Trước khi về chung nhà
Tại thời điểm cuối năm 2013, Sacombank có vốn điều lệ 12.425 tỷ đồng, tổng tài sản 161.378 tỷ đồng, 72 chi nhánh và 343 phòng giao dịch. Trong khi đó, Southern Bank có quy mô nhỏ hơn, với vốn điều lệ đến cuối tháng 9/2013 (do chưa có báo cáo tài chính năm 2013) là 4.000 tỷ đồng, tổng tài sản 74.758 tỷ đồng cùng với mạng lưới 36 chi nhánh và 88 phòng giao dịch.
Lợi nhuận của Sacombank tương đối ổn định, ngoại trừ năm 2012 giảm gần một nửa so với năm 2011, nhưng sau đó đã mau chóng lấy lại phong độ, với lãi ròng năm 2013 tăng hơn gấp đôi và đạt hơn 2.229 tỷ đồng. Đối với Southern Bank, những con số này trồi sụt qua các năm.
Southern Bank cho vay khá mạnh tay, có khi dư nợ cho vay khách hàng bằng cả vốn huy động. Đấy là tính vốn huy động bao gồm các nguồn như tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, các công cụ nợ, và vốn uỷ thác. Nếu chỉ tính huy động từ tiền gửi của khách hàng thì tỷ lệ cho vay/huy động còn lớn hơn nhiều. Trong khi đó, Sacombank thận trọng hơn, chưa khi nào cho vay vượt quá 83% vốn huy động.
Chính vì cho vay mạnh tay, nên Southern Bank thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng về thanh khoản và phải cầu cứu các ngân hàng khác. Điều đó được thể hiện qua việc Southern Bank luôn là người đi vay ròng trên thị trường liên ngân hàng. Ngược lại, Sacombank lại thường là người cho vay ròng, ngoại trừ tại thời điểm cuối năm 2011 phải vay ròng 3.200 tỷ đồng.
Điều đáng nói là dù quy mô dư nợ cho vay của Southern Bank chỉ bằng 40% của Sacombank, nhưng việc kiểm soát nợ xấu của Southern Bank lại kém hơn nhiều; tỷ lệ nợ xấu trung bình của Sacombank ở mức 1,11%, trong khi của Southern Bank lên đến 2,6%. Xét về hiệu quả cho vay thì Southern Bank còn thua xa; thu nhập từ hoạt động cho vay (NIM) của Southern Bank chỉ có 1,5% trong 9 tháng đầu năm 2013 (chưa có số liệu tài chính cả năm 2013), thấp hơn rất nhiều so với con số 5,12% của Sacombank trong năm 2013.
Ẩn số tỷ lệ hoán đổi
Sacombank cho biết, Ngân hàng đang tính toán và cân nhắc phương án sáp nhập nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho cổ đông của hai bên, nên chưa đưa ra được con số cuối cùng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.
Trong quá khứ, khi Ngân hàng TMCP Đại Á sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank), tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1:1, còn giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) thì tỷ lệ này là 1:1,21 (1,21 cổ phần Habubank đổi lấy 1 cổ phần SHB).
Việc xác định tỷ lệ chuyển đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tuỳ từng thời điểm. Nếu xác định tỷ lệ này chỉ theo yếu tố giá cổ phiếu, thì cũng có nhiều cách tính khác nhau.
Giá trị sổ sách của Sacombank tại thời điểm 30/9/2013 là 14.382 đồng/cổ phần, trong khi của Southern Bank là 11.228 đồng/cổ phần. Nếu hoán đổi dựa vào giá trị sổ sách thì 1 cổ phần của Sacombank sẽ đổi được 1,28 cổ phần của Southern Bank.
Còn nếu tính theo phương pháp P/B căn cứ vào thị giá và giá trị sổ sách của các ngân hàng đang niêm yết trên TTCK tại thời điểm cuối tháng 9/2013 thì giá mỗi cổ phần của Southern Bank là 12.296 đồng, tức tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phần Sacombank bằng 1,44 cổ phần Southern Bank.
Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi thực tế có thể sẽ cao hơn những con số tính toán trên vì một số lý do. Thứ nhất, trong quý IV/2013, Sacombank ghi nhận thêm 571,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nên giá trị sổ sách của Sacombank tại thời điểm cuối năm 2013 cao hơn tại thời điểm 30/9/2013.
Thứ hai, Southern Bank không nằm ngoài xu hướng chung của các ngân hàng cổ phần không có vốn Nhà nước. Khả năng có lợi nhuận sụt giảm hoặc lỗ trong quý IV/2013 là có thể xảy ra, nên giá trị sổ sách của Southern Bank vào cuối năm 2013 có thể sẽ thấp hơn tại thời điểm cuối tháng 9/2013.
Thông thường trong thương vụ M&A, công ty bị sáp nhập sẽ tăng giá, còn người mua sẽ giảm giá do phải chịu chi phí mua và gánh nghĩa vụ nợ của bên bị sáp nhập. Đối với trường hợp của Sacombank và Southern Bank, yếu tố chính cần theo dõi là tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.
Sau sáp nhập, sacombank được gì?
Sau sáp nhập, Sacombank sẽ có vốn điều lệ là 16.425 tỷ đồng, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước như VietinBank, BIDV hay Vietcombank. Tổng tài sản ước hơn 236.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa BIDV.
Thực tế, với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Sacombank bình quân mỗi năm là 18,72% trong giai đoạn từ 2008-2013 thì chỉ cần hơn 2 năm Sacombank có thể đạt quy mô bằng quy mô hiện tại của Sacombank và Southern Bank cộng lại.
Sau sáp nhập, Sacombank sẽ có 108 chi nhánh và 431 phòng giao dịch. Sacombank xác định hoạt động theo mô hình bán lẻ, nên việc mở rộng mạng lưới là rất có ý nghĩa, đặc biệt khi mà việc phát triển tự thân gặp nhiều khó khăn.
Xét về nhiều mặt, việc sáp nhập không khiến Sacombank vượt trội hơn lên và cũng không làm thay đổi vị trí của Sacombank so với các ngân hàng khác. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, việc sáp nhập này có thể níu chân Sacombank tăng trưởng chậm lại. Vậy tại sao Sacombank lại thực hiện thương vụ này?
Điều quan trọng, theo như lãnh đạo của Sacombank nói, việc sáp nhập sẽ giúp xoá được tiếng “sở hữu chéo”. Hiện nay, gia đình ông Trầm Bê đang nắm 20,81% cổ phần Southern Bank, các cổ đông nội bộ khác nắm 30,71%. Còn đối với Sacombank, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 6,78%, các cổ đông nội bộ khác nắm 4,49%.
Ngày 25/3 tới, Sacombank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) tại Trung tâm hội nghị White Palace, TP. HCM. Theo chương trình họp, HĐQT sẽ trình ĐHCĐ thông qua chủ trương sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Một trong những định hướng của HĐQT sẽ được báo cáo tại cuộc họp này đó là tập trung triển khai kế hoạch sáp nhập này và sẽ hoàn tất trong năm 2014 để tăng quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh cho Sacombank.