Tăng cường đầu tư cho ngành da giày

(ĐTCK-online) Ngành da giày Việt Nam vẫn đang được tăng cường đầu tư. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, đến hết năm 2006, toàn ngành đã trang bị được trên 750 dây chuyền đồng bộ sản xuất các loại giày dép, công suất 715 triệu đôi/năm.

Chỉ riêng tiền mua sắm máy móc, thiết bị nhập khẩu năm 2006 đã là 57 triệu USD. Còn về nguyên phụ liệu, việc giảm từ nhập khẩu 80% xuống còn 60% trong thời gian gần đây là do các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư vào sản xuất đế giày, thuộc da, nhựa...

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, việc đầu tư vào ngành da giày Việt Nam là một vấn đề rất đáng quan tâm, nhất là khi ngành này vẫn phải đổ khá nhiều tiền của để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Năm 2006, theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, giá trị nhập khẩu da đã lên tới 545 triệu USD, với sản lượng 377 triệu sqft. Một lý do nữa khiến cho đầu tư vào ngành da giày sẽ tăng lên, đó là tiềm năng, cơ hội phát triển của ngành. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã dần chuyển đổi từ phương thức gia công sang mua đứt bán đoạn. Nhiều công ty cũng đã mạnh dạn mua license để sản xuất và xuất khẩu các thương hiệu giày nổi tiếng và độc quyền trên thị trường thế giới. Lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ở ngành này cũng gia tăng. Theo thống kê, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hiện chiếm khoảng 45% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm giày dép, còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các nguồn đầu tư, theo thống kê, hiện được đầu tư vào 4 dòng sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh cao của Việt Nam là giày thể thao, giày vải, giày da nam nữ và dép các loại. Cơ hội để đầu tư và đầu tư hiệu quả vào ngành này vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là khi ngành da giày Việt Nam vẫn đang chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu giày da của Việt Nam đã đạt 3,59 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Mức thuế 10% mà Liên minh châu Âu áp dụng với giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam trong khi Trung Quốc chịu thuế suất 16,5% cũng khiến cho sản phẩm giày của Việt Nam có thế cạnh tranh tốt hơn. Kim ngạch xuất hàng vào thị trường Mỹ năm 2006 đã đạt 802 triệu USD, tăng 30% so với năm trước.

Theo ông Perter Kern, chuyên gia tư vấn ngành da giày, vấn đề với ngành sản xuất giày da ở Việt Nam giờ đây không chỉ nằm ở việc tăng cường đầu tư, mà cần đầu tư như thế nào để có hiệu quả. Một trong các mũi nhọn cần quan tâm khi đầu tư trong ngành này chính là vấn đề mẫu mốt. Khi thoát dần khỏi cảnh gia công, làm thuê cho các công ty lớn, ngành da giày Việt Nam thật sự cần đến các trung tâm tạo mẫu, để từ đó chủ động tiếp cận với các xu hướng thời trang của thế giới. Việc mở rộng hệ thống cung ứng, mà trong đó chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ giày dép cũng rất cần được quan tâm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng cần được tiết kiệm hơn, đồng bộ hơn. Ví như tại Trung Quốc, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu và các trung tâm phát triển mẫu mốt giày dép luôn được đặt cạnh nhau trong các khu công nghiệp sản xuất giày dép, rất thuận lợi cho đáp ứng nhu cầu triển khai mẫu mã mới cho khách hàng.