Kiện Uber và Grab không phải là mục tiêu chính
Tiếp xúc với ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh những ngày này, những lời chỉ trích của ông khi nhắc đến các đối thủ Uber và Grab đã giảm đi rất nhiều. Cách đây mấy tháng, ông Hồ Huy liên tục nhắc đến Uber và Grab là một trong số những nguyên nhân chính khiến năm 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh và các hãng taxi truyền thống khác.
Thực tế, khi kinh doanh khó khăn rồi đổ lỗi cho các công ty công nghệ là chưa thỏa đáng, cho thấy sự bế tắc trong hoạt động. Nếu không tìm được lối thoát, giá trị thương hiệu sẽ giảm dần và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Nhận thức được vấn đề này, ông Hồ Huy đang tìm hướng thay đổi để thích ứng với diễn biến mới trên thị trường.
“Kiện người khác không quan trọng bằng việc nhìn lại mình xem có thể thay đổi và học hỏi được điều gì từ họ. Vinasun kiện Grab, Uber cũng đúng và tôi cũng ủng hộ, nhưng đây không phải là mục tiêu chính của Mai Linh. Thay vào đó, chúng tôi dành nguồn lực đầu tư công nghệ, thay đổi hệ thống quản trị. Cốt lõi là phải thay đổi chính mình”, ông Hồ Huy nói.
Tỏ vẻ bình chân như vại, ông Huy giải thích, Mai Linh sẽ kiện cho công bằng bởi đã “nhắc nhở” đối thủ mà không thấy hồi âm. Cụ thể, Grab đã vi phạm Nghị định 86/2014/NĐ-CP về màu sơn (trùng với Mai Linh, gây sự nhầm lẫn về nhận diện thương hiệu). Ngoài ra, một số quảng cáo của Grab sử dụng xe của Mai Linh. Ông cũng đã ký đơn hai lần gửi đến Grab đề nghị thay đổi, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Khá ngạc nhiên khi ông Huy còn có phần khen ngợi Uber, Grab. “Nói một cách nghiêm túc, đây là hai sản phẩm đáng học hỏi. Tuy nhiên, văn hóa kinh doanh của họ thì không”, ông Hồ Huy nói.
Liên quan văn hóa kinh doanh, ông Huy ước tính, với khoảng 50.000 xe của hai công ty công nghệ này, Nhà nước đã thất thoát hàng ngàn tỷ đồng thuế mỗi năm.
“Điều đó là không nên, vì nó làm tâm lý của cả lãnh đạo lẫn nhân viên trở thành những người ăn cắp tài sản quốc gia ở những nơi mình đến. Bất cứ doanh nghiệp nào khi hoạt động cũng phải hoàn thành 3 trách nhiệm: tồn tại để phát triển; tạo sự ổn định và lâu dài cho người lao động; đóng góp ngân sách cho nước sở tại để xây dựng và phát triển hạ tầng. Lệch hướng nào cũng hỏng.
“Grab và Uber đang lỗ, nên việc đốt tiền để khuyến mãi qua các mã giảm giá không thể kéo dài. Người dân nếu có nhận thức đúng đắn sẽ chọn công ty thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn. Các doanh nghiệp cần có sự công bằng, khi đó mọi chuyện không có gì phải ồn ào”, Chủ tịch Mai Linh chia sẻ.
Quyết thay đổi
Uber, Grab không phải là công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển taxi mà chỉ là công ty công nghệ, đầu tư và phát triển một hạ tầng công nghệ và một trình ứng dụng trên điện thoại di động để kết nối giữa công ty vận tải trong nước với khách hàng.
Quy luật đào thải của thị trường luôn hiện hữu và buộc những sản phẩm lỗi thời phải được cải tiến.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, một tư duy đúng đắn trong kỷ nguyên 4.0, là chính sách quản lý phải hỗ trợ đưa cả thị trường đi theo hướng mô hình vận tải công nghệ, để các hãng taxi truyền thống từng bước chuyển đổi thành xe hợp đồng điện tử theo những cách khác nhau, chứ không phải kéo taxi công nghệ trở lại thành taxi truyền thống.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, Tập đoàn Mai Linh đã quyết tâm thay đổi chính mình để nâng cao khả năng cạnh tranh. Tập đoàn đã áp dụng tổng đài thông minh để thay thế cho nhân viên thủ công, giảm đến 50% nhân lực.
Tiếp theo, Mai Linh mua ứng dụng đặt xe của Ấn Độ rồi cải tiến thành 3 ứng dụng (ứng dụng cho taxi truyền thống, ứng dụng cho taxi công nghệ và ứng dụng cho tài xế). các ứng dụng này dự kiến đưa vào hoạt động trong 2 tháng tới.
Được biết, từ nhiều năm nay, Mai Linh đã thực hiện các thủ tục để kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho áp dụng một số tổng dài duy nhất là 1055 nhằm tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Việc này sắp hoàn thành. Dự kiến, 2 tháng nữa, Mai Linh 3 miền sẽ hợp nhất làm một, thay vì vận hành riêng lẻ theo miền như hiện nay. Điều này vừa cho phép Mai Linh áp dụng một hệ thống quản lý, vừa từng bước thực hiện kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài.
“Chúng tôi phải quyết liệt để tồn tại, kể cả thay đổi về nhân sự, cơ cấu tổ chức. Từ năm 2000, tôi đã sang Đức đã ký hợp đồng mua hệ thống định vị và điều hành của một công ty với giá 1 triệu USD, nhưng máy chủ phải đặt ở đây. Trong khi đó, mạng lưới truyền tải dữ liệu ở Việt Nam khi đó không đáp ứng, nên tôi phải phải từ bỏ hợp tác”, ông Hồ Huy cho biết.
Được biết, từ khi sự cạnh tranh trở nên khắc nghiệt, Vinasun có hơn 4.000 tài xế nghỉ việc, còn Mai Linh khoảng 1.000 người trong tổng số 21.000 lái xe của toàn hệ thống. Lượng khách hàng cũng đã giảm 30%.
Bù lại, Mai Linh đang vận hành thử nghiệm 5 xe buýt điện Mai Linh một số tuyến trung tâm Thành phố với mức thu đủ chi. Nếu hiệu quả (nghĩa là không phải bù lỗ), Công ty này sẽ làm thủ tục để đăng ký 1 - 2 xe buýt điện (loại 30 chỗ ngồi - 40 chỗ đứng) tại TP.HCM. “Khi đó, Nhà nước sẽ không còn phải bù giá, không ô nhiễm môi trường và cũng không lo ngại chuyện bị ăn cắp tiền của đất nước”, Chủ tịch Mai Linh chia sẻ.
Ông Hồ Huy cho rằng, cuộc cạnh tranh hiện nay sẽ dễ dàng vượt qua hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính của Công ty hồi năm 2012, bởi khi đó, Mai Linh vận hành 10.000 taxi, phải trả 750 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng, trong khi hiện nay, Tập đoàn có 15.000 taxi và chi trả lãi ngân hàng chỉ khoảng 200 tỷ đồng.
“Khi chưa phủ 63 tỉnh, thành và thị trường ASEAN thì tôi chưa hài lòng. Mục tiêu là phải phát triển toàn cầu và phải có văn hóa riêng. Có thể, tôi sẽ xây dựng Trường đại học Mai Linh, chuyên đào tạo về vận tải…”, ông Hồ Huy nói.
Sự phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ có lẽ sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong vài năm tới. Trong thời gian đó, các hãng taxi truyền thống đương nhiên buộc phải chuyển mình để tồn tại.
Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thời gian thí điểm 2 năm (từ tháng 1/2016).
Áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải. Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber, mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.
Việc quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan của tỉnh, thành phố.
(Nguồn: Văn phòng Chính phủ)