Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Điều 12, Luật An toàn thực phẩm có quy định “phải đăng ký” phù hợp an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, quy định này của Nghị định là suy diễn từ quy định “công bố hợp quy” trong Luật An toàn thực phẩm.
Cụ thể, Điều 12, Luật An toàn thực phẩm quy định “thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, những quy định tại Nghị định 38 không có trong Luật An toàn Thực phẩm.
Việc biến từ yêu cầu công bố sang phải đăng ký an toàn thực phẩm đã làm khổ doanh nghiệp, giống như doanh nghiệp phải xin cấp phép, phải có giấy xác nhận của Cục An toàn thực phẩm thì sản phẩm của doanh nghiệp mới được lưu hành.
Trong khi đó, thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã khiến cộng đồng doanh nghiệp và hàng loạt các hiệp hội trong và ngoài nước như VCCI, Eurocham, Amcham, Vasep, Vinatea đồng loạt có ý kiến phản ánh là một giấy phép con gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp mà không giúp ích gì cho an toàn thực phẩm, và đã có thư kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu sửa đổi.
Hai Phó Thủ tướng cùng chỉ đạo sửa đổi
Trước những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo sửa đổi.
Sáng 11/7/2017, trong cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cần sửa đổi quy định công bố hợp quy, hợp chuẩn.
Phó Thủ tướng yêu cầu: “Phải giảm thời gian giải quyết, quán triệt tinh thần “hậu kiểm” không gây phiền hà cho doanh nghiệp, quy định rõ các bước thực hiện để doanh nghiệp có thể làm được ngay”.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã yêu cầu: “Các bộ liên quan mà chủ yếu là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu”.
Trước đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Trong Nghị quyết 19/2017, ngày 6/2/2017 của Chính phủ đã chỉ đạo: “Rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục, không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia".
Ngày 13/5/2017, tại đối thoại giữa các Bộ ngành với VASEP do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã khẳng định, kiến nghị của VASEP về bãi bỏ và thay thế công bố phù hợp ATTP là hợp lý và Bộ Y tế sẽ sửa đổi các văn bản liên quan trong 2 tháng.
Tuy nhiên, đến nay, sau 2 tháng cũng vẫn chưa có động thái tích cực nào từ Bộ Y tế.
Với một thủ tục là quy định không nằm trong luật, không vì mục tiêu ATTP tạo gánh nặng cho doanh nghiệp như một giấy phép con gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm…, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng, sau chỉ đạo mới nhất của cả 2 Phó Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ sớm bãi bỏ và thay thế Thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38.