Quant - Mô hình đầu tư ưu việt giai đoạn hậu khủng hoảng

(ĐTCK-online) Trend following không hướng tới việc dự đoán thị trường ngày mai ra sao, mà là tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường ngay khi chứng khoán có dấu hiệu tăng mạnh.

Thị trường đang cần những phương pháp phân tích ưu việt hơn

Vào những năm đầu khi TTCK Việt Nam mới hoạt động, phân tích cơ bản là phương pháp vẫn được đa số NĐT tin dùng. Đây là phương pháp hướng tới việc mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn, phù hợp giai đoạn thị trường biến động với bước giá nhỏ khi đó. Vài năm gần đây, phân tích kỹ thuật (PTKT) được nhiều NĐT áp dụng rộng rãi. Điều này là dễ hiểu khi thời gian gần đây, TTCK Việt Nam luôn dao động mạnh với biên độ lớn, khiến việc mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn không mang lại hiệu quả tối ưu. Phương pháp PTKT giúp NĐT có thể theo kịp các diễn biến nhanh của thị trường. Tuy nhiên, cũng chính PTKT gây ra khá nhiều bối rối do các chỉ báo đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều nhau. Chẳng hạn, trong tháng 12 vừa qua, VN-Index có lúc đã tụt giảm khá mạnh, khác xa so với những dự báo trước đó là thị trường sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tăng - kịch bản lạc quan dựa trên các chỉ báo và mô hình PTKT… Tất nhiên, không có phương pháp dự báo nào hoàn hảo, tính chính xác phụ thuộc nhiều nhân tố thay đổi từng ngày và từng giờ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu có thể có một mô hình hay phương pháp nào áp dụng tối ưu phù hợp hơn các phương pháp truyền thống hay không?

Thời gian gần đây, mô hình Quant được nói đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Mô hình Quant là sự kết tinh ưu việt của cả hai phương pháp trên kết hợp với việc phân tích số liệu thống kê. Phần lớn cũng vận dụng phương pháp PTKT, nhưng mô hình Quant còn sử dụng thêm các đặc điểm ưu việt nhất trong phương pháp phân tích cơ bản và phân tích thống kê, tạo ra tính hiện đại, khoa học và năng động hơn so với các trường phái truyền thống.

Năm 2009, TTCK Việt Nam tụt giảm khá sâu vào đầu năm và phục hồi mạnh trở lại trong suốt 8 tháng. Những tháng cuối năm, thị trường lại giảm điểm mạnh và chỉ phục hồi trong vài tuần qua. Dù nền kinh tế trong nước đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa thể khẳng định sự tăng trưởng bền vững của TTCK trong năm 2010. Theo nhận xét của giới phân tích, tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc…, giai đoạn hậu khủng hoảng, chứng khoán sẽ tăng, giảm với biên độ lớn. Tuy nhiên, giới phân tích cũng đồng ý rằng, dù còn gặp thách thức nhưng triển vọng của thị trường không thể phủ nhận ở giai đoạn trung và dài hạn. Đây là thời điểm rất tốt để các mô hình đầu tư ưu việt như Quant phát huy tác dụng và tìm kiếm lợi nhuận. Với sự biến động liên tục của thị trường trong thời gian qua, nếu sử dụng các phương pháp đầu tư truyền thống, NĐT có thể kiếm lời, nhưng nếu sử dụng Quant thì mức lợi nhuận tạo ra sẽ tối ưu hơn.

 

Quant - Mô hình hướng tới sự năng động

Một trong những chiến lược đầu tư theo mô hình Quant chính là mô hình đầu tư theo xu hướng (trend following). Mô hình Trend following không hướng tới việc dự đoán thị trường ngày mai ra sao, mà là tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường ngay khi chứng khoán có dấu hiệu tăng mạnh. Việc đầu tư dựa hoàn toàn vào các chỉ báo được lọc ra bởi các máy tính siêu mạnh. Trước tiên, một khối lượng lớn thông tin và số liệu được tổng hợp phân tích trên hệ thống máy tính hiện đại. “Linh hồn” của hoạt động phân tích này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là thuật toán trí tuệ nhân tạo (Genetic Argrorithm) và Lý thuyết thông tin (Information Theory). Sau khi có các chỉ báo, máy tính xác định tín hiệu mua bán, đồng thời cũng đưa ra chiến lược phân bổ đầu tư hợp lý, tối ưu. 

Mô hình Quant hoạt động dựa theo nguyên tắc chỉ tham gia thị trường khi chứng khoán có xu thế tăng dài hạn và rõ ràng. Đồng thời, việc chốt lời diễn ra khi xu thế này đảo chiều hoặc thị trường đi vào thời kỳ ít biến động, đi ngang (chạy sideways). Bên cạnh nguyên tắc chính trên, máy tính cũng tự động đưa ra chiến lược quản lý rủi ro thông qua cơ chế cắt lỗ, phân bổ và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với các nguyên tắc này, hoạt động đầu tư sẽ đạt  mức lợi nhuận tối ưu, khi tối ưu hóa vùng giải ngân và vùng thanh toán tiệm cận hơn với đáy và đỉnh của thị trường. Nói cách khác, mô hình Quant hướng tới sự năng động theo tiêu chí “thị trường luôn luôn đúng”- điều mà chưa mô hình phân tích truyền thống nào đạt được.

 

Kết quả thử nghiệm mô hình Quant

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã xem xét và có các nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tại TTCK Việt Nam, tiên phong là VFM. Sau một thời gian thử nghiệm mô hình Quant với mẫu phân tích (in-sample) và mẫu thử nghiệm (out-sample), VFM đã xác định được kết quả bước đầu: Theo đó, từ tháng 1/2004 đến ngày 30/06/2008, kết quả mẫu phân tích (in-sample) tỷ lệ lợi nhuận đạt được là 200% trong vòng 3 năm rưỡi, bình quân mỗi năm tỷ lệ lợi nhuận đạt 110%. Trong đó xác suất thành công là trên 60%. Đối với kết quả mẫu thử nghiệm (out-sample), thời gian tiến hành từ 30/06/2008 cho đến nay, tỷ lệ lợi nhuận là 100% trong vòng 1,5 năm, bình quân 1 năm đạt 50%. Trong đó xác suất thành công là trên 70%. Như vậy, chúng ta có thể thấy kết quả giữa 2 phương pháp thử nghiệm này rất ấn tượng và gần trùng khớp. Thời gian thử nghiệm dài trên 3 năm với đầy đủ các tình huống thị trường lên mạnh, xuống mạnh hay đi ngang cho thấy tính khách quan và độ chính xác của quá trình thử nghiệm. Nếu áp dụng mô hình vào thực tế thì chúng ta có thể tin rằng, kết quả lợi nhuận bình quân sẽ xoay quanh kết quả thử nghiệm ở trên.

Với tính năng ưu việt của mô hình Quant, VFM đã nghiên cứu và phát triển mô hình này thành một quỹ đầu tư mang tên Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFA) như là bước phát triển mới của ngành quản lý Quỹ trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Cơ hội và rủi ro vẫn ở phía trước nhưng nếu NĐT ưa thích sự năng động thì lợi nhuận đạt được sẽ hoàn toàn xứng đáng. Việc sử dụng mô hình Quant cho Quỹ đầu tư VFA này sẽ là bước đi tiên phong chào đón năm mới 2010 của Công ty VFM.