Sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững ASEAN

Sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững ASEAN

0:00 / 0:00
0:00

Ngày 9/12/2020, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chủ trì Hội nghị Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 33 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường vốn các nước ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), Viện Tài chính Bền vững châu Á (SFIA).

Trong vai trò Chủ tịch ACMF, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến ‘Tài chính Bền vững” là chủ đề xuyên suốt của năm 2020.

Việt Nam đã làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN.

Kết quả đầu ra của sáng kiến là “Lộ trình Phát triển bền vững Thị trường Vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10/2020 với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 5 năm tới.

Cũng trong chủ đề “Tài chính Bền vững”, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất ACMF sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững để tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu cho các mục tiêu liên quan đến bền vững.

Việc đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ phát hành trái phiếu của ASEAN, trong đó có các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đã được ACMF đưa ra trước đó.

Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái tài chính bền vững trong khu vực, Hội nghị cũng thống nhất ACMF sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng một Hệ thống Phân loại xanh, bền vững của ASEAN.

Kế hoạch Hành động ACMF giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu đạt được Tầm nhìn ACMF 2025 trở thành một thị trường vốn ASEAN liên kết, toàn diện và linh hoạt.

Hội nghị đã thông qua 5 ưu tiên chính của Kế hoạch Hành động tập trung vào: (i) thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin; (ii) tiếp tục hài hòa hóa các quy định /khuyến khích các thoả thuận công nhận lẫn nhau xuyên biên giới khu vực ASEAN; (iii) tăng cường xây dựng năng lực; (iv) tăng cường trao đổi và nhận thức; và (v) tăng cường hợp tác và phối hợp. Bản Kế hoạch Hành động chi tiết sẽ được trình lên Hội nghị ACMF lần thứ 34 phê duyệt, đây sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động của ACMF trong 5 năm tới.

Các lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN tái khẳng định các cam kết để đảm bảo dòng chảy liên tục của thị trường dịch vụ tài chính và tin tưởng rằng đoàn kết và hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch và khôi phục tăng trưởng khu vực.

Các bên cam kết tiếp tục thực hiện các ưu tiên hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực, cùng với các tổ chức tài chính quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường ổn định tài chính trong khu vực ASEAN.

Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) được thành lập vào năm 2004 với sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN. Thành viên của ACMF bao gồm Lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước trong khu vực ASEAN. Các đối tác hiện nay của ACMF gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế – ICMA, Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu – CBI, Viện Tài chính Bền vững châu Á – SFIA, MSCI, Quỹ Thịnh vượng của Anh (UK-FCO)…

Sang năm, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Brunei sẽ là Chủ tịch tiến trình Hội nghị Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN 2021.

Tin bài liên quan