Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, CPI của Mỹ trong tháng 9 chỉ tăng 0,1% chủ yếu là gia tăng giá thực phẩm và nhà ở, bù đắp cho giá năng lượng giảm. Với dữ liệu CPI này càng củng cố cho khả năng FED sẽ duy trì lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài nữa.
Trong khi đó, theo số liệu của Thomson Reuters, trong 135 doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, có 68,9% số doanh nghiệp có lợi nhuận vượt kỳ vọng, cao hơn mức trung bình 4 quý gần nhất.
Những thông tin trên tiếp tục giúp phố Wall có ngày khởi đầu tích cực với sắc xanh trên cả 3 chỉ số chính. Tuy nhiên, vào nửa cuối phiên, với sức nặng của các bluechip, phố Wall đã đảo chiều giảm trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ.
Cổ phiếu của Boeing giảm mạnh 4,5% khi những lo ngại về chi phí của loại máy bay phản lượng 787 Dreamline, trong khi cổ phiếu của hãng dược Biogen cũng mất tới 5,4% khi báo cáo doanh số của các loại thuốc mới không như mong đợi của nhà đầu tư.
Trong ngày 22/10, khi Thủ tướng Canada Stephen Harper đang họp với các nghị sĩ trong tòa nhà quốc hội thì 1 tay súng xông vào vào bên trong sau khi bắn một binh sĩ canh gác đài tưởng niệm gần đó. Cuộc truy lùng và đấu súng với tay súng đột nhập của lực lượng an ninh Cannada sau đó diễn ra bên trong tòa nhà Quốc hội và nghi phạm được tiêu diệt.
Tuy nhiên, tiếng súng nổ ở tòa nhà Quốc hội Canada cũng khiến giới đầu tư phố Wall giật mình đặt lệnh bán nhanh, đẩy phố Wall đảo chiều.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số Dow Jones giảm 153,49 điểm (-0,92%), xuống 16.461,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,17 điểm (-0,73%), xuống 1.927,11 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 36,63 điểm (-0,83%), xuống 4.382,85 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì được đà tăng của mình khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố ở mức thấp, củng cố khả năng FED sẽ duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài. Trong khi đó, mùa công bố kêt quả kinh doanh của châu Âu cũng bắt đầu đến với tín hiệu khả quan ban đầu. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, trong 9% số doanh nghiệp trong chỉ số Stoxx 600 đã báo cáo kết quả kinh doanh, có 65% số công ty có lợi nhuận bằng hoặc vượt kỳ vọng.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,40 điểm (+0,43%), lên 6.399,73 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,18 điểm (+0,60%), lên 8.940,14 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 23,85 điểm (+0,58%), lên 4.105,09 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 9 khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tung các gói kích thích kinh tế. Tương tự, chứng khoán Nhật Bản cũng bật tăng mạnh trở lại với kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 391,49 điểm (+2,64%), lên 15.195,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 315,39 điểm (+1,37%), lên 23.403,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 13,10 điểm (-0,56), xuống 2.326,55 điểm.
Kỳ vọng về việc ECB nới lỏng tiền tệ và tung gói kích thích kinh tế khiến đồng euro giảm mạnh so với đồng USD qua đó tác động tiêu cực lên giá các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có vàng.
Kết thúc phiên 22/10, giá vàng giao ngay giảm 8,4 USD (-0,67%), xuống 1.241,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 6,2 USD (-0,50%), xuống 1.245,5 USD/ounce.
Giá dầu giảm mạnh khi kho dữ trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quản quả lý thông tin năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,11 triệu thùng, nhiều hơn gấp đôi con số 2,5 triệu thùng của giới phân tích dự đoán. Đây chính là nguyên nhân khiến giá dầu quay đầu giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư chỉ sau phiên đảo chiều tăng nhẹ trước đó.
Kết thúc phiên 22/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,97 USD (-2,45%), xuống 80,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,51 USD (-1,78%), xuống 84,71 USD/thùng.