Nhưng mọi việc dần trở nên khó khăn hơn từ sau khi tôi lấy vợ, không gian sống 70 m2 dần bị thu hẹp lại. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, về đến nhà đập ngay vào mắt là mớ áo quần chất đống, một vài chiếc vỏ chai hộp bỏ quên trên bàn hay khung cửa sổ lúc nào cũng đóng im lìm…
Với vợ tôi, việc sở hữu đến 4 cái tủ quần áo và 1 cô giúp việc theo giờ vẫn là không đủ để sắp xếp căn nhà cho gọn gàng. Không thể thỏa hiệp, tôi quyết định phải sửa sang lại chiếc tổ trên cao cho mọi không gian trở nên hợp lý hơn với cách sống từng người. Hơn nữa, đã 20 năm nay, căn nhà này cũng chưa từng được sửa sang lần nào.
Nhưng giờ đã là sát Tết, chắc chẳng còn mấy tốp thợ chịu nhận những hợp đồng sửa nhà như vậy. Đa phần họ sẽ muốn đẩy những vụ thế này sang năm mới và dành sự ưu tiên cho những căn nhà mới xây xong.
Sau nhiều ngày suy đi tính lại, tôi tặc lưỡi quyết định sẽ tự mình lên ý tưởng sửa nhà. Tôi sẽ tự lắng nghe ý muốn bản thân để kiến tạo nên tổ ấm thứ hai. Điều đó sẽ khiến tôi hào hứng và tự hào hơn rất nhiều. Và nói cho cùng, có thuê kiến trúc sư thì họ cũng phải hỏi ý kiến, sở thích chủ nhân trước khi vẽ vời, thiết kế mà.
Khi bắt tay vào công việc, tôi không đặt ra tiêu chuẩn hay giới hạn nào cho việc cải tạo. Chỉ cần các nhu cầu về ăn - ở - sống - thư giãn vẫn được đáp ứng khéo léo là đủ. Nhưng muốn thư giãn thì thị giác cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Vì vậy, yếu tố hài hòa, gần gũi với thiên nhiên cần được đặt lên hàng đầu.
Việc đầu tiên tôi quyết định làm là dọn dẹp lại đồ nội thất chiếm nhiều diện tích ở phòng khách. Một bộ sofa khổng lồ chưa thực sự cần thiết với đôi vợ chồng trẻ nhưng lại đang chiếm hữu quá nhiều không gian.
Tiếp theo, tôi không muốn đầu tư quá nhiều vào nội thất phòng khách hay phòng ngủ. Điều này nghe có vẻ hơi ngược so với xu hướng thiết kế chung bây giờ, nhưng với người làm nghề sáng tạo như tôi, phòng tắm mới là nơi để thư giãn, nghỉ ngơi và tìm lại nguồn cảm hứng của chính mình.
Khó khăn đặt ra là làm thế nào để một căn phòng ẩm ướt trở nên nghệ thuật hơn? Cuối cùng, tôi đã nghĩ ra cách thay những bóng đèn vàng mờ bằng những chiếc đèn lồng nhỏ đặt ở góc và thêm vài ba cây nến. Dưới ánh sáng lung linh của nến, mọi thứ sẽ đều đẹp đẽ, ấm cúng và lãng mạn hơn.
Ngoài ra, tôi còn thay mới nền nhà bằng những viên gạch lát theo phong cách Ma Rốc hoặc Địa Trung Hải có hình khối 3D nhằm đánh lừa thị giác, làm không gian phòng tắm rộng và có chiều sâu hơn.
Còn để tạo thêm ánh sáng cho căn phòng ngủ, tôi muốn thay cửa sổ từ dạng kéo sang dạng đóng mở. Tại đây, thay vì dùng rèm, tôi trồng vào đó một dàn hoa lan chiếm 50% diện tích. Khi nắng lên, ánh sáng xuyên qua dàn hoa tím in những vệt bóng đổ lên không gian bên trong. Còn khi đêm xuống, nó sẽ tạo ra một cái nhìn mờ ảo từ ngoài vào không gian nội thất, đảm bảo được sự riêng tư nhưng không kém phần thú vị.
Phải công nhận rằng, việc dùng ánh sáng cho nhà ở hiện nay không chỉ là để đủ sáng mà còn phải sáng đẹp, sáng sạch và xanh nữa. Vẫn là mấy bóng đèn led nhưng đặt sao cho khéo cũng là một nghệ thuật. Từng chi tiết, ngóc ngách, màu sắc, đường nét…đều cần sự chăm chút hợp lý sao cho vừa đẹp, vừa tiện dụng mà không bị bình thường quá. Cái này là lý thuyết thôi nhưng tôi biết, dân trong nghề cũng thấy không dễ để làm được.
Vốn là một tay thiết kế nghiệp dư nên tôi suýt quên mất điều cơ bản nhất, đó là nên chọn màu sơn nhà trước khi chọn đồ nột thất. Người ta mơ nhà mơ cửa, còn tôi mơ biển, mơ trời, đó là cách tôi định nghĩa về mình. Vì vậy không ngạc nhiên khi tôi chọn xanh cô-ban, màu của đại dương, màu của bầu trời cho không gian sống.
Ngoài lý do sở thích, tôi cũng đọc một nghiên cứu ở đâu đó rằng, sơn nhà màu xanh sẽ dễ bán và bán được giá hơn. Bởi xanh là một gam màu tươi sáng luôn đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh bình, gần gũi và tin tưởng. Tông màu xanh da trời của tường khi cộng hưởng với ánh sáng sẽ làm không gian căn nhà trông rộng rãi và sáng sủa hơn bình thường.
Và theo thuyết phong thủy, một căn nhà được sơn màu xanh phù hợp với bát quái sẽ đem lại tài lộc, sức khỏe, tiền bạc cũng như sự may mắn cho chủ nhân.
Việc chọn màu sơn rất quan trọng nhưng chọn lựa màu nội thất sao cho hài hòa cũng cần được lưu ý. Vì vậy, một chút tính toán đến tỷ lệ giữa các màu tương ứng, nhất là những màu tương phản là điều quan trọng.
Theo phong thủy, màu xanh thuộc hành Thủy nên tôi cần chọn nội thất có màu hành Kim như trắng (Kim sinh Thủy) và tránh màu hành Thổ.
Cuộc chơi màu sắc bắt đầu từ cánh cửa ra vào sơn trắng, kết hợp với bức tường xanh để tạo cảm giác thư thái. Góc bếp, thay vì dùng màu tối để “đỡ dơ” thì ở đây tôi dùng gam màu trắng làm chủ đạo. Ngay cả gỗ cũng dùng màu gỗ sáng.
Tôi quan niệm, bếp sạch hay bẩn phụ thuộc vào người dùng, không phụ thuộc vào màu sắc. Hơn nữa, bây giờ có rất nhiều loại vật liệu chống bám bẩn rất tốt.
Để nội thất bớt nhàm chán, các vật dụng còn lại được tôi chọn tông màu trắng ngà và màu trầm nhẹ theo tỷ lệ 6:3:1- 6 phần là tông màu chủ đạo, 3 phần là tông bổ trợ và 1 phần dành cho những chi tiết nhỏ.
Chẳng hạn như các vật dụng trong cùng phòng khách sẽ được phối màu theo nguyên tắc bù trừ như đỏ đi với xanh lá, xanh dương đi với vàng… để tạo sự trẻ trung và phá cách cho không gian.
Nếu lo ngại về việc dùng nhiều sắc màu đối lập sẽ phá vỡ kết cấu tổng thể và khó bề sửa chữa, tôi lại cho phối những màu sắc tương tự với nhau, nhằm giữ được nét thanh lịch và nhẹ nhàng như màu xanh biển nhạt - xanh dương đậm, xanh lá pastel - xanh rêu… Các không gian sống vì thế không cần quá nhiều chi tiết trang trí cũng đủ tạo ấn tượng, nhất là khi thành phố đã lên đèn.
Vậy là chỉ còn lại góc thư giãn ngoài ban công nhỏ, tôi không chỉ coi đây là nơi tận hưởng nắng gió mà còn là khoảng thở quý giá của căn hộ. Ở đây tôi cũng trồng cây nhưng dùng tường gạch vàng làm nền cho cây cỏ. Thêm 1-2 chiếc ghế gỗ mộc mạc để ngồi nhấm nháp ly trà những chiều rảnh rỗi.
Trước khi bắt tay vào kiến tạo lại ngôi nhà, tôi cũng đem ý tưởng thiết kế này đến gặp một người bạn kiến trúc sư. Có lẽ vì tôi chưa thực sự tự tin vào những quyết định của mình. Biết đâu vẫn có những sai sót sẽ làm căn nhà từ lợn lành thành lợn què thì sao?
Khi nghe tôi nói vậy, anh bạn tròn mắt ngạc nhiên: “Sao lại tự ti thế. Ai cũng có quyền mơ ước, có quyền sáng tạo cho chính ngôi nhà của mình”.
Và trong thực tế, kiến trúc sư chỉ là “bà đỡ” của công trình. Còn địa điểm, văn hóa, thổ nhưỡng…của mảnh đất mới thực sự là mẹ đẻ. Vì thế “bà đỡ” chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ “mẹ đẻ” để tạo ra công trình phù hợp.
Thời đại thông tin cập nhật từng phút nên ai cũng có thể tham khảo tài liệu khắp năm châu bốn bể. Việc thiết kế vì vậy mà trở thành quan trọng hóa. Nhưng tham khảo nhiều quá thì lại làm khổ kiến trúc sư. Bởi mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng, nhất là trong chuyện ăn, chuyện ở. Nên anh bạn tôi cũng từng gặp không ít chuyện bi hài. Như khách hàng cứ so sánh mãi ngôi nhà anh thiết kế với không gian nghỉ dưỡng ở tận đẩu tận đâu mà không hiểu, nhà mình phải khác nhà họ chứ.
Cuối cùng, anh động viên tôi rằng, bản thiết kế hoàn hảo nhất cho căn nhà cần xuất phát từ chính cá tính của chủ nhân. Có người yêu thích sự đơn giản, hài hòa, tinh tế. Người lại thích phá cách và sống ngẫu hứng theo cá tính riêng. Cho nên trong kiến trúc không thể có khuôn mẫu chung cho tất cả. Tôi hỏi anh thì cũng thế thôi. Anh có thể khuyên cái này cái kia nhưng không phù hợp với tôi thì thành dư thừa.
Chỉ cần tôi bắt đầu với một gam màu chủ đạo, để gu thẩm mỹ dẫn lối, kết hợp màu sắc làm sao thể hiện cá tính trọn vẹn là được. Nói cho cùng, khi người ta có cuộc sống thú vị thì tự khắc căn nhà sẽ trở nên thú vị mà chẳng cần một thiết kế nào.
“Cậu cứ tự tin mà sửa nhà theo ý đồ của mình, đừng sợ và cũng đừng tự ti, bởi suy cho cùng, cậu và các thành viên trong gia đình mãn nguyện với không gian sống của mình là là điều quan trọng nhất”. Lời khuyên của anh bạn kiến trúc sư khiến tôi thêm tự tin với những quyết định của mình.
Vậy là tết này tôi đã có nhà mới, hay nói đúng hơn, đó sẽ là một không gian sống mới trong căn nhà vốn đã từng cũ kỹ, nhàm chán.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com