BII dự kiến bổ sung 186 tỷ đồng vốn cho Công ty Chế biến cát Bình Thuận để thực hiện M&A với Công ty Vico Quảng Trị

BII dự kiến bổ sung 186 tỷ đồng vốn cho Công ty Chế biến cát Bình Thuận để thực hiện M&A với Công ty Vico Quảng Trị

“Soi” BII trước thềm tăng vốn khủng

(ĐTCK) Năm nay, CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII) có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 576,8 tỷ đồng lên 1.130,56 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:0,7 và 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Kế hoạch sử dụng vốn

Giá phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược đều ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ được BII sử dụng như sau: đầu tư 106,7 tỷ đồng vào Công ty TNHH một thành viên Chế biến gỗ Bình Thuận; góp thêm 31 tỷ đồng vào Công ty TNHH Vận tải Thắng Hải (BII đang sở hữu 51% vốn) phục vụ kinh doanh vận tải, logistic, kho bãi; bổ sung 186 tỷ đồng vốn cho Công ty TNHH MTV Chế biến cát Bình Thuận (Sibico - công ty 100% vốn của BII); đầu tư 80 tỷ đồng xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Trị An, diện tích 50 héc-ta tại Đồng Nai. Còn tiền thu được từ phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, dự kiến là Công ty TNHH Ngôi Sao Xanh, sẽ được BII đầu tư vào Công ty TNHH Dược liệu Bảo Tâm.

Ngoài ra, BII sẽ phát hành 250 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, nhằm đầu tư vào Khu đô thị Tân Bửu tại Đồng Nai.

 

Kỳ vọng của BII về các khoản đầu tư

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Ban lãnh đạo BII cho biết, dự kiến sau khi được BII đầu tư thêm vốn, công suất dây chuyền sản xuất ván ép (Plywood) và dây chuyền sản xuất ván ghép thanh tại Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Bình Thuận sẽ được nâng lên tương ứng 2 triệu m2/năm và 10.000 m3/năm.

BII đầu tư thêm 186 tỷ đồng vào Sibico để thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) Công ty Vico Quảng Trị. Hiện Vico Quảng Trị đang sở hữu giấy phép khai thác mỏ cát thạch anh tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, với trữ lượng mỏ 15,6 triệu tấn, thời gian khai thác 30 năm; sở hữu nhà máy chế biến cát thạch anh công suất 300.000 tấn/năm và nhà máy chế biến đá ốp lát công suất 420.000 m2/năm.

BII sẽ góp thêm 31 tỷ đồng vào Công ty Vận tải Thắng Hải để đầu tư 20 xe container tải trọng 30 tấn, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các công ty thành viên. Trước đó, Công ty Vận tải Thắng Hải đã đầu tư và vận hành 10 xe container HuynDai đầu kéo 30 tấn/xe vào tháng 11/2015, nhằm đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy thành viên của BII tại Cụm công nghiệp Thắng Hải đi đến cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Gò Dầu (Đồng Nai) để xuất khẩu, đồng thời cung cấp hàng hóa cho khách hàng tại Bình Dương, Đồng Nai và TP. HCM.

Đối với Công ty TNHH Dược liệu Bảo Tâm, công ty này đang triển khai Dự án trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng trên diện tích 326 héc-ta tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Khu đất này tiếp giáp với Sân bay Phan Thiết (theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2019) và cách Khu du lịch Mũi Né 4 km. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2018, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, điều trị bệnh…, kỳ vọng tạo ra nguồn thu lớn kể từ năm 2020. Sau khi phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược (150 tỷ đồng), BII sẽ dùng nguồn vốn này để đầu tư vào Công ty Dược liệu Bảo Tâm (tỷ lệ sở hữu 88% vốn).

Về Dự án Khu đô thị Tân Bửu, khu đô thị này đang được Công ty TNHH Địa ốc Tân Bửu (vốn điều lệ 265 tỷ đồng, trong đó BII sở hữu 94,34%) lập thủ tục đầu tư, diện tích 243 héc-ta. Tổng vốn đầu tư toàn dự án là 3.793 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng, số vốn 2.793 tỷ đồng còn lại sẽ sử dụng vốn vay ngân hàng và vốn ứng trước của khách hàng.

Dự án được chia ra làm 4 giai đoạn thực hiện đầu tư, từ năm 2016 đến năm 2025. BII dự kiến sẽ liên kết với đối tác Hàn Quốc cùng góp vốn vào Công ty Địa ốc Tân Bửu để đầu tư phát triển Khu đô thị Tân Bửu. Khu đô thị này đi vào xây dựng và hoạt động sẽ tạo điều kiện cho các công ty thành viên của BII cung cấp vật liệu xây dựng, đồ gỗ, nội ngoại thất, cũng như trở thành nhà thầu phụ trong lĩnh vực xây dựng.

Hiện BII đang triển khai đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Trị An, tổng vốn đầu tư dự kiến 80 tỷ đồng, quy hoạch cho ngành nghề vật liệu xây dựng và chế biến gỗ, trong đó kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất xuất khẩu đến thuê đất. Bên cạnh đó, BII sẽ giao đất cho hai công ty thành viên là Công ty Chế biến gỗ Bình Thuận và Công ty Gạch Tuynel Bình Thuận để đầu tư mới nhà máy tại Cụm công nghiệp.

“Soi” kết quả kinh doanh của BII

Theo báo cáo tài chính của BII, Công ty tăng vốn điều lệ từ 150,68 tỷ đồng năm 2012 lên 228 tỷ đồng năm 2013 và 328 tỷ đồng năm 2014. Năm 2015, Công ty tăng vốn lên 576,8 tỷ đồng.

Giai đoạn 2012 - 2014, BII có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế ở mức cao. Cụ thể, năm 2013, BII đạt doanh thu 46,6 tỷ đồng, tăng 175%; lợi nhuận hơn 14,2 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2012. Năm 2014, BII đạt doanh thu 124,5 tỷ đồng, tăng 167%; lợi nhuận 33,2 tỷ đồng, tăng 134% so với năm 2013. Tuy nhiên, năm 2015, doanh thu của BII đạt 102,7 tỷ đồng, giảm 17,5%; lợi nhuận đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 67,6% so với năm 2014. 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 38,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm lần lượt là 350 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.

Đáng lưu ý trong hoạt động kinh doanh của BII những năm qua là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh liên tục ghi nhận con số âm. Chẳng hạn, năm 2014, sau khi chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BII đã ghi nhận con số âm 64,4 tỷ đồng, trong khi năm trước đó, Công ty ghi nhận số tiền lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là 62,97 tỷ đồng.

Tương tự, báo cáo lưu chuyển tiền tệ thuần năm 2015 của BII ghi nhận con số âm 149,1 tỷ đồng, tăng 231% so với năm 2014.

Dòng tiền âm của BII trong 2 năm 2014 - 2015, theo đánh giá của các thành viên thị trường là do sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn. Cụ thể, năm 2014, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 124 tỷ đồng, nhưng khoản phải thu ngắn hạn là 192,7 tỷ đồng, trong đó có 97,4 tỷ đồng phải thu khách hàng; 93,5 tỷ đồng trả trước cho người bán. Năm 2015, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 102,7 tỷ đồng, nhưng khoản phải thu ngắn hạn là 414,5 tỷ đồng; trong đó 30,1 tỷ đồng phải thu khách hàng; 186,8 tỷ đồng trả trước người bán ngắn hạn và 195,4 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về sự gia tăng các khoản phải thu ngắn hạn, đại diện BII cho biết, trong quá trình triển khai một số dự án, theo yêu cầu từ một số nhà thầu, Công ty đã tiến hành tạm ứng trước một phần giá trị hợp đồng để đảm bảo quá trình thi công đúng tiến độ. Sau khi các hạng mục được hoàn tất, các khoản tạm ứng này đã được hạch toán lại đầy đủ và được xác nhận bởi công ty kiểm toán. Tính đến ngày 30/7/2016, ngoài các khoản tạm ứng nêu trên, một số khoản phải thu cũng đã được BII thu hồi đầy đủ.

Một điểm đáng lưu ý khác là từ năm 2013 đến nay, BII có khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải trả khá cao. Cụ thể, cuối năm 2013, Công ty có khoản nợ thuế lũy kế 15,58 tỷ đồng; cuối năm 2014, con số này là 14,04 tỷ đồng; cuối năm 2015 là 8,37 tỷ đồng. Theo báo cáo soát xét tài chính bán niên 2016, BII đã nộp 3,37 tỷ đồng (bao gồm cả khoản thuế phát sinh trong kỳ là 1,17 tỷ đồng), nên số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp còn lại là 6,16 tỷ đồng. Ngoài ra, BII còn khoản chậm phạt và chậm nộp thuế tính đến cuối quý II/2016 là 5,83 tỷ đồng.

Lý giải về khoản nợ thuế và khoản tiền phạt chậm nộp thuế nêu trên, đại diện BII cho biết, theo quy định, Nhà nước chủ trương đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào các cụm công nghiệp do BII triển khai và giao đất sạch cho chủ đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do ngân sách của tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn nên Công ty đã chủ động ứng trước số tiền 37,7 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các hạng mục công trình hạ tầng kết nối trên để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp được thuận lợi.

Sau đó, Công ty đã làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước để xin hoàn số tiền nêu trên và đối chiếu lại nợ với nghĩa vụ ngân sách (căn cứ theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC: người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước thanh toán nên không nộp thuế kịp thời dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp phạt chậm nộp thuế).

BII đã có tờ trình với UBND tỉnh Bình Thuận để khấu trừ số tiền đã ứng với nghĩa vụ ngân sách nhà nước là số thuế phải nộp của Công ty đến ngày 20/4/2016, số tiền là 18 tỷ đồng.

Ngày 22/5/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành, cùng BII để giải quyết kiến nghị của BII và ngày 27/5/2016 có biên bản kết luận của UBND tỉnh về việc giải quyết kiến nghị thuế của Công ty.

Tin bài liên quan