả năng rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) VNR của ông Trần Ngọc Thành là rất cao.
Được biết, người được dự kiến luân chuyển về giữ chức vụ của ông Thành tại VNR là ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT). Lộ trình thay đổi vị trí cao nhất tại “ông lớn” vận tải được Bộ GTVT dự kiến là không chậm hơn trước tháng 12/2016.
"Bình quân trong 6 tháng đầu năm, mỗi lao động của VNR chỉ làm ra được khoảng hơn 100 triệu đồng, đây là năng suất lao động thấp vào loại kỷ lục trong toàn ngành giao thông"
Cần phải nói thêm rằng, nếu việc điều động, luân chuyển diễn ra đúng như dự kiến thì chỉ trong vòng 3 năm (2013 - 2016), VNR đã tiến hành thay thế nhân sự tại vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên tới 3 lần. Vào tháng 4/2013, ông Thành khi đó là Vụ trưởng Vụ Vận tải được điều động, bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Đạt Tường. Ông Tường từ vị trí Chủ tịch HĐTV Tổng công ty lui xuống làm thành viên HĐTV chuyên trách.
Hiện chưa rõ lý do dẫn tới việc Bộ GTVT tiến hành luân chuyển lãnh đạo cấp cao nhất của VNR khi tiến trình tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp này đang trong giai đoạn tăng tốc.
Theo đánh giá của nhiều cán bộ Tổng công ty, trong hơn 3 năm giữa chức vụ Chủ tịch HĐTV, ông Thành được đánh giá là đã góp phần đổi mới mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa VNR vốn nổi tiếng trì trệ, mang nặng tính hành chính, bao cấp, tiệm cận gần hơn với kinh tế thị trường. Đường sắt đã tự tìm đến các chủ hàng, hành khách, thay vì thụ động ngồi chờ như trước.
Dấu ấn rõ nét nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch ngắn ngủi của ông Thành chính là việc đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa đầu tư, với việc hợp tác có hiệu quả với các doanh nghiệp tư nhân khai thác một số cơ sở hạ tầng đường sắt; triển khai thành công hệ thống bán vé tàu điện tử, nâng cao chất lượng một số đoàn tàu…
Tuy nhiên, nhiều quyết định của HĐTV dưới thời ông Thành cũng tạo ra đánh giá trái chiều như ý định nhập khẩu toa xe cũ của Trung Quốc; việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 - Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội).
Bên cạnh đó, mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh, nhưng trên thực tế, VNR vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Các chỉ số kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy nỗ lực “bẻ ghi” suy thoái bất thành của VNR. Cụ thể, doanh thu của toàn Tổng công ty chỉ đạt 3.188 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch; trong đó doanh thu Công ty mẹ là 1.097 tỷ đồng, đạt 79,2% kế hoạch. Với tổng số lao động lên tới 28.625 người, bình quân trong 6 tháng qua, mỗi lao động của VNR chỉ làm ra được khoảng hơn 100 triệu đồng, đây là năng suất lao động thấp vào loại kỷ lục trong toàn ngành giao thông.
Ghi sẽ bẻ theo hướng nào?
Được biết, ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch mới của VNR - ông Vũ Anh Minh có khá nhiều điểm tương đồng với ông Thành. Sinh năm 1973, ông Minh đã từng kinh qua một số chức vụ điều hành cấp phòng, ban thuộc Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Bộ GTVT), trước khi về Cục Hàng hải Việt Nam làm chuyên viên, rồi được điều động về Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT).
Người được dự kiến luân chuyển về giữ chức vụ của ông Trần Ngọc Thành tại VNR là ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT). Ông Minh có khá nhiều điểm tương đồng với ông Thành.
Dấu ấn lớn nhất của ông Minh trong thời gian giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp chính là đã tham mưu giúp Bộ GTVT thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp của ngành, với việc chuyển đổi thành công mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)… hay một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành này như Bệnh viện GTVT Trung ương và tới đây là Học viện Hàng không Việt Nam…
Nhiều khả năng, đây là lý do khiến ông Minh được Bộ GTVT “chấm” để giúp đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu VNR.
Cần phải nói thêm rằng, sự trì trệ trong nội bộ VNR dù đã được cải thiện, nhưng vẫn bị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngành đường sắt đang tụt hậu ghê gớm so với các loại hình vận tải khác.
Cụ thể, trong khi được giao toàn quyền sử dụng khối tài sản là kết cấu hạ tầng đường sắt khổng lồ, có nguyên giá khoảng 17.000 tỷ đồng, mỗi năm VNR vẫn ngửa tay nhận của Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng tiền quản lý, bảo trì. Đổi lại cho sự ưu đãi này là đường sắt hiện chỉ chiếm 4,1% thị phần vận tải hành khách và 1,8% thị phần vận tải hàng hóa cả nước.
Ngoài việc tăng tốc quá trình tái cơ cấu VNR, người thay thế ông Thành ở vị trí Chủ tịch HĐTV VNR sẽ phải quyết định có tiếp tục bảo lưu quan điểm chưa nên tách bạch giữa kinh doanh vận tải đường sắt và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt - chủ trương vừa được đưa vào Dự thảo Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) hay không.
Theo quan điểm của Ban lãnh đạo VNR hiện hữu, nếu quy định tách bạch giữa kinh doanh vận tải đường sắt và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được thông qua, sẽ làm thay đổi toàn diện hoạt động của VNR, bởi hiện đơn vị này đang vừa tiến hành kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, vừa quản lý, bảo trì khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo và của chính Bộ GTVT, việc sớm tách bạch rõ giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh doanh vận tải sẽ giúp xóa bỏ độc quyền, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh hoạt động đường sắt đúng luật, hiệu quả.
“Quan trọng hơn, cần sớm đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ VNR, thay vì để sau năm 2020 như dự kiến, nhằm tăng cường sự giám sát, cạnh tranh trong chính nội bộ của Tổng công ty. Đây cũng là thế mạnh của ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch HĐTV VNR”, một chuyên gia đánh giá.