Sau “sốt” chứng khoán sẽ là bất động sản?

Sau “sốt” chứng khoán sẽ là bất động sản?

(ĐTCK) Không chỉ đất dự án mới ở chuỗi đô thị nằm dọc các trục đường lớn đang mở rộng được mệnh danh “đầu rồng” đắt khách, giờ đây giới đầu tư săn lùng cả những khu “đuôi rồng”, chung cư cũ. Sau “cơn sốt” chứng khoán liệu có đến “sốt” bất động sản (BĐS)? Ông Nguyễn Anh Minh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính Phát triển nhà và đô thị (HUDFIC), đơn vị thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà (HUD) trao đổi với ĐTCK.

Nhiều thông tin được đưa ra giải thích cho tình trạng tăng giá nhà đất tại Hà Nội trong thời gian gần đây, vậy quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, hiện vẫn là giai đoạn đầu của thời kỳ thị trường nhà đất hồi phục sau khủng hoảng. Nhìn chung, giao dịch tăng so với trước đây, toàn thị trường BĐS ấm dần, đặc biệt giá đất tăng cao tập trung nhiều hơn ở một vài khu vực. Nguyên nhân có nhiều, tuy nhiên điều rõ nhất là trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, quan điểm giữ tiền, gửi tiết kiệm, mua vàng không còn phổ biến nữa, người có tiền muốn đầu tư vào kênh nào đó dễ sinh lời như chứng khoán, BĐS. Nếu trước đây, nhiều người quan niệm nhà đất là kênh đầu tư cần vốn lớn, thanh khoản kém thì nay, quan niệm đó cũng đã thay đổi, nhà đất dần trở thành kênh đầu tư phổ biến.

Trong khi đó, nhìn vào thực tế có thể thấy, nguồn tiền trong dân dồi dào hơn thể hiện qua việc các ngân hàng cởi mở hơn với cho vay BĐS. Thời gian qua, khá nhiều nhà đầu tư thu lợi nhuận từ TTCK, họ rút một phần tiền đầu tư vào BĐS.

 

Ông nhìn nhận gì về việc BĐS phía Tây Hà Nội tăng giá chóng mặt, trong khi nhiều khu vực khác giá còn rất hợp lý?

Giới đầu tư BĐS hiện phổ biến suy nghĩ rằng, Thành phố sẽ mở rộng về phía Tây, rồi thì người ta quan niệm cả “đầu rồng, đuôi rồng”. Ngoài ra, thông tin hệ thống đường sá thứ phát được chủ đầu tư thực hiện kết nối cũng là lý do nhà đầu tư sơ khởi cho rằng, có cơ sở tốt để đầu tư. Ở nhiều nơi đã có tình trạng làm giá, tăng giá đất rất xa so thực tế.

 

Tuy nhiên, cũng phải thấy tình trạng cầu tăng, nhưng chủ đầu tư nhiều dự án găm giữ đất lại chưa ấn định giá, chưa tung hàng ra bán trên thị trường, phải chăng đây cũng là hiện tượng “làm giá”?

Các dự án khác như thế nào, tôi không rõ, nhưng với dự án Khu đô thị Vân Canh, HUD không có quan điểm như thế. Chủ đầu tư sẽ tung hàng ra bán khi có đầy đủ điều kiện, xong hạ tầng Khu đô thị. HĐQT HUD cũng đã họp, tạm thời định giá, song hiện chưa có giá chính thức bởi Khu đô thị chưa xong hạ tầng, chứ không phải chủ đầu tư chờ để bán giá cao hơn (ổn định thị trường luôn là mục tiêu chính).

Dự kiến, trong tháng 7 này, HUD cũng sẽ công bố giá bán đất dự án Vân Canh, còn phương thức phân phối chúng tôi cũng đang suy nghĩ làm sao để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, có nhu cầu thật. Ngoài thị trường, đất Khu đô thị Vân Canh đang được nhiều cò nhà đất hứa hẹn, rao bán, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc tìm hiểu, bởi xuống tiền sớm có thể bị lừa đảo.

 

Nói là đưa hàng hóa qua sàn giao dịch BĐS, nhưng người dân khó có thể tiếp cận được khi cung không đủ cầu. Vậy ông có lời khuyên gì với người có nhu cầu mua nhà đất thời điểm này?

Người mua nhà đất với nhu cầu tiêu dùng thực tế nên chọn dự án có chủ đầu tư hoạt động ổn định, thực hiện dự án đúng tiến độ. Ngoại trừ một số khu sốt giá, mặt bằng giá nhà đất hiện chưa phải cao lắm. Còn với những người mua nhà đất với mục đích đầu tư, cần tránh bị kích động, rơi vào bẫy giá. Đơn cử như Khu đô thị Vân Canh, nhiều cò đất vẽ ra tương lai rằng, tới đây khi có đường giao thông, hạ tầng Khu đô thị hoàn thiện... Thực tế đã chứng minh, một con đường không thể tạo ra mặt bằng sống, phát triển gần như Hà Nội. Chúng tôi cho rằng, để các khu đô thị tại Hà Hây (cũ) phát triển như Hà Nội, cần không dưới 5 năm nữa.

 

Hiện nay, với những động thái trên thị trường BĐS như ông vừa đề cập, phải chăng chủ các dự án BĐS đang có cơ hội lớn để phát triển?

Diễn biến như vậy, song nhìn kỹ đó chỉ là động thái cục bộ tại một số khu vực. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế chung, vì thế từ đầu năm tới nay, số tiền thực sự giải ngân trong lĩnh vực BĐS không nhiều. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS vẫn đến đặt vấn đề nhượng lại dự án cho chúng tôi, quy mô các dự án đa dạng từ vài chục đến cả trăm héc-ta.