Tự tin vào khả năng hội nhập và toàn cầu hóa
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo, ứng dụng gọi xe của người Việt cho biết, dù đang có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường với nhiều ứng dụng cùng lĩnh vực, nhưng FastGo vẫn có cơ hội rất lớn khi tham gia vào sân chơi này.
Theo đó, thị trường dịch vụ gọi xe đang tăng trưởng tích cực mỗi năm, chưa kể, một thị trường rộng lớn, bao trùm trên lĩnh vực này là nền kinh tế chia sẻ với các dịch vụ trên nền tảng di động có khả năng phát triển không giới hạn.
Bên cạnh đó, CEO FastGo bày tỏ sự tự tin khi tiến ra Đông Nam Á, với mục tiêu dài hạn là sẽ trở thành nền tảng ứng dụng gọi xe và các dịch vụ di động cạnh tranh trong khu vực.
“Việt Nam có thế mạnh về công nghệ với đội ngũ kỹ sư chất lượng cao và khả năng thích nghi với sự thay đổi hàng ngày. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin khi tiến ra khu vực”, người đứng đầu FastGo khẳng định.
Anh Tuất đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một vận hội lớn để phát triển dựa trên việc điện tử hóa nền kinh tế và tận dụng xu thế toàn cầu hoá trong cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ thông tin.
Bằng việc ứng dụng công nghệ và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp trẻ Việt Nam có xuất phát điểm ngang bằng với các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời có lợi thế hơn khi nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, nhiều cơ hội đang bỏ ngỏ.
Trong 5 - 10 năm tới, thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam, cùng với các mô hình kinh doanh mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam và hội nhập với khu vực, thế giới.
Trong khi đó, với vai trò là người tiên phong đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình, Nguyễn Khôi, nhà sáng lập và CEO của ứng dụng WeFit đã lọt vào danh sách Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2018. Hiện trong lĩnh vực này, gần như WeFit không có đối thủ.
Đây là sản phẩm kết hợp giữa đam mê công nghệ và tư duy mong muốn cuộc sống trở nên nhân văn, đẹp đẽ hơn qua lĩnh vực giáo dục, sức khỏe của Nguyễn Khôi.
Hiện tại, sau 2 năm, WeFit đã trở thành một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ ứng dụng công nghệ.
Tầm nhìn dài hạn của Công ty là có thể phát triển thêm các sản phẩm công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm trong lĩnh vực phong cách sống, có vị thế ở Việt Nam và có năng lực cạnh tranh với thị trường khu vực.
“Mặt bằng chung trình độ chuyên môn của các kỹ sư ở Việt Nam hiện nay không hề thua kém xa so với thế giới.
Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng, đặc biệt là các sản phẩm có tính ứng dụng internet, nơi mà rào cản về không gian và thời gian bị thu hẹp rất nhiều. Bắt kịp về công nghệ và ứng dụng có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, tiến tới cạnh tranh với thế giới”, Nguyễn Khôi chia sẻ.
Kỳ vọng về những startup tỷ đô
Cả 2 vị CEO trên đều cho rằng, startup hiện tại có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp đã “trưởng thành” bởi tốc độ và sự sáng tạo.
Đáng chú ý, lợi thế lớn nhất chính là sự tinh gọn, có thể ra quyết định và thay đổi nhanh hơn những doanh nghiệp lớn. Chưa kể, đây là những doanh nghiệp thế hệ mới dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chấp nhận thất bại.
“Tôi nghĩ là việc được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hội nhập, với internet phát triển bùng nổ đã giúp thế hệ doanh nhân trẻ như tôi có cơ hội tiếp cận với kiến thức trên thế giới dễ dàng hơn, từ đó tạo cho mình bản lĩnh vươn ra biển lớn và dám phá cách”, CEO WeFit nói.
Mặc dù doanh nghiệp thế hệ mới đang ngày càng phát triển cả về lượng và chất, song anh Nguyễn Hữu Tuất cho biết, quy mô của các công ty vẫn còn nhỏ và Việt Nam thiếu những “kỳ lân” - startup tỷ đô.
Do đó, các doanh nhân trẻ như Nguyễn Hữu Tuất và Nguyễn Khôi đều kỳ vọng, trong 3 - 5 năm tới, Việt Nam có thể ghi tên trên bản đồ kỳ lân thế giới và có thể so sánh với các doanh nghiệp lâu năm.
Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh.
Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp).
Tổ chức Topica Foun2der Institute (TFI) cũng cho biết, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD).