Trên một ngọn đồi chênh chếch phía bên kia Hồ Xuân Hương, tôi ngồi uống trà chiều cùng chủ quán Trà thiền An Nhiên. Ông là người gốc Đà Lạt, lại là một người sùng tín tinh thần Phật giáo, ưa lối sống an lạc tự tâm. Đích thân pha trà Cầu Đất của Đà Lạt mời khách thưởng trà, người đàn ông đã vào tuổi tĩnh tại và chiêm nghiệm bắt đầu câu chuyện dông dài với tôi về văn hóa nền trong kinh doanh dịch vụ du lịch ở Đà Lạt.
Ngoài hiên đầy hoa và dưới bóng cây thông già, tiếng chuông gió bằng ống nứa trầm đục xa thoảng như hẫng xuống thung lũng đèn trải dài ở phía dưới. Thoáng cái chiều đã trôi đi mất và chỉ khi giàn đèn của những nông dân trồng hoa đồng loạt bật lên, tôi mới giật mình ngỡ lạc vào một biển đèn như vạn ánh sao sa trong thung lũng. Có thể vì câu chuyện của người pha trà cứ man mác tiếc nuối không khí của Đà Lạt thưa vắng và hồn nhiên ngày trước, cho nên không khí mới ngưng đọng như vậy.
Sau này, khi trở lại Đà Lạt nhiều lần nữa, tôi mới biết buổi chiều đặc biệt với Trà quán An Nhiên dành cho du khách như vậy không còn nhiều. Mặc dù thời tiết và không gian của Đà Lạt vẫn thế. Nhưng giờ đây khu trung tâm của thành phố, người tứ xứ đến làm dịch vụ nhiều quá, tính cách Đà Lạt mất dần đi ở từng con phố, từng khuôn mặt. Từ những ông chủ đến người làm thuê, ai cũng coi thành phố này là nơi kiếm tiền bằng công thức tài chính đơn thuần, sao chép y chang những khuôn dạng, xu hướng tân thời của những mô hình du lịch TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng vào Đà Lạt để kinh doanh.
Xung quanh khu vực phường 1 - phường trung tâm cạnh Hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt và khu phố cũ giờ đây mọc lên san sát nhà ống cao tầng làm khách sạn nhỏ. Những ì xèo của dịch vụ du lịch lôi kéo chặt chém, tranh cướp, rủa xả nhau bắt đầu râm ran.
Mà cò du lịch mỗi lúc mỗi nhiều, chặn đường dẫn khách vào vườn dâu, ép mua giá cắt cổ. Ngạc nhiên là người Đà Lạt thấy xấu hổ về những hành vi đó mà lại chẳng thể làm gì. Họ dường như không biết đến những mánh mung láu cá trong kinh doanh. Họ im lặng!
Như là sợ ồn ào quá, lớn tiếng quá tức thì màn sương mỏng trên những con dốc nghiêng nghiêng của Đà Lạt sẽ tan biến. Mà mất không khí bảng lảng đó, Đà Lạt phơi trần ra chẳng còn gì thú vị nữa.
Nỗi niềm hư ảo mênh mang đẹp của phố núi cứ hồn hậu dửng dưng trước cuộc xâm lăng của những toan tính, những ồn ào chia xé kia. Thời tiết Đà Lạt quá lý tưởng cho các cặp đôi, có lẽ vì điều đó mà đã có bao tuần trăng mật diễn ra ở đây. Bởi không có điều gì không biến đổi nên những ngày buồn tự nhiên đến, buồn cứ tự nhiên gắn với thành phố này.
Vài thập kỷ trước, Đà Lạt, Nha Trang và TP.HCM tạo thành 3 góc tam giác bản đồ ăn chơi của giới mộ điệu. Câu cửa miệng là “buồn quá, lên Đà Lạt đi phòng trà nghe nhạc chút chơi”. Đặc sản của Đà Lạt là nỗi buồn như nắm được trong lòng tay, lâu lâu mà vui quá, thấy thiếu buồn sao đó, lại phải lên Đà Lạt.
Vì sao vài năm gần đây, vốn liếng văn hóa đậm đà bản sắc cao nguyên của Đà Lạt cứ rơi rớt dần đi. Khách du lịch kêu ca về chất lượng dịch vụ lẫn nỗi thất vọng vì không tìm thấy Đà Lạt mang hồn cốt, dáng vẻ xưa cũ nữa ngày càng nhiều.
Cả một kỳ lễ hội Festival hoa cuối năm 2017 vừa qua là nỗi nhàm chán tuyệt vọng của những tâm hồn khao khát được thưởng thức không gian của cao nguyên tràn nắng và ngập sắc hoa nhưng lại gặp những khoảng không được khu biệt, xếp sắp công nghiệp vụng về. Người làm du lịch đi săn khách, chứ không phải khách du lịch phải bươn bả đi tìm tour, tìm cơ sở lưu trú, tìm chỗ chơi như xưa nữa. Du khách đến Đà Lạt vãn hẳn đi, phải chăng “thành phố buồn”, không còn buồn thì hết thi vị rồi?
Trước kia, giới sành ăn sành chơi của các đô thị lớn khi về Đà Lạt thường dạo chơi thong thả ở thung lũng tình yêu, thung lũng vàng, khu biệt thự, nhà vườn… Giờ những nơi này toàn du lịch đi theo tour rẻ tiền vào mùa hè để nghỉ mát, dịch vụ chộp giật nhếch nhác, bừa bãi, xả rác ngập ngụa.
Cậu em mà tôi quen ở Đà Lạt, Thanh Hòa – một “sales” bất động sản có cách điều tiết kênh phân phối của mình trên internet rất hiệu quả. Hòa luôn thấy công việc bây giờ hàng ngày bán đủ doanh thu của các suất ăn nhà hàng, quán café, phòng trà, khách sạn… là tấm áo quá chật so với năng lực của cậu ấy. Thanh Hòa là đại diện của tầng lớp những người Đà Lạt hiện đại.
Có lẽ tôi không thể sắp xếp cậu ngồi cùng một buổi trà chiều với chủ quán Trà Thiền An Nhiên, tôi nghĩ thế. Vẻ năng động của Hòa và khu vườn đậm chất Thiền kia dường như không phải là một mạch liền. Đà Lạt đang nhảy một bước vọt với nguồn nhân lực mới mẻ, có kiến thức và tươi trẻ để chuyển mình, để cơ độ 5 năm nữa, sẽ là một thành phố mới, chấp nhận cái mới một cách văn minh như là tất lẽ.
Một Đà Lạt thời “dốc tình”, quán café phải làm cho cũ kỹ, nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An phải buồn cùng cực, các biệt thự ma phải bỏ hoang, ca sĩ phòng trà hát như ban ơn cho người nghe chút ký ức xưa cũ của họ đã lùi vào quá khứ. Ngoài một vài khu vực ngoại vi trồng hoa vườn cho giới trẻ tới chụp ảnh “check-in” đăng lên mạng xã hội.
Các khu vực tư nhân kinh doanh ở xa thành phố có tên riêng: Ma rừng lữ quán, làng Cù lần… đều mờ nhạt kiểu thú chơi không gian đẹp của một số tư nhân, kết hợp với kinh doanh du lịch, được chăng hay chớ.
“Đà Lạt trong vòng một thập kỷ nữa sẽ tỉnh hẳn, không còn mộng ban trưa nữa” - Thanh Hòa nói đùa với tôi. Cậu đang hứng đón sự bùng nổ của dịch vụ du lịch sao cho cấp tiến nhất mà lại giữ được nét riêng của Đà Lạt, quả thật đó là bài toán khó cho những người trẻ.
Đà Lạt là ký ức buồn của ai đó, còn với dân đầu tư kinh doanh, ký ức buồn cũng phải sinh lời vậy thôi!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com