Qua khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, xu hướng mất việc làm năm 2009 vẫn đang diễn biến phức tạp, do nhiều DN không nhận được đơn hàng xuất khẩu, nhiều DN không tiêu thụ được hàng hoá và xuất khẩu gặp khó khăn. Dự báo, số lao động mất việc làm trong năm nay vào khoảng 300.000 người.
Hiện nay, có tình trạng báo chí đăng tải những con số lao động mất việc làm không hẳn là số liệu của cơ quan quản lý nhà nước, mà là phát biểu, dự đoán của các chuyên gia tại các cuộc hội thảo, tọa đàm. Chính phủ đã quy định Tổng cục Thống kê là cơ quan phát ngôn chính thức về tất cả những số liệu có liên quan đến kinh tế - xã hội, còn các bộ quản lý chuyên ngành phải phối hợp với cơ quan này để cung cấp và phân tích, dự báo những số liệu để đưa cho khớp. Vì vậy, đề nghị khi phân tích hay đánh giá tình hình hãy dựa vào các báo cáo của Chính phủ và của Tổng cục Thống kê công bố.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều trung tâm kinh tế như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội…, những nơi có số người lao động bị mất việc làm nhiều nhất thì hiện đã có khoảng 80% số lao động mất việc tìm được việc làm mới. Có thể con số này còn chưa đầy đủ, chưa chính xác nhưng là những xu hướng rất tốt cho việc sau khi mất việc và tìm được việc làm mới.
Tất nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 5% (giảm 1,5% so với mục tiêu ban đầu) thì khó có thể bảo đảm tạo ra được 1,7 triệu việc làm mới như Nghị quyết của Quốc hội mà chỉ có thể tạo ra được 1,45 triệu việc làm mới.
Dù người lao động mất việc làm ở khu vực nào chúng ta cũng phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ những hệ thống chính sách giải pháp, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Nhà nước đã bỏ ra khá nhiều tiền để thực hiện kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, nếu không sử dụng đúng mục đích, đầu tư không hiệu quả thì khó có thể giải quyết được bài toán việc làm. Giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trước mắt, nhưng vấn đề cốt lõi là phải đào tạo tay nghề cho người lao động. Để giải quyết vấn đề này, riêng đối với khu vực nông thôn, Chính phủ dự kiến bỏ ra 2 tỷ USD (khoảng 32.600 tỷ đồng) giai đoạn 2009 - 2020 chi cho công tác đào tạo nghề. Trong đó, riêng năm 2009, Chính phủ sẽ bỏ ra khoảng 8.000 tỷ đồng để thực hiện việc này. Đây là một đề án mà chúng tôi chuẩn bị rất công phu, vì nó đụng chạm tới hơn 70% người dân sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và là nông dân.
Tất nhiên, khi điều chỉnh chỉ tiêu cơ bản chủ yếu thì nó sẽ chi phối, có tác động tới tất cả những hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác không riêng chỉ tiêu việc làm. Như tôi đã nói, cứ 1% GDP tăng lên sẽ tạo ra 0,34% việc làm mới, việc điều chỉnh giảm GDP tất nhiên sẽ giảm việc làm mới. Vì không có một quốc gia nào khi tăng trưởng kinh tế chậm lại mà việc làm tăng lên. Điều này đúng cả về lý thuyết và thực tế.