Trụ sở Bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, Bộ Giao thông - Vận tải vừa có Tờ trình số 6640/TTr – GTVT gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông - Vận tải
Đối với các tổ chức tham mưu, giúp việc Bộ trưởng, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị tiếp tục duy trì 6 tổ chức (bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định), gồm: Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tảiT kiến nghị hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường; tổ chức lại 3 Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, An toàn giao thông thành 2 Vụ, theo đó sẽ giải thể Vụ An toàn giao thông; sáp nhập Vụ PPP vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Bộ này cũng kiến nghị chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp vào điều khoản chuyển tiếp. Hiện nay, tuy Bộ Giao thông - Vận tải còn quản lý 7 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng trong đó có 3 tổng công ty tiếp tục duy trì mô hình là công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn; Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (DAMCO) sẽ tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) sẽ tái cơ cấu theo kết luận của Bộ Chính trị, dự kiến sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu, xử lý tiếp 156 doanh nghiệp thuộc SBIC.
Đây là vấn đề phức tạp, việc xử lý phải có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài. Do đó, trong giai đoạn này, cần duy trì Vụ Quản lý doanh nghiệp là đầu mối chủ trì tham mưu lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước cũng như các vấn đề sau cổ phần hóa và sắp xếp doanh nghiệp.
Sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ nghiên cứu sắp xếp Vụ Quản lý doanh nghiệp để đảm bảo tinh gọn bộ máy; đồng thời điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ của Vụ Quản lý doanh nghiệp cho phù hợp.
Đối với các Cục, Tổng cục trực thuộc, Bộ này sẽ tiếp tục duy trì 6 Cục (bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định), gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Trong đó, đổi tên Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng. Chuyển Cục Y tế giao thông - vận tải vào điều khoản chuyển tiếp.
Đặc biệt, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam. Đây là Tổng cục duy nhất thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, là đầu mối tập trung quản lý hệ thống quốc lộ và đường cao tốc.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, khi tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 Cục thì sẽ giảm 1 đầu mối cấp Tổng cục nhưng lại tăng 2 đầu mối cấp Cục.
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng đầu mối tổ chức trực thuộc, thì cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông - Vận tải tại dự thảo Nghị định đã giảm 5 đầu mối (4 đầu mối cấp Vụ, 1 đầu mối cấp Cục).
Ngoài ra, việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ giảm 5 Cục trực thuộc Tổng cục; đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay, về cơ bản sẽ chuyển nguyên trạng về trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam. Như vậy, nếu tính tổng thể thì số lượng đầu mối không tăng lên mà là giảm đi. Việc sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức thuộc Bộ GTVT đã làm giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và đáp ứng yêu cầu của Trung ương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề xuất tiếp tục duy trì 5 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ (bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định), gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải, Trường Cán bộ quản lý giao thông - vận tải, Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông - Vận tải.
Theo tính toán, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông - Vận tải tại dự thảo Nghị định đã giảm 4 đầu mối so với quy định tại Nghị định số 12/2017/NĐ-CP (từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối trực thuộc Bộ).
Ngoài ra, Bộ còn giảm 10/21 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ nhưng không nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ (chuyển 1 học viện, 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng về địa phương hoặc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý).