Tại cuộc họp tuần qua, Tổ điều hành Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận xét, từ quý II, thị trường hàng hóa đã có những chuyển biến tích cực, khi các chương trình hỗ trợ bắt đầu được triển khai, nhiều mặt hàng tồn kho lớn như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng đã tiêu thụ mạnh hơn. Kinh tế trong nước dần hồi phục, GDP tăng trưởng đều qua các quý: quý I tăng 3,1%, quý II tăng 4,5%, quý III tăng 5,8%, ước cả năm tăng 5,2%. Thị trường trong nước tiếp tục mở rộng và phát triển, hàng hóa dồi dào, nguồn cung được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý.
Tháng 10 và 11, thời gian diễn ra các hoạt động khuyến mại tại Hà Nội và TP. HCM, mức tăng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt cao nhất trong năm cho thấy, sức tiêu dùng trong nước rất mạnh. Tính cả năm 2009, con số này ước đạt trên 1.197 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng vẫn trên 10%). Đây là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô sụt giảm, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của thị trường trong nước trong nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Đẩy mạnh tiêu dùng trong nước
Theo dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán, thị trường sẽ sôi động, nhu cầu đối với các loại hàng hóa ước tăng khoảng 20% so với các tháng khác của năm. Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thành viên Tổ điều hành Thị trường nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các sở công thương chuẩn bị hàng phục vụ Tết, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Việc chuẩn bị đã bắt đầu từ 4 - 5 tháng trước, tuỳ vào nhu cầu, đặc điểm hàng hóa. Kinh phí chuẩn bị hàng Tết năm nay khá dồi dào, trong đó Hà Nội đã bố trí 250 tỷ đồng, TP. HCM là trên 400 tỷ đồng (DN được vay ưu đãi trong thời gian 5 tháng lãi suất 0% để dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết). Tương tự, các thành phố lớn, các khu đô thị, khu công nghiệp đều có quỹ hàng hóa phục vụ Tết.
Theo chủ trương của Bộ Công Thương, năm nay, quỹ dự trữ hàng hoá Tết được lồng ghép với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Việc chuẩn bị hàng hoá được kết hợp với các chương trình: xúc tiến thương mại thị trường trong nước, lồng ghép các chương trình bán hàng Việt Nam khuyến mại và chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… để người dân ưu tiên dùng hàng Việt.
Sức mua tăng cao song cứ "đến hẹn lại lên", năm nào dịp Tết giá cả các mặt hàng cũng thi nhau đội giá. Tháng 12, nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng giá từ 3 - 10%, trong đó, các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu tăng mạnh hơn cả. Trước diễn biến như vậy, tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú yêu cầu trong dịp lễ tết, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, khuyến khích các DN hạ giá bán để kích thích tiêu dùng trong nước, tăng cường triển khai các biện pháp quản lý thị trường, về giá cả, chất lượng hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại. Hàng hóa dự trữ để phục vụ Tết Canh dần, các DN trong diện được vay vốn ưu đãi sẽ phải bán thấp hơn 5% so với giá thị trường tại thời điểm Tết.
Thị trường nội: Ưu tiên nhưng không dễ
Thị trường nội địa tiềm năng và dồi dào như vậy nhưng nhiều DN vẫn kêu khó tiếp cận. Năm 2009, nhiều DN xuất khẩu cá tra, basa kêu trời về lượng hàng tồn kho, song khi được hỏi sao không tiêu thụ thêm tại thị trường nội địa, tổng giám đốc Công ty này cho hay, Công ty không có định hướng. Lý do là lượng hàng chủ yếu được phân phối qua các kênh như siêu thị nên mức tiêu thụ thấp, hơn nữa, người dân Việt Nam không mặn mà với cá đông lạnh, cá cắt khúc hoặc phile đóng gói. Trái ngược với nhận định này của các DN, phần lớn bà nội trợ cho biết, giá cá basa cắt khúc bán tại các siêu thị quá đắt so với mua cá tươi ngoài chợ, nếu giá cả "hợp lý" hơn, mặt hàng này có thể là sự lựa chọn với họ.
Tương tự là mặt hàng dệt may. Năm nay, nhờ được ưu tiên, đầu tư, doanh thu từ thị trường nội địa đã tăng đáng kể với nhiều công ty thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… Nhưng so với mức tiêu dùng của người dân thì con số đó còn rất nhỏ. Lý do chủ yếu là hàng dệt may Việt Nam nghèo nàn về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu vải. Tại Hội chợ Thời trang Việt Nam 2009 diễn ra mới đây tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), có khách hàng nữ nói vui: "Ăn chắc mặc bền thì chọn hàng dệt may Việt Nam, chứ muốn điệu đà thời trang thì chọn khó quá".
Trên đây chỉ là hai ví dụ để thấy rằng, để người Việt dùng hàng Việt, chỉ kêu gọi người tiêu dùng thôi chưa đủ mà DN cũng cần nỗ lực và xem lại vị trí thị trường nội địa trong chiến lược kinh doanh. Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, khi thị trường chủ lực bên ngoài "khép cửa", nhiều DN hàng đầu cũng đã chao đảo, thua lỗ nặng trong năm 2008 - 2009.