Nhiều bất cập
Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng do Công ty cổ phần PC1 (mã PC1 - sàn HOSE) là chủ đầu tư (hiện nay đã đổi tên thành KCN Nhật Bản - Hải Phòng) được thành lập từ năm 1994, là khu công nghiệp đầu tiên của miền Bắc được đầu tư bài bản theo các quy chuẩn của đối tác Nhật Bản thời điểm đó.
Khu công nghiệp này đã từng được đánh giá là có giao thông thuận lợi, hạ tầng đồng bộ cùng với công tác quản lý, bảo vệ môi trường dẫn đầu các khu công nghiệp ở Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiện khu công nghiệp này đang gặp phải một số vấn đề bất cập như thiếu diện tích cây xanh, quá trình xử lý nước thải và chất thải rắn công nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường...
Điều đáng nói là không chỉ riêng Nomura, hầu hết các khu công nghiệp "đời đầu" ở Việt Nam hiện đang đối mặt với những bất cập tương tự, lý do là ra đời sớm nên đã trở nên lỗi thời.
Ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng, hiện vẫn còn 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguyên nhân là do tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa có nguồn vốn để đầu tư.
Các khu công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chủ yếu tại các địa phương có khó khăn về thu hút đầu tư và nguồn vốn ngân sách. "Hiện tại, nước thải của các cơ sở sản xuất hoạt động trong các khu công nghiệp này do các cơ sở tự đầu tư hệ thống xử lý, và yêu cầu phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi xả thải ra môi trường", ông Thi nói.
Phát biểu tại Diễn đàn "Thúc đẩy bền vững khu công nghiệp Việt Nam" do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 28/3, bà Trần Thị Tố Loan, Phó giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) nhận định, trước đây, các khu công nghiệp truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội.
Bà Trần Tố Loan, Phó giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) - Ảnh: M.Minh |
Hiện tại, mô hình khu công nghiệp bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo bà Loan, quá trình "xanh hoá" các khu công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến năng lực chủ đầu tư, quy định pháp lý thiếu rõ ràng cụ thể...
"Nghị định 35/2022 có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể xếp loại khu công nghiệp sinh thái là phải có 20% doanh nghiệp trong khu thực hiện các sản xuất sạch hơn; nhưng lại không quy định thế nào là "sạch hơn", "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn"...", bà Loan dẫn chứng.
Phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI cho biết, hiện cả nước đã có 418 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 129,9 nghìn ha. Trong đó, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%.
Theo Phó chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu đến cân bằng và sang xuất siêu, vào nguồn thu ngân sách và đóng góp tích cực vào sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam song sự phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững, chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường", ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI |
Năm 2022, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI đã tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện một nghiên cứu, khảo sát thực trạng tại 118 khu công nghiệp trên cả nước theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp, chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết, có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, thậm chí 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
“Kết quả của nghiên cứu phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các khu công nghiệp Đây cũng có thể là chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Diễn đàn "Thúc đẩy bền vững khu công nghiệp Việt Nam" do VCCI tổ chức sáng 28/3 |
Chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng xanh và bền vững
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện thí điểm chuyển đổi 7 khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, gồm: KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ), KCN Đình Vũ (Hải Phòng), Amata (Đồng Nai) và Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh).
Việc hỗ trợ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp và khu công nghiệp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và hiện thực hóa các liên kết cộng sinh công nghiệp.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là một trong những giải pháp khắc phục ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp đến môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động đầu tư, tìm kiếm và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, hợp tác cộng sinh công nghiệp, từ đó giảm chi phí đầu vào thông qua tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, giảm chi phí vận hành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp
Về dài hạn, chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao; trong đó khu công nghiệp và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu và tham gia các chuỗi giá trị; ưu tiên tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các ưu đãi đầu tư.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội (Ảnh: M.Minh) |
Để giúp lộ trình “xanh hóa” các khu công nghiệp nhanh và hiệu quả hơn, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp; khắc phục những lỗ hổng pháp lý (chẳng hạn như Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp phân khúc bất động sản khu công nghiệp), tạo cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư khu công nghiệp...
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, đảm bảo gắn kết đồng bộ quy hoạch khu công nghiệp với phát triển đô thị, dịch vụ tổng thể, thống nhất từ quy hoạch cấp quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; gắn quy hoạch chuyên ngành với sản xuất với điều kiện phát triển kinh tế có tính đến những yếu tố đặc thù của địa phương như tài nguyên, đất đai, dân cư; đảm bảo sự tương hỗ với quá trình đô thị hóa...