Bước tiến minh bạch thông tin
Đây là lần đầu tiên một ấn phẩm Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam được công bố sau một thời gian chuẩn bị, biên soạn công phu từ nhiều cơ quan liên quan.
Việc công bố sách trắng lần này minh chứng rõ nét cho quan điểm minh bạch hóa thông tin mà Chính phủ và các bộ ngành đặt ra, theo đuổi và thực hiện. Nhìn vào nội dung chính của Sách trắng, có thể hình dung được toàn cảnh bức tranh hình thành, phát triển của doanh nghiệp Việt những năm gần đây. Với vai trò đó, Phó thủ tướng cho rằng, đây được coi là tài liệu quý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Từ đó, có thể có những nhận định và đưa ra định hướng, kế hoạch phát triển lực lượng doanh nghiệp tại mỗi địa phương.
Đánh giá cao vai trò của lực lượng tiên phong phát triển kinh tế và nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc biên soạn, phát hành sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thời nào cũng vậy, doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là lực lượng xung kích làm ra của cải vật chất. Thời nào Đảng, nhà nước cũng quan tâm phát triển doanh nghiệp trung ương, địa phương và mọi thành phần kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yêu cầu về công khai hóa thông tin doanh nghiệp là vô cùng quan trọng
“Chính phủ mong muốn có được bộ cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời và nhất quán giữa các cơ quan quản lý doanh nghiệp. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cơ quan thực hiện là Tổng cục Thống kê để biên tập sách này với sự xuất hiện của đầy đủ các thành phần kinh tế. Từ đó, đưa ra bức tranh trung thực, toàn cảnh và chính thống về tình hình doanh nghiệp cho các nhà quản lý, bộ, ngành, hiệp hội, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, trong bối cảnh lực lượng doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp còn có khả năng phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thấy gì từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019?
Đúng nghĩa là một “cẩm nang dữ liệu lớn” toàn cảnh về doanh nghiệp Việt, Sách trắng đã đưa ra nhiều “con số biết nói”. Không chỉ cho thấy những thành tựu trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, các con số từ Sách trắng còn chỉ ra nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề minh bạch thông tin, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, theo những lát cắt khác nhau.
Đưa ra khuyến nghị sử dụng thông tin một cách hữu ích từ Sách trắng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi đơn vị, bộ ngành, địa phương, khi tham khảo các số liệu từ Sách trắng, cần có được cái nhìn so sánh theo các lát cắt riêng, từ đó đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể và thực tế.
Ví dụ, từ việc so sánh bức tranh tăng trưởng doanh nghiệp ở các địa phương cùng điều kiện, cùng địa bàn, có thể đưa ra được những phân tích về phát triển doanh nghiệp, những mặt ưu, khuyết, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.
Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp Việt Nam
Hiện mới có 16/63 tỉnh, thành có thể cân đối được ngân sách và đóng góp về Trung ương. Muốn tăng số tỉnh tự chủ và đóng góp vào ngân sách, không gì khác ngoài cách phát triển lực lượng doanh nghiệp. Đây là nền tảng để các địa phương từ nhận hỗ trợ, đến giảm dần hỗ trợ, tự chủ và đóng góp vào ngân sách.
Khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp của hai đô thị lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội, Phó Thủ tưởng cho rằng, một địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp như hai thành phố trên thì việc đạt tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm là không dễ, nhưng Hà Nội, TP.HCM cũng cần phải xem xét, để duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp chung như cả nước, tránh tụt lùi, tự mãn.
“Mục tiêu của báo cáo là nhìn rõ các yếu tố này, để thấy được trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, so sánh được hiệu quả của các thành phần kinh tế: vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước và khối kinh tế tư nhân. Từ đó có được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hợp lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết, trong lần đầu đưa ra công chúng Sách trắng, cuốn sách được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Chia sẻ với báo giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong các năm sau, đơn vị biên soạn sẽ cố gắng công bố Sách trắng vào đầu quý II hàng năm, để có được các số liệu chuẩn xác, kịp thời nhất về bức tranh doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với việc công bố Sách trắng, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đã chính thức có được một cẩm nang toàn cảnh hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Nỗ lực này không chỉ cho thấy quyết tâm minh bạch thông tin từ Chính phủ, mà còn là bước chuyển mình ngoạn mục để hiện thực hóa cuộc cách mạng 4.0, mà điển hình là việc sử dụng dữ liệu lớn, như lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Tiến tới sau này, khi số liệu của các bộ, ngành liên thông, chúng ta sẽ chẳng cần phải thực hiện các cuộc điều tra, mà số liệu sẽ tự mình nói lên tất cả”.