Kết quả kinh doanh lao dốc
Còn nhớ, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Lê Văn Minh, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Công ty cổ phần Nafoods Group (NAF) đã khẳng định với cổ đông năm 2018 là năm bản lề, Hội đồng quản trị tập trung cho những mục tiêu chiến lược đặt nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng đột phá từ 2019 trở đi.
Một mục tiêu rất quan trọng mà Nafoods đặt ra là tăng giá trị vốn hóa của Công ty lên 3 lần trong 5 năm. Thế nhưng, những gì Công ty thể hiện trong năm qua lại chưa được như các nhà đầu tư kỳ vọng.
Kết quả kinh doanh của Nafoods.
Kết quả kinh doanh 9 tháng của Công ty ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 324 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng gấp đôi cùng kỳ, lên mức 14,6 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ còn 29,2 tỷ đồng, suy giảm 45%. Với kết quả này, Nafoods mới chỉ hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 mà cổ đông giao phó.
Việc doanh thu của Nafoods trong 2 quý đầu năm sụt giảm mạnh đến từ việc một vài đối tác ngừng nhập sản phẩm của Công ty. Cùng với đó, giai đoạn 2017 - 2018, sản phẩm nước ép chanh leo – sản phẩm chủ lực của Công ty giảm mạnh theo đà giảm của sản phẩm này trên thị trường thế giới.
Giá bán nước ép chanh leo cô đặc năm 2018 giảm 18%, trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào không có biến động đáng kể. Trong ngắn hạn, dự báo giá nước ép chanh leo cô đặc của Nafoods tiếp tục duy trì ở mức thấp do áp lực cạnh tranh tại thị trường châu Âu.
Kết quả kinh doanh của Nafoods có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn vừa qua. Giai đoạn 2013 - 2015 được xem là giai đoạn tăng trưởng nóng của Công ty khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh với CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) doanh thu là 90%, CAGR lợi nhuận sau thuế lên tới 679%.
Nafoods cho biết, đây là thời kỳ bùng nổ các đơn hàng xuất khẩu nước ép cô đặc chanh leo, cùng với hiệu quả từ việc tích cực tìm kiếm thị trường và đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu. Năm 2015 cũng là năm Nafoods đưa cổ phiếu NAF lên sàn.
Sau giai đoạn này, kết quả kinh doanh của Công ty có xu hướng giảm, nằm trong xu hướng giảm của giá chanh leo cô đặc cùng việc kinh doanh các sản phẩm rau củ quả IQF không tích cực. Các chỉ tiêu sinh lời (ROA, ROE) của Nafoods đều chững lại và giảm dần từ năm 2015.
Giai đoạn trước năm 2015, Nafoods liên tục phát hành tăng vốn. Đến sau năm 2015, Nafoods chuyển sang sử dụng nợ vay để bổ sung vốn lưu động và hoạt động đầu tư vào dự án nhà máy Long An. Điều này dẫn đến đòn bẩy tài chính của Nafoods liên tục tăng.
Tính đến 30/9/2018, nợ phải trả của Nafoods ở mức 497,8 tỷ đồng, tăng 27% so với hồi đầu năm, chiếm 50% tổng tài sản. Trong đó, vay nợ thuê tài chính chiếm 370 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), hiện Nafoods đang tăng cường sử dụng nợ vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp.
Trong cơ cấu nguồn vốn của Nafoods, khoản phải thu thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn (40 - 50% tổng tài sản), chủ yếu đến từ các khách hàng nước ngoài. Điều này cho thấy tài sản bị chiếm dụng ở mức cao.
Tại báo cáo tài chính quý III/2018 của doanh nghiệp, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 393,2 tỷ đồng, đã giảm bớt so với mức 486 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng chiếm 216 tỷ đồng, Nafoods phải trích lập dự phòng 7,6 tỷ đồng cho khoản phải thu khó đòi.
Trong đó, đối tác có khoản phải thu lớn nhất là Flagfood AG với khoản tiền hơn 68,5 tỷ đồng. Đây từng là đối tác lớn của Nafoods, tuy nhiên phía này đã ngừng mua hàng trong quý I/2018. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá trị các khoản phải thu của Nafoods sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2018.
Việc sử dụng chính sách bán hàng cho nợ trong thời kỳ tăng trưởng nóng là nguyên nhân gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu tài sản của Nafoods, khiến dòng tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh khá thấp. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phụ thuộc vào các đối tác khách hàng trong vấn đề đầu ra.
Kỳ vọng trở lại năm 2019
Cơ cấu doanh thu của Nafoods cho thấy doanh thu xuất khẩu đang trong xu hướng giảm so với cùng kỳ trong khi doanh thu bán hàng trong nước lại tăng lên. Thị trường xuất khẩu của Nafoods chủ yếu là châu Âu và châu Á, các thị trường châu Mỹ và Úc vẫn đang ở mức tiềm năng khi chiếm tỷ trọng nhỏ. Doanh thu của Nafoods đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm chanh leo.
Dự phóng kết quả kinh doanh của NAF giai đoạn 2018-2023 (đơn vị: tỷ đồng)
Nafoods đang là một trong số ít đơn vị ở Việt Nam có khả năng sản xuất giống chanh leo Đài Nông F1 với công suất vườn ươm đạt 4 triệu cây giống/năm. Các đối tác địa phương tại vùng nguyên liệu của Nafoods thu mua quả chanh leo từ nông dân và thực hiện sơ chế tách vỏ lấy dịch. Nguyên liệu dịch chanh leo chiếm khoảng 44% cơ cấu giá vốn, là thành phần nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất nên khả năng ổn định nguồn cung, chất lượng và diễn biến giá dịch chanh leo có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Nafoods.
Về mặt chi phí, phân tích của chuyên gia FPTS cho biết, giá dịch chanh leo giảm mạnh từ năm 2016. Giá dịch nguyên liệu trong 9 tháng đầu năm ở khoảng 16.000 đồng/kg, tương đương cùng kỳ 2017. Tuy vậy, giá dịch chanh leo nguyên liệu có thể tăng nhẹ trở lại từ năm 2019 do tính chu kỳ của nguyên liệu này.
Cây chanh leo có chu kỳ sinh trưởng 3 năm, cây có thể khai thác sau khi trồng từ 5 - 6 tháng và phá bỏ để trồng mới sau 3 năm. Như vậy, lượng cây được trồng nhiều vào năm 2015 - 2016 sẽ bị phá bỏ vào năm 2018 - 2019, dẫn đến việc giảm nguồn cung chanh leo quả và dịch chanh leo nguyên liệu trên thị trường.
Hiện sản phẩm của Nafoods được sản xuất tại nhà máy Nghệ An và nhà máy Long An. Việc đưa nhà máy Long An đã giúp tăng công suất của Nafoods lên 2,5 lần, giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20%.
Công suất toàn hệ thống với mảng nước ép chanh leo tăng lên 12.500 tấn/năm (tăng 150%), công suất mảng chế biến rau củ quả đông lạnh IQF tăng lên 7.900 tấn/năm (tăng 172%). Trước đó, nhà máy Nghệ An là nơi chính sản xuất các sản phẩm của Nafoods, tuy nhiên Nafoods chỉ thực hiện thuê gia công bởi nhà máy này thuộc sở hữu của Công ty Thực phẩm Nghệ An – một công ty liên kết của Nafoods.
Ngoài ra, nhà máy Long An đặt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp Nafoods tiếp cận được vùng nguyên liệu hoa quả rộng lớn, đa dạng. Khoảng cách địa lý từ nhà máy đến vùng nguyên liệu và khu vực cảng biển đều thuận lợi cho việc vận chuyển.
Khi nhà máy Long An vận hành ổn định, dự kiến, Nafoods sẽ thay đổi được cơ cấu nguồn vốn (giảm đòn bẩy tài chính, các khoản vay phát sinh chỉ nhằm bổ sung vốn lưu động). Cùng với đó, sản lượng sản xuất tăng, giá bán nước ép chanh leo cô đặc hồi phục, FPTS dự báo CAGR doanh thu của lại sẽ vào khoảng 8%, CAGR lợi nhuận sau thuế 16,2% cho giai đoạn 2019 – 2023, tỷ suất lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng từ 9,3% lên 13,5%.