Nguồn tin riêng của chúng tôi, từ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 11/6/2020, sẽ có một đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Nội vụ vào làm việc với Công ty CP Vinamit liên quan đến bức xúc của doanh nghiệp.
Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ xác minh làm rõ nội dung phản ánh về việc các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại Nông trại Phú Giáo của Vinamit, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Liên quan vụ việc, từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, cả Vinamit và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao có văn bản kêu cứu tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong VCCI kiến nghị lên Chính phủ bộ ngành để giúp đỡ doanh nghiệp.
Xung quanh bức xúc của Vinamit, Báo Đầu tư cũng đã có loạt bài phản ánh, Vinamit có Nông trại Vinamit Organic Farm diện tích hơn 152 ha nằm ở huyện Phú Giáo (Bình Dương), đã đạt chứng nhận Organic USDA, Organic EU, Oganic China.
Từ đầu năm tới nay, CBCNV Vinamit bất ngờ và hoang mang khi chính quyền tỉnh Bình Dương liên tiếp thanh, kiểm tra để đáp ứng ý kiến “lạ” của một cử tri muốn xóa sổ nông trại để làm khu dân cư.
Cụ thể, trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo, có 1 cử tri xã Phước Sang bỗng đề xuất: “Đề nghị tỉnh xem xét thu hồi đất của Công ty Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương!”.
Tại văn bản trả lời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã nêu: "Trên cơ sở kiến nghị này (ý kiến cử tri) Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty CP Vinamit tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo. Liên quan nội dung kiến nghị của người dân về quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận và phối hợp cùng UBND huyện Phú Giáo xác định các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lập đoàn kiểm tra với nhiệm vụ “kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP Vinamit” và ngày 8/1/2020 đã có kết luật kiểm tra số 102/KL-STNMT thể hiện: hơn 152 ha đất nông trại của Vinamit được chính UBND tỉnh Bình Dương cấp với hình thức cho thuê, thu tiền 1 lần và hiện trạng sử dụng làm đất trồng cây ăn trái như mít, chuối, rau… và xưởng, nhà kho, nhà kính, chuồng trại… So với quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Giáo mà UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt thì phù hợp quy hoạch đất nông nghiệp.
Tuy nhiên tại phần kết luận, nhận xét của kết luận kiểm tra số 102/KL-STNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho rằng: "Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”.
Từ đề nghị của Sở tài nguyên Môi trường tại báo cáo trước khi ký kết luận kiểm tra số 102/KL-STNMT, ngày 17/12/2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là ông Mai Hùng Dũng ký văn bản số 6490/UBND-KT giao Thanh tra tỉnh phối hợp Sở ngành thanh kiểm tra “tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật” tại dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit.
Sau đó, theo tờ trình của Thanh tra, tháng 4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là Trần Thanh Liêm đã ký quyết định số 1149/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật với dự án trên diện tích hơn 152 ha của Vinamit..
Về phần mình, trước kết luận của Sở tài nguyên và Môi trường "Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit cho rằng không thuyết phục doanh nghiệp.
Bởi nông sản từ nông trại là nguồn nguyên liệu để Vinamit chế biến hoàn thiện sản phẩm cuối cùng cung cấp ra thị trường. Hiệu quả là lợi nhuận doanh nghiệp thu về khi bán sản phẩm hoàn thiện. Theo luật thì doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngân sách chính là nộp thuế. Năm 2019, Vinamit đóng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách Bình Dương hơn 34 tỷ đồng, năm 2018 gần 30 tỷ đồng, năm 2017 hơn 28 tỷ đồng. Đó là chưa nói hàng tỷ đồng mỗi năm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Bình Dương và các đóng góp xã hội khác ở cấp xã và huyện nơi có nông trại.