Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê).
Lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê xây dựng và công bố Sách trắng doanh nghiệpViệt Nam. Thưa ông, người dân có thể khai thác được gì từ cẩm nang về hoạt động sản xuất, kinh doanh này?
Nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật để đưa ra quyết định đầu tư chính xác, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, cập nhật toàn bộ tình hình sản xuất, kinh doanh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương vào Sách trắng.
Sách trắng không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, mà người lao động cũng có thể tìm kiếm cơ hội việc làm, cũng như đưa ra nhiều quyết định quan trọng khác để nâng cao thu nhập.
Cụ thể, người lao động khai thác được những thông tin hữu ích gì trong Sách trắng?
Mỗi năm, có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề sẽ theo học. Trước đây, do không có thông tin về thị trường lao động, nên họ thường lựa chọn ngành quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, thông tin - truyền thông… để theo học. Hệ quả là, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm kiếm được việc làm, làm việc trái ngành nghề đào tạo rất lớn, gây lãng phí cho xã hội, gia đình, đặc biệt là bản thân.
Số lượng lao động mà doanh nghiệp sử dụng bình quân năm 2016-2017 tăng 22,5% so với bình quân 2011-2015, nhưng nhiều ngành nghề có tốc độ tăng lao động thấp hơn mức này, thậm chí còn giảm, như khai khoáng, xây dựng, sản xuất và phân phối điện, thông tin và truyền thông… Vì vậy, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở cứ lao vào học những ngành nghề này, thì chắc chắn sẽ rất khó kiếm việc làm.
Ngược lại, nếu học những ngành nghề liên quan đến giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản…, thì cơ hội tìm được việc làm rất cao, vì hàng năm, doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực này ngày càng cần nhiều lao động.
Khi bước vào thị trường lao động, người lao động tìm được thông tin gì hữu ích qua Sách trắng?
Tốc độ tăng lao động của cả nước giai đoạn 2016-2017 so với giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân là 22,5%, nhưng mỗi địa phương có tốc độ tăng khác nhau. Nhìn vào Sách trắng, người lao động vừa trải qua quá trình đào tạo cả đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề mà cứ quyết tâm tìm việc ở các địa phương có tốc độ tăng lao động thấp hơn mức trung bình của cả nước, đặc biệt là những địa phương mà doanh nghiệp đang hoạt động giảm số lao động hiện có, thì cơ hội tìm được việc làm vô cùng khó khăn.
Ngược lại, nếu tìm việc làm ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang…, sẽ dễ dàng hơn nhiều vì tốc độ thu hút lao động của các địa phương này mấy năm gần đây rất cao.
Vậy những người đang tham gia thị trường lao động thì sao, thưa ông?
Sách trắng có đầy đủ thông tin về thu nhập của người lao động theo từng ngành kinh tế, từng địa phương, nên người lao động có thể căn cứ vào đó để đòi hỏi chủ doanh nghiệp tăng lương, hoặc chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác, thậm chí chuyển đổi nghề.
Ví dụ, thu nhập bình quân người lao động trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2017 là 7.724.000 đồng/tháng. Nếu thấy thu nhập của mình thấp hơn, người lao động có thể đòi hỏi chủ sử dụng lao động tăng thu nhập. Hay lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có mức thu nhập bình quân là 21.643.000 đồng/tháng, người lao động có thể so sánh thu nhập của mình với con số này để quyết định chuyển nơi làm việc hay tiếp tục gắn bó.
Còn phân theo địa phương, người lao động ở Đông Nam bộ có thu nhập bình quân cao nhất, với 9.218.000 đồng/tháng, đặc biệt là tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, nên người lao động có kinh nghiệm, tay nghề hoàn toàn có cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn.
Thị trường chứng khoán lúc tăng, lúc giảm, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin trong Sách trắng liệu có cơ hội đầu tư tốt hơn?
Có hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu của từng doanh nghiệp diễn biến khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện. Tuy nhiên, nhìn vào Sách trắng, nhà đầu tư có thể yên tâm hơn về quyết định đầu tư của mình.
Năm 2017, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số quay vòng vốn là 1,09 lần; chỉ số nợ là 1,6 lần; vốn bình quân/lao động là 900 triệu đồng; doanh thu thuần 8.043.426 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 433.390 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế so với doanh thuần đạt 5,4%...
So sánh các chỉ số tài chính chung của doanh nghiệp với mức bình quân của toàn ngành công nghiệp chế tạo, nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư nếu các chỉ số của doanh nghiệp tốt hơn, dù giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang giảm và sẽ thoái vốn nếu các chỉ số của doanh nghiệp không bằng mức trung bình chung cho dù giá cổ phiếu trên thị trường đang tăng.
Giá cổ phiếu có thể tăng, giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chỉ là nhất thời, còn “sức khỏe” thực chất của doanh nghiệp mới là quan trọng. Nếu nhà đầu tư muốn “lướt sóng” thì không cần quan tâm nhiều đến các chỉ số trên, còn nhà đầu tư muốn giữ cổ phiếu lâu dài thì các chỉ số được công bố trong Sách trắng vô cùng hữu ích.