Thảo luận phiên toàn thể cuối cùng trước khi thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật PPP là hai trong nhiều nội dung đáng chú ý của tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Khoá XIV.
Theo chương trình, phiên thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ diễn ra vào chiều thứ Ba (26/5) còn Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thảo luận sáng thứ Năm (28/5).
Đây là hai dự án luật thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, doanh nhân, nhất là Luật PPP nhiều lần được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp.
Có lẽ đây cũng là lý do đến 20h ngày 24/5 báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo mới nhất của hai dự án luật nói trên vẫn chưa đến tay đại biểu Quốc hội, trong khi có dự án luật chiều thứ Năm mới thảo luận nhưng tài liệu đã được gửi đến đại biểu từ hôm 23/5.
Tham gia họp trực tuyến từ Hà Nam, doanh nhân - đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền cho biết bà cũng đang rất chờ xem hai dự thảo mới nhất của hai luật trên được tiếp thu như thế nào. Một trong số nội dung được đaị biểu Hiền quan tâm nhất là mọi cơ chế, chính sách quy đinh tại luật phải thật rõ ràng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh.
Theo thông tin được cung cấp trong buổi họp báo trước thềm kỳ họp về Luật PPP, dự thảo Luật PPP trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 11 chương, 105 điều.
Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, tiếp thu ý kiến của các các đại biểu, quy định này đã được bổ sung, chỉnh lý theo hướng chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm được hoặc không đủ khả năng để làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư. Về quy mô đầu tư dự án PPP, đối với những công trình đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và lĩnh vực y tế, giáo dục thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án khác không thấp hơn 200 tỷ đồng.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Phương án 1: Khi tăng hoặc giảm doanh thu thì chia sẻ theo tỷ lệ 50/50. Phương án 2: Khi doanh nghiệp bị thua lỗ mà xuất phát từ nguyên nhân do Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật thì Nhà nước hỗ trợ bù lỗ không quá 50% số lỗ, khi doanh nghiệp phát sinh lãi lớn hơn phương án dự kiến thì Nhà nước được hưởng 50% số lãi tăng thêm.
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 7 chương với 81 điều, qua nhiều vòng thảo luận vẫn còn nhiều vấn đề được tiếp tục trình xin ý kiến Quốc hội, liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ...
Riêng nội dung cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ (điều 6), dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1: không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành.
Phương án 2: giữ như quy đinh như tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ngoài hai luật trên, trong 4 ngày làm việc từ 25 - 29/5 Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng sẽ được trình Quốc hội.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Trong cả ngày thứ Tư, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đợt họp trực tuyến của kỳ họp sẽ kết thúc vào chiều thứ Năm (28/5) sau đó Quốc hôi nghỉ đến 8/6 sẽ họp trực tiếp tại Nhà Quốc hội.