R&D - “vũ khí” của ông lớn công nghệ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt

0:00 / 0:00
0:00
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nên các “ông lớn” công nghệ đều chạy đua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để duy trì tăng trưởng liên tục và đánh bại đối thủ.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính, quan trọng trong việc xây dựng thành công các công ty công nghệ.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính, quan trọng trong việc xây dựng thành công các công ty công nghệ.

Động thái rốt ráo

Serg Bell, đồng sáng lập start-up kỳ lân Acronis là một trong những doanh nhân công nghệ quốc tịch Singapore có tầm ảnh hưởng quốc tế. Ông là tiến sĩ khoa học máy tính, cử nhân vật lý, thạc sĩ vật lý và kỹ thuật điện, là sáng lập viên SIT và là thành viên Ban Quản trị Quỹ đầu tư mạo hiểm Runa Capital, quản lý khối tài sản 500 triệu USD.

Năm 2003, ông Serg Bell cùng 2 người khác thành lập Acronis, chuyên về bảo mật, lưu trữ đám mây và an ninh mạng, nổi danh với phần mềm Acronis Cyber Protect. Acronis trở thành kỳ lân năm 2019 và sau đó 2 năm được định giá tới 2,5 tỷ USD. Acronis hiện có hơn 2.000 nhân viên với mạng lưới 5,5 triệu người dùng gia đình, 500.000 công ty cùng 50.000 đối tác, nhà cung cấp dịch vụ tại hơn 150 quốc gia.

Tháng 4/2022, trong cuộc gặp gỡ với truyền thông Việt Nam, ông Serg Bell chia sẻ, sau khi khảo sát tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar..., Công ty nhận thấy Việt Nam là nơi tốt nhất trong khu vực để đặt trung tâm R&D cỡ vừa.

Vậy nên, kế hoạch đầu tư 50 - 100 triệu USD cho một trung tâm R&D tại Việt Nam của kỳ lân này đang được rốt ráo thực hiện sớm hơn nửa năm so với dự tính. Acronis đã khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm R&D Acronis dự kiến đặt tại quận 9, nằm gần tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đây là trung tâm R&D thứ 11 của Acronis trên thế giới, với sự tham gia của Viện Công nghệ Schaffhausen - đối tác đào tạo quốc tế và Runa Capital là bên cấp vốn. Trung tâm R&D này cũng là nơi Runa Capital đặt văn phòng đại diện thứ hai ở châu Á (sau Trung Quốc).

Chuyên gia an ninh mạng, TS. Nguyễn Duy Lân, đồng sáng lập Công ty Veramine Inc. (Mỹ) chuyên về bảo mật đánh giá, việc có một start-up kỳ lân liên quan đến lĩnh vực này đặt trung tâm R&D ở Việt Nam là thông tin đầy phấn khích. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho lĩnh vực bảo mật và nhà đầu tư cũng đánh giá rất cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Nguồn tin từ Acronis cho hay, Trung tâm R&D tại Việt Nam dự kiến có khoảng 500 nhân viên, trong đó, 10% nhân sự cao cấp được điều đến từ các trung tâm ở Bulgaria và Singapore; 90% là nhân sự tại chỗ.

Theo các chuyên gia bảo mật IBM, blockchain có thể trở thành nơi ẩn náu của tội phạm mạng với các cuộc tấn công liên hoàn vào doanh nghiệp, chuỗi cung ứng. Đồng sáng lập Acronis cũng cho rằng, nhìn vào tốc độ phát triển và tích lũy tài sản nhanh chóng trong xu thế số hóa mạnh mẽ, có thể 10 năm, thậm chí chỉ 5 năm nữa, các cuộc tấn công gây thiệt hại lớn của các hacker sừng sỏ thế giới sẽ nhắm vào các mục tiêu ở Việt Nam. Kéo theo đó sẽ là sự thiếu hụt về nhân sự lãnh đạo công nghệ bảo mật và an ninh mạng ở Việt Nam.

Được biết, Acronis có kế hoạch tuyển chọn người đứng đầu Trung tâm R&D tại Việt Nam. Đó sẽ là một nhà quản lý người Việt hoặc gốc Việt, nói tiếng Việt và am hiểu môi trường ở đây. Về lâu dài, Acronis sẽ xây dựng đội ngũ lãnh đạo từ nhân sự địa phương, có khả năng vươn ra môi trường toàn cầu.

Giành giật “chiến binh” công nghệ

Việt Nam đang được lựa chọn để xây dựng trung tâm R&D của nhiều “ông lớn” công nghệ. Trong đó, phải kể đến Samsung với Trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm nay và sẽ là nơi làm việc của khoảng 3.000 kỹ sư.

Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G…, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước, đón đầu những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), đặc biệt là Lào (14,5%). Tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ (cả khu vực nhà nước và tư nhân) cũng chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%), Thái Lan (0,78%).

Những năm gần đây, ngoài Samsung, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D. Grab mở trung tâm R&D tại TP.HCM. LG được cho là sẽ mở trung tâm R&D thứ hai tại Đà Nẵng. Panasonic, Toshiba cũng đã có các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Gần đây nhất, Qualcomm đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á, đặt tại Hà Nội với quy mô 4 phòng lab, tập trung vào các công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay, như sóng radio 4G/5G, camera, một phòng chuyên nghiên cứu cải thiện hiệu năng và pin cho thiết bị di động và một phòng giả lập môi trường mạng để phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu. Hiện trung tâm này có khoảng 50 kỹ sư, toàn bộ là người Việt Nam.

Các trung tâm R&D tại Việt Nam của Qualcomm và Samsung đều là nơi nghiên cứu và phát triển lớn nhất của các tập đoàn này tại Đông Nam Á, nghiên cứu công nghệ cho các dự án trên toàn cầu.

Ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, Australia và New Zealand khẳng định, sự hỗ trợ từ các kỹ sư Việt Nam đã làm hài lòng khách hàng.

Các “ông lớn” công nghệ đều tin rằng, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển và đào tạo thêm các chuyên gia trong ngành công nghệ. Cơ hội này cho phép Việt Nam đi đúng hướng với tham vọng chuyển đổi kỹ thuật số.

Dễ dàng nhận thấy, khi ngày càng nhiều dự án R&D có mặt tại Việt Nam, thì nhân lực chất lượng cao trở thành mục tiêu săn lùng của các “ông lớn” công nghệ.

Trần Việt Hùng, sáng lập Got It khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính, quan trọng trong việc xây dựng được các công ty công nghệ.

Minh chứng cho nhận định này, ông Hùng chỉ ra động thái của một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Cách đây mấy năm, Facebook chi 1 tỷ USD mua lại Instagram với 14 người, trong đó có 9 kỹ sư, rồi tiếp tục mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Khi đó, WhatsApp có chưa tới 60 kỹ sư.

“Tất cả kỹ sư của Instagram hay WhatsApp đều siêu giỏi. Có thể khẳng định rằng, nếu thiếu lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin giỏi, thì đừng ‘mơ’ tới việc xây dựng các công ty công nghệ”, nhà sáng lập Got It nói.

Ông ST Liew cũng rất tự hào vì Trung tâm R&D của Qualcomm ở Việt Nam sở hữu đội ngũ kỹ sư chất lượng cao là người thuần Việt. “Chúng tôi đã quan sát thấy ở họ sự quyết tâm, lạc quan, chăm chỉ. Chúng tôi thấy cách họ luôn sẵn sàng thách thức những ý tưởng mới”, ông ST Liew chia sẻ.

Đương nhiên, để thu hút được nhân sự chất lượng cao, các “ông lớn” công nghệ không chỉ cạnh tranh bằng chế độ làm việc, mà còn bằng chính các tài sản công nghệ của mình. Ví dụ, Qualcomm giúp đội ngũ của mình tiếp cận các công nghệ mới nhất của thế giới, nên nếu một kỹ sư muốn phát triển các kỹ năng liên quan đến mạng 5G, họ sẽ đến với Qualcomm.

Trong khi đó, chiến lược của Samsung lại thiên về đào tạo để phát triển nhân lực. Tại Samsung, việc đào tạo được triển khai từ năm 2012 với 11 phòng lab tại các trường đại học. Nhiều chương trình hợp tác đào tạo được mở ra, giúp sinh viên có nghiên cứu về di động theo tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu. Không ít sinh viên sau khi thực tập đã trở thành nhân sự chính thức trong các dự án R&D của tập đoàn này.

Điều này minh chứng, người Việt Nam đủ năng lực để tham gia các mảng có giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, vì luôn có sẵn nguồn lực phục vụ R&D tại chỗ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với các công ty công nghệ trong nước là phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh mẽ.

Có thể thấy, trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các “ông lớn” công nghệ phải chạy đua đầu tư bám vào R&D. Họ thừa nhận, đây là yếu tố đã giúp họ tăng trưởng liên tục.

Kể từ năm 2006, Qualcomm đã dành hơn 20% doanh thu đầu tư vào R&D. Đến nay, con số này đã vượt trên 60 tỷ USD, giúp Qualcomm thực hiện cam kết đổi mới trong việc đưa ngành công nghiệp không dây tiến lên phía trước.

Câu chuyện của Huawei cũng là một ví dụ điển hình. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi hiểu rõ “đường sống” duy nhất của Huawei là tập trung phát triển sức mạnh bản thân và R&D phải luôn là nguồn sức mạnh của toàn bộ chuỗi giá trị Huawei.

Mỗi năm, Huawei chi hơn 10% doanh thu (15 - 20 tỷ USD) để tái đầu tư cho R&D. Gần một nửa tổng số nhân viên của Huawei (hơn 96.000 người) tham gia lĩnh vực này. Ngân sách dành cho R&D của Tập đoàn tăng 149%/năm (từ năm 2014), vượt mức tăng của Apple, Microsoft, Samsung trong cùng giai đoạn và chỉ đứng sau Amazon. Qua thời gian vật lộn với đại dịch Covid-19, kế hoạch đầu tư cho R&D bị giảm sút, giờ đây, Huawei đang quay trở lại đường đua này để lấy lại đòn bẩy cạnh tranh khi có sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ của mình.

Trong khi các tập đoàn lớn trên thế giới tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), thì khảo sát mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đổi mới, sáng tạo thông qua việc đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị hoặc nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại, mà rất ít đầu tư cho R&D.

Tin bài liên quan