Dầu khí, Dệt may, Hóa chất, Điện lực, Tàu thủy, Handico, Sông Đà, Xi măng, Viettel, Vinaconex, VNPT… là những tập đoàn, tổng công ty đã bỏ vốn thành lập công ty tài chính. Tuy chưa có một thống kê đầy đủ về hiệu quả những đồng vốn này, song nhìn chung, hoạt động của các công ty tài chính đều không mấy sáng sủa, trong đó nợ xấu là vấn đề trầm trọng, đang gây áp lực lên hoạt động của các công ty này.
Do được thành lập với mục đích quản lý, thu xếp vốn cho các tập đoàn, tổng công ty, nên các công ty tài chính dạng này chủ yếu cho vay “cánh hẩu”, tức là cho cổ đông và các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan đến cổ đông vay tiền. Trong khi đó, hàng rào quản trị rủi ro lại rất lỏng lẻo. Hệ quả là những khoản nợ khó đòi ngày càng tăng, thậm chí có những đơn vị con số này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Năm 2013, Tài chính Sông Đà có lãi vỏn vẹn 900 triệu đồng trên vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Tài chính Tàu thủy bị hàng loạt tổ chức tín dụng kiện ra tòa vì không trả được nợ; Tài chính Xi măng phải kiêm thêm ngành nghề cho thuê tàu biển do siết nợ tài sản đảm bảo…
Định hướng của cơ quan quản lý là thu hẹp số lượng các tổ chức tín dụng, nhưng dường như mới chỉ quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng. Khối các công ty tài chính đã được các tập đoàn, tổng công ty đổ hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn đầu tư, giờ đang hoạt động èo uột mà chưa thấy giải pháp hữu hiệu nào dành cho họ. Trong bối cảnh cả đầu vào (huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp) và đầu ra (cho vay doanh nghiệp, tư vấn, bảo lãnh tín dụng…) đều bị khối ngân hàng, vốn có nhiều lợi thế hơn, cạnh tranh quyết liệt, nhiều công ty tài chính chỉ còn con đường sống mòn, ăn vào vốn góp.
Thoái vốn khỏi công ty tài chính, do đó là yêu cầu bắt buộc và cần sớm thực hiện đối với các tập đoàn, tổng công ty. Để thực hiện được điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý một mặt cần tạo áp lực, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi để khối doanh nghiệp này đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, trong đó tính đến cả việc cho sáp nhập với các ngân hàng.