Quý I/2022, Sông Đà (SJG) sở hữu hơn 24.000 tỷ đồng, nhưng ROA chỉ đạt 0,24%

0:00 / 0:00
0:00
Trong quý I/2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu đạt 883,33 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 58,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 31,2% và tăng 605,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng công ty Sông Đà - CTCP (mã SJG - sàn UPCoM) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022.

Theo đó, trong quý I/2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu đạt 883,33 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 58,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 31,2% và tăng 605,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 20,7% lên 34,7% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng thêm 40,65 tỷ đồng lên 306,52 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 31,4%, tương ứng tăng thêm 16,49 tỷ đồng lên 68,93 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 31,1%, tương ứng giảm 69,84 tỷ đồng về 155,06 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 42,9%, tương ứng tăng thêm 34,58 tỷ đồng lên 115,15 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận âm 30,79 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 3,05 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do lợi nhuận gộp tăng, doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm. Mặc dù vậy, công ty không thuyết minh cơ cấu doanh thu và chi phí tài chính trong kỳ.

Cơ cấu doanh thu quý I/2022 của Tổng công ty Sông Đà.(Nguồn: BCTC).
Cơ cấu doanh thu quý I/2022 của Tổng công ty Sông Đà.(Nguồn: BCTC).

Xét về cơ cấu doanh thu, trong quý I/2022, doanh thu giảm mạnh chủ yếu do công ty ghi nhận doanh thu hoạt động xây dựng giảm 56,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 513,4 tỷ đồng về 394,8 tỷ đồng; Ngược lại, doanh thu sản xuất công nghiệp lại tăng 48,5%, tương ứng tăng thêm 134,2 tỷ đồng lên 411,1 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Sông Đà đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 385 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 76,9 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Sông Đà giảm 1,6% so với đầu năm về 24.049,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản công ty chủ yếu tài sản cố định đạt 8.759,7 tỷ đồng, chiếm 36,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.128,5 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 3.250,3 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.575,7 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng tài sản và các tài sản khác.

Ngoài ra, tính tới cuối quý I/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 261,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 2,6% so với đầu năm về 9.807,8 tỷ đồng và chiếm 40,8% tổng nguồn vốn.

Thêm nữa, tính tới 31/3/2022, khoản mục lợi ích cổ đông không kiểm soát tăng 2,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 57,2 tỷ đồng lên 2.486,9 tỷ đồng và chiếm 10,3% tổng tài sản. Được biết, lợi ích cổ đông không kiểm soát là khoản lợi tức dành cho các cổ đông không kiểm soát trong các công ty con.

Như vậy, với việc sở hữu 12 công ty con nhưng nhiều đơn vị chỉ sở hữu 51% và chỉ có 1 công ty sở hữu 100% vốn điều lệ, chính vì vậy đã phát sinh giá trị lên tới 2.486,9 tỷ đồng lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Một điểm mà nhà đầu tư lo ngại nhất tại Sông Đà đó là hiệu quả sử dụng tài sản. Được biết, tính tới cuối quý I/2022, công ty sở hữu tới 24.049,9 tỷ đồng tài sản nhưng hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) trong quý chỉ đạt 0,24%.

Trước đó, trong nhiều năm, hiệu quả sử dụng ROA của công ty duy trì mức thấp. Cụ thể, năm 2018 là 0,64%, năm 2019 là 0,56%, năm 2020 là 0,03% và năm 2021 là 1,43%.

Sông Đà vừa thoái thành công 41,7 triệu cổ phiếu Sudico

Trước đó, ngày 19/4, Sông Đà đã bán ra toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu Sudico (mã SJS - sàn HoSE để giảm sở hữu từ 36,65% về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không sở hữu tại công ty, giá trị thoái ước tính là 4.258 tỷ đồng, sau khi trừ đi tất cả các chi phí, công ty đã thu được ròng 4.256,3 tỷ đồng.

Ngược lại, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát lại mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS để nâng sở hữu từ 0% lên 36,65% vốn điều lệ.

Được biết, CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát, được biết đây là một doanh nghiệp thành lập năm 2016 có trụ sở tại tầng 3, Tòa nhà Lotus, số 2 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977) hiện đang là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng - doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án "Khu đô thị Sông Hồng" tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Nhiều tài sản liên quan đến dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Việt Á – ngân hàng hiện cũng đang là chủ nợ chính của Sudico.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu SJG giảm 3.800 đồng về 22.500 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan