Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN).
Tính đến ngày 20/11, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt mức 15 triệu ca, trong bối cảnh số ca mắc tăng mạnh từ đầu mùa Đông với 1 triệu ca mắc mới chỉ trong bốn ngày qua.
Theo thống kê của hãng Reuters (Anh), đến nay châu Âu ghi nhận ít nhất 15.046.656 ca mắc và 344.401 ca tử vong. Trước đó, châu Âu đã ghi nhận 5 triệu ca mắc đầu tiên sau gần chín tháng và thêm 10 triệu ca mắc chỉ trong chưa đầy hai tháng sau.
Với dân số chỉ chiếm 10% dân số thế giới, châu Âu hiện chiếm 26% trong tổng cộng gần 57 triệu ca mắc và 25% trong 1,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Hiện cứ 100 ca mắc được xác nhận trên thế giới có 39 ca từ các nước châu Âu.
Xét theo khu vực, Đông Âu chiếm hơn 30% tổng số ca mắc và 24% tổng số ca không qua khỏi tại châu Âu. Tính theo số ca mắc trên đầu người, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Nga và Ukraine vẫn nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh tại Đông Âu. Tính trung bình một tuần, Nga công bố hơn 22.434 ca/ngày.
Xét theo quốc gia, Pháp đã vượt Nga trở thành nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh trong khu vực và chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil tính trên thế giới. Pháp và Nga hiện chiếm khoảng 27% tổng số ca mắc tại châu Âu.
Cùng ngày, Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết nước này có thể đã vượt qua được đỉnh dịch của đợt lây nhiễm thứ hai tại đây, song cảnh báo chính phủ và người dân nên duy trì các biện pháp phòng dịch.
Theo cơ quan trên, nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm, số ca mắc mới đã giảm 40%, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện giảm 13% và số ca mới cần điều trị tích cực giảm 9% trong tuần qua.
Số ca tử vong do COVID-19 đã ổn định sau vài tuần gia tăng, với 3.756 ca so với 3.817 ca một tuần trước. Dù những chỉ số này vẫn ở mức cao, song cơ quan trên cho rằng Pháp đã qua được đỉnh dịch thứ hai.
Trong khi đó, các cơ quan thú y và vệ sinh dịch tễ Ba Lan cho biết đã phát hiện 18 ca mắc COVID-19 trong số những lao động làm việc tại trang trại nuôi chồn, song cho rằng các lao động này không bị lây bệnh từ chồn.
Từ đầu tháng 11 này, các cơ quan vệ sinh dịch tễ cho biết đã chỉ thị tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở chồn và người tại 18 trang trại nuôi chồn ở một số khu vực hành chính của Ba Lan.
Quyết định này được đưa ra sau khi một biến thể virus được phát hiện tại trại nuôi chồn ở Đan Mạch buộc nước này phải tiêu hủy toàn bộ số chồn nuôi trên cả nước.
Trong khi chưa có kết quả xét nghiệm virus ở loài động vật này, nhiều cơ quan chức năng cho rằng các ca mắc COVID-19 được xác nhận ở những người có liên quan đến các trang trại nuôi chồn.
Ba Lan là một trong những nước sản xuất lông chồn hàng đầu thế giới, với 354 trang trại và khoảng 6 triệu con chồn.