Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm là do DNBH đóng góp và phục vụ cho chính DNBH

Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm là do DNBH đóng góp và phục vụ cho chính DNBH

Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm “di dời”, doanh nghiệp chờ... chỉ đạo!

(ĐTCK) Sau nhiều tranh luận, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đã được chuyển về cho Bộ Tài chính quản lý, thay vì Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính).

Theo quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quỹ này được Bộ Tài chính hạch toán, quản lý, theo dõi riêng đối với từng loại hình bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn theo dõi việc trích nộp Quỹ, quản lý và sử dụng Quỹ nhằm bảo đảm an toàn vốn và đúng mục đích theo quy định.

Cần nhắc lại rằng, trước đó, trong đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định 73, một số thành viên Chính phủ bao gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phản đối việc trao trách nhiệm quản lý quỹ này cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, mà đề nghị Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Đồng thời, các thành viên Chính phủ còn đề nghị bỏ quy định “Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ”, bởi theo Luật kinh doanh bảo hiểm, chỉ Chính phủ mới có quyền này. Bên cạnh đó là đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong giám sát việc quản lý, sử dụng Quỹ và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thuộc cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ cho thấy các quan điểm trái chiều. Cụ thể, khối DNBH phi nhân thọ ủng hộ việc đưa Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, thậm chí là cả Quỹ Xe cơ giới về Bộ Tài chính để quản lý tập trung. Tuy nhiên, việc sử dụng các quỹ này cần phải được thông qua bởi một Hội đồng, bao gồm các đại diện của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) và các DNBH nhằm nâng cao việc quản lý, sử dụng các quỹ.

Trong khi đó, khối DNBH nhân thọ lại phản đối khi cho rằng, các quỹ này đều do DNBH đóng góp (nhằm tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính) và được sử dụng như là biện pháp dự phòng nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng của chính các DNBH, do đó nên được quản lý bởi AVI (theo Nghị định 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011).

Theo các DNBH nhân thọ, việc để một tổ chức nghề nghiệp như AVI quản lý, mà tại đây, các DNBH là thành viên trực tiếp điều hành và thực hiện hoạt động đầu tư là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo tính trách nhiệm và quản lý hiệu quả. Còn Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện chức năng hoạch định chiến lược, xây dựng khung pháp lý, giám sát và tạo môi trường thuận lợi để các DNBH hoạt động.

Thậm chí, một số DNBH nhân thọ còn phản đối cả việc giao Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm quản lý Quỹ (theo Dự thảo Nghị định 73) vì sẽ khiến bộ máy quản lý thêm cồng kềnh. Bởi thực tế, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm là do các DNBH đóng góp, nhằm “bảo hiểm” cho chính các DNBH khi không may rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, mà vẫn đảm bảo chi trả quyền lợi cho người được bảo hiểm và hoàn phí bảo hiểm, từ đó tránh việc dùng ngân sách nhà nước để chi trả. Nói cách khác, Quỹ là do DNBH đóng góp và phục vụ cho chính DNBH, do đó, nên để DNBH tự quản lý, dĩ nhiên là thông qua AVI.

Song cuối cùng, Nghị định 73 vẫn quyết định trao quyền quản lý Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm cho Bộ Tài chính. Tổng hợp của Quỹ cho năm tài chính 2016 cho thấy, với mức thu là 0,2% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của các hợp đồng bảo hiểm gốc năm 2016, tổng thu của Quỹ từ 1/1/2016 đến 29/6/2016 đạt 80,256 tỷ đồng, trong đó, đầu tư tài khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm là 38,6 tỷ đồng.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 73, AVI đã không còn quyền điều hành Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, trong khi cơ hội cử đại diện tham gia tổ chức quản lý Quỹ của các DNBH cũng chưa rõ ràng. Bởi trước đây, đại diện DNBH ở cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ thuộc Top 9 về thị phần đều được nắm giữ các vị trí quản lý/điều hành/giám sát Quỹ, bên cạnh đại diện của AVI và Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm.

Mặc dù vậy, việc Quỹ được giao cho Bộ Tài chính quản lý tập trung, ngoài nâng cao tính giám sát, bảo đảm an toàn vốn, còn hạn chế được tình trạng chây ỳ đóng quỹ của các thành viên (tính đến 29/6/2016, vẫn còn DNBH nợ quỹ từ năm 2014). Trước đây, AVI có trách nhiệm đôn đốc việc nộp quỹ, trong khi vẫn “sống” nhờ nguồn phí thành viên do chính các DNBH đóng góp.

Được biết, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm hiện vẫn đang trong quá trình chuyển giao và tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính cũng chưa có động thái cụ thể nào liên quan đến việc chuyển giao Quỹ.

“Có thể là do Bộ đang chờ Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định trên, cho nên chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo cụ thể”, một thành viên của Quỹ cho biết.            

Tin bài liên quan