Báo cáo của VEPR cho biết, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng với sự ổn định của ngành nông nghiệp trong quý IV/2016. GDP quý IV tăng trưởng 6,68% và cả năm 2016 đạt mức 6,21%. Chỉ số giá cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2015.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,2%, trong khi số vốn đăng ký tăng 48,1% so với năm 2015. Thương mại tăng trưởng nhanh trong quý IV, chủ yếu nhờ sự phục hồi của giá xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5%, trong khi nhập khẩu tăng 16,1%, thương mại cả năm thặng dư nhẹ.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế năm 2016 là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cao kỷ lục, đạt 15,8 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đăng ký đã bắt đầu giảm trong quý IV, có thể do tuyên bố từ bỏ TPP của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Do đó, VEPR dự báo, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2017 sẽ giảm so với thời gian qua.
Về thị trường tiền tệ, báo cáo của VEPR nhận định, thị trường ngoại hối ổn định sau một năm áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Dự trữ ngoại hối trong năm 2016 tiếp tục tăng, ước đạt 41 tỷ USD vào cuối năm. Tăng trưởng cung tiền, tín dụng và huy động vốn đạt kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Sự tái cân bằng giữa huy động – tín dụng đã giúp mặt bằng lãi suất ổn định trong năm.
Nhận định về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2017, VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 Chính phủ đặt ra là khá tham vọng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2017 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Báo cáo của VEPR cũng khuyến nghị, Chính phủ cần thận trọng với các cú sốc từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 khiến xuất khẩu suy giảm, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Ngoài ra, giá dầu phục hồi và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại sẽ có thể tạo sức ép lạm phát.
Điểm đặc biệt lưu ý, theo TS. Thành là lạm phát có khả năng tăng trở lại. “Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4% cho năm 2017 là không dễ dàng. Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh huởng tới sản xuất - kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng truởng kinh tế nói chung”, ông Thành khuyến cáo.
Bên cạnh đó, cũng theo nhận định của VEPR, vấn đề lớn được đặt ra là kiểm soát chi ngân sách, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên đang vượt quá khả năng thu ngân sách. Điều này dẫn tới hệ lụy Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt và tiếp tục đầu tư phát triển và làm gia tăng nợ công. VEPR khuyến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, giảm bớt những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước.
Mặc dù vậy, theo nhận định của VEPR, điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp chế biến chế tạo. “Doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Thành nhận định.
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, năm 2017, kinh tế thế giới sẽ rất bất định do đang trong quá trình chuyển đổi chính sách chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh này, tăng trưởng kinh tế trong nước vừa có động lực và cả lực cản. Trước hết đó là những tín hiệu cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo động lực mới cho khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn trong năm 2017.
Thứ hai là xu hướng phát triển khá nhanh của tầng lớn trung lưu Việt Nam sẽ góp phần gia tăng nhu cầu, từ kích thích sản xuất tăng trưởng mạnh. Thứ ba là các ngành công nghiệp chế tạo đang có sự chuyển dịch sang ngành có giá trị gia tăng tăng cao.
Tuy nhiên, ông Tuyển cũng khuyến cáo những lực cản đang hiện hữu như nợ xấu và thâm hụt ngân sách rất lớn sẽ thu hẹp không gian chính sách điều hành, đầu tư công hạn chế do thiếu tiền và lãi suất có thể tăng do lạm phát 2017 sẽ cao hơn khi giá dầu tăng, sức ép hạ giá đồng nội tệ từ những biến động trong tỷ giá và lạm phát sẽ tạo sức ép lên lãi suất làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp.
PGS TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Học viện Tài chính
Năm 2017 có triển vọng tăng trưởng tốt hơn, tuy nhiên vấn đề mà Chính phủ cần lưu ý là tăng trưởng thường đi đôi với lạm phát. Trong đó, các yếu tố có thể khiến lạm phát gia tăng là xu hướng giá cả hàng hóa quốc tế tăng trở lại; từ 2017 một loạt quy định chính sách được áp dụng như phí và lệ phí nay trở thành giá dịch vụ với mức chi phí cao hơn, bên cạnh đó việc tính chi phí đầy đủ trong giá dịch vụ công như giáo dục và y tế có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng lên dẫn tới lạm phát có thể tăng cao khiến người tiêu dùng mất niềm tin ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, có các yếu tố rủi ro khác như Mỹ tăng lãi suất làm vốn đầu tư gián tiếp và FDI giảm, kiều hối giảm gây ra sức ép đối với các cán cân kinh tế và tạo ra nhiều vấn đề đối với điều hành tỷ giá.