“Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 trình Quốc hội” vừa được Bộ Tài chính công bố cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP.
Trong đó, thu nội địa khoảng 1,173 triệu tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng thu ngân sách; Thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu lần lượt đạt 44.600 tỷ đồng và 189.200 tỷ đồng.
Báo cáo năm nay cũng công bố cụ thể số thu theo dự toán theo từng loại thuế. Đáng chú ý, thu từ thuế bảo vệ môi trường năm sau dự tính chiếm 4,9% tổng thu, đạt khoảng hơn 69.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con dự toán năm nay - khoảng hơn 49.000 tỷ đồng.
Về dự toán chi, con số theo báo cáo là khoản trên 1,633 triệu tỷ đồng trong đó chi thường xuyên khoản 63,8% tổng thu, còn lại là chi đầu tư (26,3%), chi trả nợ lãi và viện trợ (7,7%) và dự phòng (2,1%).
Bội chi ngân sách theo báo cáo năm sau là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, thấp hơn mức dự kiến năm nay (tỷ lệ bội chi dự kiến năm nay là 3,67% GDP). Nợ công dự kiến giữ ở mức 61,3% GDP, nợ Chính phủ 52,2% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia 49,9% GDP.
Trước đó, hồi tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).
Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Những điều chỉnh trên áp dụng từ 1/1/2019.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ thời điểm đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách tán thành phương án tăng thuế môi trường với xăng, dầu vì giá bán lẻ xăng Việt Nam ngày 10/9 ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á (thấp hơn Lào 5.318 đồng một lít, Campuchia 1.773 đồng một lít, Trung Quốc 1.499 đồng một lít...).
Với phương án tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng các nước trong khu vực, như Campuchia 49%, Lào 56,5%, Trung Quốc 52%, Singapore khoảng 67%...
Dẫn báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ gửi kèm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu mức thuế với xăng dầu được điều chỉnh như đề xuất thì mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng. Đó số tiền rất lớn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Ông Hiển đề nghị đưa khoản tiền thuế này vào dự toán ngân sách năm 2019 để chi cho bảo vệ môi trường.