TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ soạn thảo, chia sẻ thêm về khái niệm này.
Lần đầu tiên, Dự thảo Luật DN sửa đổi xuất hiện khái niệm DN xã hội. Ông có thể cho biết cụ thể khái niệm này?
Ở các nước, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, DN xã hội rất phổ biến. Người ta dùng thuật ngữ khác như tổ chức phi lợi nhuận để chỉ những DN này. Tại Vương quốc Anh cũng thế. Dần dần, tại các nước châu Á cũng xuất hiện DN xã hội. Đây là DN như các DN bình thường, nhưng mục tiêu hoạt động không phải lấy lợi nhuận, mà là phục vụ những yêu cầu xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị yếu thế, xử lý vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường, đào tạo cho những người khuyết tật…
Tại Việt Nam, qua khảo sát ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, hiện có hơn 200 DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu ở các lĩnh vực đào tạo; giáo dục; y tế và xử lý môi trường.
Những doanh nghiệp trên hoạt động như thế nào, thưa ông?
Qua phỏng vấn, DN cho rằng, họ kinh doanh có lợi nhuận, không chia lợi nhuận cho cổ đông, mà tái đầu tư. Chúng tôi nhận thấy giá trị của họ có khác với DN bình thường, vì vậy, cần được xã hội thừa nhận và đặc biệt, cần thừa nhận về mặt pháp lý. Sau đó, nếu Nhà nước và xã hội thấy có giá trị thì cần có những chính sách khác biệt hỗ trợ họ phát triển.
Việc bổ sung khái niệm DN vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là DN xã hội) nhằm luật hóa, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các DN xã hội như một phương thức mới, hỗ trợ Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Nói cách khác, nếu được đưa vào luật, thì DN này được xã hội thừa nhận về mặt pháp lý, từ đó chú ý, tiến tới nâng cao và khuyến khích các giá trị mà DN xã hội đang theo đuổi. Theo điều tra của chúng tôi, nhiều DN đang hoạt động có lợi nhuận, nhưng họ tái đầu tư và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, như tạo công ăn, việc làm cho người nghèo. Công ty Serapon ở Quảng Trị là một thí dụ. Quy chiếu với hiện tại, nếu phù hợp thì có thể chuyển DN sự nghiệp nhà nước và DN hoạt động công ích chuyển sang mô hình này.
Có ý kiến cho rằng, DN xã hội có đặt ra phạm trù ưu thế lợi ích riêng, do vậy cần phải giám sát...
Theo tôi, việc giám sát không chỉ thực hiện với riêng loại hình DN nào. Giám sát là cơ chế của Chính phủ với tất cả các loại hình DN. Vấn đề ở đây là hiệu lực quản lý nhà nước, chứ không riêng với DN xã hội.
Chúng ta hay có thói quen đặt vấn đề giám sát khi loại hình mới. Theo tôi, như vậy là không đúng bản chất của Luật DN sửa đổi và sự phát triển của xã hội. Quan điểm của Luật DN sửa đổi là tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động.
Tuy nhiên, các phiên thảo luận cho rằng, không chỉ Luật DN, mà người điều hành luật cũng phải thay đổi để nâng cao hiệu quả thực thi khi áp dụng luật mới. Quan điểm của ông ra sao?
Luật là quyền hạn cứng, người thực hiện là quyền lực mềm. Theo tôi, việc thay đổi đòi hỏi phải là quá trình đồng bộ, từ thay đổi cách thức quản lý, thay đổi đội ngũ công chức những người trực tiếp tham gia. Song hành là cơ chế hỗ trợ như thế nào cho phù hợp và giám sát việc thực thi một cách hiệu quả. Điều này đúng cả với Luật lẫn người thi hành Luật DN sửa đổi.