Công cụ phái sinh là công cụ đầu tư không thể thiếu với các NĐT chuyên nghiệp

Công cụ phái sinh là công cụ đầu tư không thể thiếu với các NĐT chuyên nghiệp

Sao phải cần thị trường chứng khoán phái sinh?

(ĐTCK) Đến năm 2016, sẽ bắt đầu tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu.

Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam. Đề án mở rộng không gian phát triển TTCK Việt Nam ra khỏi phạm vi các sản phẩm cơ sở và xác lập lộ trình đến năm 2016, sẽ bắt đầu tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu.

Hiện thực hóa TTCK phái sinh tại Việt Nam

Quyết tâm xây dựng TTCK phái sinh Việt Nam đã được Chủ tịch UBCK Vũ Bằng khẳng định trong cuộc họp đầu năm 2014, bằng việc công bố sẽ hoàn thiện dự thảo Đề án TTCK phái sinh Việt Nam trình Chính phủ ngay quý I đầu năm. Sau quyết định của Thủ tướng, tiến trình tiếp theo để xây thị trường này là 2 mảng việc lớn. Thứ nhất, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định, đồng thời nắm quyền ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Thứ hai, UBCK cùng các sở, Trung tâm Lưu ký chứng khoán xây dựng các quy chế, quy định về sản phẩm, niêm yết, giao dịch, thanh toán bù trừ, giám sát TTCK phái sinh.

Như vậy, để vận hành thị trường phái sinh, còn là một chặng đường hoàn thiện pháp lý và hạ tầng thị trường, nhưng tất cả quá trình chuẩn bị hành lang pháp lý trên phải hoàn tất vào năm 2015, để từ năm 2016, Việt Nam sẽ chính thức vận hành một thị trường mới, thị trường phái sinh.

Vậy thị trường phái sinh là gì và vì sao Việt Nam cần có thị trường này?

Thực tế từ năm 2009, sản phẩm phái sinh đầu tiên dưới dạng quyền chọn mua/chọn bán cổ phiếu đã được nhóm chuyên gia CTCK VNDirect xây dựng, trên cơ sở phát hiện ra một hạn chế lớn của TTCK Việt Nam, đó là xu hướng chuyển động một chiều! Theo đó, khi thị trường tăng, nhà đầu tư ào ào mua cổ phiếu, còn khi thị trường giảm, xu hướng ào ào bán cổ phiếu luôn lất lướt. Chính thực tế này khiến TTCK dễ “biến động quá đà”, khi tăng dễ tăng quá nóng, còn khi xuống, dễ xuống quá sâu. Thị trường thiếu mất những công cụ để tự cân bằng và thiếu công cụ cho phép nhà đầu tư kiếm tiền trên thị trường giá xuống.

Tuy nhiên, sản phẩm quyền chọn mua của VNDirect (trên một số mã cổ phiếu) chỉ vận hành một thời gian ngắn là phải dừng lại, vì khi đó, khung pháp lý điều tiết thị trường phái sinh chưa hình thành. Nếu để cho CTCK tiếp tục làm, sẽ tạo rủi ro pháp lý cho các bên tham gia, đồng thời, việc để cho 1 CTCK làm, trong khi các CTCK khác không có hành lang pháp lý để làm, sẽ là sự bất công bằng trên TTCK. Một quyết định xử phạt từ UBCK đã được đưa ra với DN đầu tiên vận hành sản phẩm này.

14 năm nay, TTCK Việt Nam chỉ giao dịch trên các sản phẩm cơ sở, trong khi nhu cầu có thêm công cụ để tự bảo vệ mình, đa dạng hóa đầu tư là rất lớn. Mấy năm gần đây, khi TTCK Việt Nam qua giai đoạn sơ khởi, các CTCK hàng đầu, như SSI, HSC, BVSC… đã kiến nghị, cần sớm có TTCK phái sinh tại Việt Nam. Ngân hàng HSBC - ngân hàng lưu ký có nhiều NĐT nước ngoài mở tài khoản tiền gửi bậc nhất Việt Nam, mới đây cũng kiến nghị, cần sớm có thị trường phái sinh, để thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán.

Kỳ vọng một thị trường sôi động và hữu ích

Hai sản phẩm phái sinh đầu tiên là Index future và Bond futures, được UBCK cho biết, sẽ sớm công bố để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác như covered warrants và các sản phẩm hedging với trái phiếu cũng sẽ được UBCK cùng các sở GDCK nghiên cứu để triển khai.

Với nhà đầu tư đại chúng, công cụ phái sinh có lẽ còn là khái niệm mới mẻ, nhưng với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đây là loại công cụ không thể thiếu trong quá trình đầu tư. Phát triển trên nền tảng thị trường cơ sở còn non trẻ, theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, trong giai đoạn đầu, UBCK định hướng xây dựng sản phẩm phái sinh dựa trên trái phiếu, cùng với đó là nghiên cứu triển khai sản phẩm phái sinh chỉ số.

Hợp đồng tương lai dựa trên cổ phiếu, hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số TTCK, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu, sẽ được tổ chức khi thị trường phát triển ổn định. Về dài hạn, các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên sở GDCK.

Vào lúc này, khi 2 sở chưa hợp nhất thành 1, sở GDCK nào sẽ chủ trì xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh? Theo tìm hiểu của ĐTCK, nỗ lực này đang được thấy ở cả 2 sở, nhưng sản phẩm phái sinh đầu tiên sẽ ra đời ở đâu, là câu chuyện cần thêm thời gian mới rõ được.

Dù bước đi đầu tiên là như thế nào thì tương lai của TTCK phái sinh Việt Nam đã được định hình. Nhà đầu tư, các thành viên thị trường, đang dõi theo từng chuyển động của nhà quản lý, với hy vọng sẽ sớm được mở rộng không gian đầu tư khi thị trường mới ra đời.

------------------------------------------

Sao phải cần thị trường chứng khoán phái sinh?  ảnh 1

TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital

“Quan trọng nhất là đảm bảo luật chơi minh bạch”

TTCK phái sinh có tính “ảo” trong các giao dịch, nên trong giai đoạn đầu phát triển loại hình thị trường này, do mức độ am hiểu còn hạn chế, dễ gây nhầm lẫn cho NĐT khi lựa chọn sử dụng các công cụ giao dịch cho mục tiêu phòng vệ rủi ro hay nhằm đầu cơ kiếm lời. Vì đặc tính này, mà đòi hỏi nhà quản lý khi xây dựng hành lang pháp lý cho TTCK phái sinh, cần rất chặt chẽ và minh bạch. Phải phát huy tối đa tính minh bạch của công cụ pháp lý, để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ tính chất “ảo” của TTCK phái sinh. Cùng với thiết kế hành lang pháp lý đồng bộ, nhằm bảo vệ NĐT hiệu quả, trong quá trình chuẩn bị cho triển khai kế hoạch vận hành TTCK phái sinh vào năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần quan tâm tuyên truyền, đào tạo cho công chúng đầu tư. Theo thông lệ quốc tế, đây là bước chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, minh bạch của TTCK phái sinh.

Hệ thống pháp lý cũng cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch, để giảm thiểu các rủi ro phát sinh của hoạt động bán khống. Đặc thù của hoạt động bán khống là NĐT có quyền mua, nhưng nếu quy định pháp lý không đủ chặt chẽ và đồng bộ, thì rất có thể NĐT sẽ “phủi” trách nhiệm mua nếu họ nhận thấy giao dịch bất lợi.

Đề án Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã nêu rõ quan điểm không để TTCK phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự phát. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bên cạnh TTCK phái sinh được cơ quan quản lý xây dựng và quản lý thống nhất, dễ xuất hiện TTCK phái sinh tự do, nên dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho TTCK phái sinh, Việt Nam, cần đưa ra chế tài xử lý mạnh tay đối với các hành vi cố tình hình thành TTCK phái sinh tự do, để ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, tránh tác động tiêu cực đến thị trường.

----------------------------------------------

Sao phải cần thị trường chứng khoán phái sinh?  ảnh 2

Ông Phạm Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietnam Holding

"Trách nhiệm nặng nề dồn lên hệ thống đối tác thanh toán bù trừ trung tâm”

Theo thông lệ tổ chức và vận hành TTCK phái sinh trên thế giới, hệ thống đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) có vai trò quan trọng. Việc thiết lập CCP tốn nhiều thời gian, công sức lẫn chi phí, bởi tính chất phức tạp đặc thù của hệ thống này. Do đó, để kịp vận hành được TTCK phái sinh vào năm 2016 như kế hoạch, một trong những ưu tiên mà Bộ Tài chính, UBCK cần triển khai ngay từ bây giờ là sớm định hình mô hình tổ chức và hoạt động của CCP. Trên cơ sở này mới có hướng đầu tư công nghệ, cũng như xây dựng hệ thống quy trình, quy chế vận hành CCP.

Việc đầu tư hệ thống công nghệ cho CCP có thể không quá phức tạp, bởi dễ dàng mua được từ các thị trường phát triển. Tuy nhiên, đào tạo đội ngũ nhân sự để làm chủ công nghệ, vận hành hệ thống này an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về quản trị rủi ro là không đơn giản. Việc đào tạo này không thể tính theo tháng, mà phải mất hàng năm. Bởi vậy, công việc này cũng cần được UBCK quan tâm thúc đẩy triển khai sớm để đạt kết quả mong muốn.

Về phía CTCK, vì tính chất phức tạp của các giao dịch trên TTCK phái sinh, nên để có thể tham gia hiệu quả trên thị trường này, một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà các CTCK cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, đó là cần chú trọng nâng cao chất lượng quản trị rủi ro để tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Cùng với đó là tăng cường năng lực, cũng như mức độ an toàn tài chính…

Tin bài liên quan