Rủi ro vây quanh, giới đầu tư mạnh tay thoát hàng

Rủi ro vây quanh, giới đầu tư mạnh tay thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần (4/10) do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Big Tech và nhóm cổ phiếu tăng trưởng khác khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong khi lo ngại về khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ vẫn treo lơ lửng.

Phiên đầu tuần, cổ phiếu Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet, bốn công ty giá trị nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ, đồng loạt giảm hơn 2%.

Cổ phiếu Facebook, công ty đứng thứ năm về giá trị vốn hoá, giảm gần 5% sau khi các nền tảng mạng xã hội Facebook, WhatSapp và Instagram đồng loạt ngừng hoạt động trên phạm vi toàn cầu vào đêm qua.

Theo giới quan sát, cổ phiếu Big Tech bị bán tháo do lợi tức chính phủ Mỹ quay lại đà tăng khi các nhà đầu tư lo lắng về việc Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc trong việc giải quyết vấn đề trần nợ công và đứng ngoài chờ đợi dữ liệu việc làm của tháng 9 sẽ được công bố tuần này, yếu tố có thể mở đường cho việc giảm bớt chương trình mua tài sản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Hai cho biết, ông không thể đảm bảo chính phủ sẽ không vi phạm giới hạn nợ 28,4 nghìn tỷ USD trừ khi đảng Cộng hòa nỗ lực cùng đảng Dân chủ, tham gia bỏ phiếu để nâng mức trần nợ công vì Mỹ đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một vỡ nợ lịch sử chỉ trong hai tuần tới.

Mặt khác, dữ liệu gần đây cho thấy chi tiêu tiêu dùng tăng, hoạt động sản xuất tăng tốc và lạm phát tăng cao đã thúc đẩy thị trường đặt cược rằng, Fed có thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ phù hợp sớm hơn dự kiến.

Ngoài ra, các chỉ số chính của Phố Wall đêm qua cũng bị ảnh hưởng bởi những lo lắng cho số phận của “bom nợ” Evergrande khi cổ phiếu của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc bất ngờ bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông từ phiên 4/10 và dường như Bắc Kinh cũng không có ý định cứu Evergrande.

Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ. S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng Bảy. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng đi ngang.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số Dow Jones giảm 323,54 điểm (-0,94%), xuống 34.002,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 56,58 điểm (-1,30%), xuống 4.300,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 311,21 điểm (-2,14%), xuống 14.255,48 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục gặp khó khăn trong phiên đầu tuần mới sau tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2021 trong bối cảnh thị trường ngày càng chịu nhiều sức ép khi dấu hiệu lạm phát rõ nét, lợi suất trái phiếu tăng và các rắc rối tài chính của Evergrande ngày càng lan rộng.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,06 điểm (-0,23%), xuống 7.011,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 119,89 điểm (-0,79%), xuống 15.036,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 40,03 điểm (-0,61%), xuống 6.477,66 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi những lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande vượt lên trên những tín hiệu tích cực khác.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh do nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe kéo lùi, trong khi tâm lý thận trọng cũng được đề cao sau khi cổ phiếu của Evergrande bị đình chỉ giao dịch.

Chứng khoán Trung Quốc và Hàn Quốc nghỉ giao dịch lễ Quốc khánh.

Kết thúc phiên 4/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 326,18 điểm (-1,13%), xuống 28.444,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 539,27 điểm (-2,19%), xuống 24.036,37 điểm.

Giá vàng duy trì đà tăng trong phiên đêm qua bất chấp USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu tăng. Thị trường kim loại quý được thúc đẩy nhờ chứng khoán toàn cầu bị bán tháo và lo ngại về lạm phát kéo dài. Số liệu cuối tuần qua cho thấy, lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên mức cao nhất trong 13 năm qua trong tháng 9/2021, trong khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt.

Kết thúc phiên 4/10, giá vàng giao ngay tăng 8,90 USD (+0,51%), lên 1.769,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,20 USD (+0,52%), lên 1.767,60 USD/ounce.

Giá dầu tăng mạnh trong phiên này thứ Hai sau khi OPEC+ xác nhận tuân theo chính sách sản lượng hiện tại xét theo tình hình phục hồi nhu cầu nhiên liệu trên thị trường, bất chấp áp lực đề nghị tăng sản lượng nhiều hơn từ một số quốc gia trong nhóm.

Việc OPEC+ quyết định tiếp tục tăng sản lượng từ từ khiến giá dầu leo cao, tăng thêm áp lực lạm phát và có thể dẫn đến làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Kết thúc phiên 4/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,74 USD (+2,3%), lên 77,62 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá dầu thô Brent tăng 1,98 USD (+2,5%), lên 81,26 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.

Tin bài liên quan