Quy định rõ tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực của đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Phiên họp sáng 12/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp sáng 12/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mở đầu phiên họp thứ 24, sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Trình bày báo cáo nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Dương Thanh Bình cho biết, từ năm 2013 đến năm 2022, đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri từ khi thực hiện Nghị quyết số 525 đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai.

Qua tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời được cử tri cả nước đánh giá rất cao. Nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cũng đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa thành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong thực tiễn cuộc sống.

Từ năm 2013 đến năm 2022, đã có 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri...

Tuy nhiên, ông Dương Thanh Bình cũng nêu một số bất cập, vướng mắc như, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri mới chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động tiếp xúc chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng...

Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đến cử tri thiếu sinh động, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri; chưa có nhiều gợi mở nội dung để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng, ông Bình nhìn nhận.

Đáng lưu ý, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành. Cử tri tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi; cán bộ hưu trí; cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, ấp; những người có khiếu nại về chế độ, chính sách. Vì vậy, tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện”, “đại biểu cử tri” còn phổ biến…

Nghị quyết số 525 cũng chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; nhiều địa phương địa bàn rộng, khó khăn trong việc đi lại, tiếp cận với cử tri, hạn chế trong việc đầu tư xây dựng hệ thống trực tuyến do nguồn ngân sách, nguồn lực chưa đảm bảo.

“Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Nội dung tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội còn chưa mang tính thời sự, đơn thuần chỉ là báo cáo về kết quả kỳ họp, bên cạnh đó những nội dung diễn ra tại kỳ họp Quốc hội đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thường xuyên, đầy đủ và chi tiết trong thời gian diễn ra kỳ họp, nên phần lớn các kết quả kỳ họp mà Đoàn ĐBQH báo cáo với cử tri, cử tri đều đã biết khá rõ, dễ gây nhàm chán”, Trưởng Ban Dân nguyện phân tích.

Vì vậy, một số đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị nên xem xét lại hình thức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cho phù hợp thực tế, hoặc không nên quy định cứng phải tiếp xúc cử tri sau kỳ họp. Cạnh đó, một số đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị nghiên cứu chỉ tiến hành tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, không tiếp xúc sau kỳ họp.

Tham gia thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn nhiều con số cho thấy, số lượng và chất lượng tổ chức tiếp xúc cử tri còn rất khác biệt giữa các địa phương, có nơi chỉ vài chục, có nơi lên đến hàng ngàn cuộc trong 10 năm qua.

“Liệu có phải do tiêu chí thống kê khác nhau hay không? Thực tiễn tiếp xúc cử tri cũng rất khác nhau, có tỉnh đi theo nhóm, có tỉnh đi khắp các huyện luân phiên, đại biểu vị trí công tác thấp có khi chỉ ngồi nghe suốt lượt vì thường người có chức vụ cao nhất sẽ tiếp thu ý kiến cử tri”, ông Đinh nhận xét.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần nghiên cứu để quy định hình thức tổ chức phù hợp, thực chất nhất.

Cần cải tiến, đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri cũng là quan điểm của các ý kiến khác tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, hiện nay chưa phân biệt rõ ràng giữa tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường là cử tri nói cho đại biểu nghe, còn tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thì thường là đại biểu phổ biến kết quả kỳ họp cho cử tri và nhân dân nghe.

Trong khi đó, kết quả Kỳ họp thường được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì vậy, bà Nga cho rằng, cần phân biệt rõ ràng và có phương án quy định phù hợp đối với việc tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngoài tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử thì luật còn quy định tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, nơi cư trú và nơi làm việc. Nhưng hiện nay quy định về các hình thức tiếp xúc này lại chưa đủ rõ.

Vì thế, lần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 52 này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quy định rõ để đại biểu có thể tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn mà đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Tin bài liên quan