Thu hồi hàng loạt dự án
Những năm trước, vùng Đông Quảng Nam nổi lên là “địa chỉ đỏ” thu hút dòng vốn đầu tư ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Thực tế cho thấy, hàng tỷ USD đã được đăng ký triển khai dự án tại khu vực này. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã cấp các quyết định chủ trương, thỏa thuận nghiên cứu, chứng nhận đầu tư cho 33 dự án, với tổng vốn đăng ký 15,8 tỷ USD. Số vốn khổng lồ này được dự báo sẽ đánh thức và đưa vùng Đông trở thành một thiên đường du lịch tại miền Trung.
Kỳ vọng là vậy, nhưng sau 5 năm, vùng Đông mới có 2 dự án đi vào hoạt động, gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An và Vinpearl Nam Hội An. Hai dự án này không thể khỏa lấp được những cồn cát dài và rộng ở vùng Đông tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, hàng loạt dự án được đăng ký với số vốn ngàn tỷ đồng vẫn nằm trên bản vẽ.
Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến các dự án đăng ký tại vùng Đông không thể triển khai, như vướng mắc thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhưng điều quan trọng nhất là nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Do vậy, tỉnh Quảng Nam đã quyết định hủy bỏ quy hoạch và thu hồi nhiều dự án.
Trong tháng 12/2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Văn Tân đã ký quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1582/QĐ-UBND ngày 5/5/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình).
Lý do là, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 214/QĐSKHĐT ngày 14/10/2021 về việc chấm dứt hoạt động của dự án này. Theo quy hoạch chi tiết 1/500, Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (trước khi bị hủy bỏ) có tổng diện tích gần 184 ha.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chấm dứt đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty cổ phần Quốc tế Nam Hội An. Được cấp quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2017, dự án này có diện tích gần 200 ha tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình), tổng vốn đăng ký 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các thủ tục tiếp theo của Dự án; nhà đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định; chậm triển khai hơn 36 tháng, nhưng không thực hiện thủ tục giãn tiến độ.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng có quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch Phước Minh tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn; chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi, hủy bỏ các quyết định giao chủ đầu tư 4 dự án, gồm: Khu đô thị Bách Đạt 3, Khu đô thị Bách Đạt 4, khu đô thị Bách Đạt 5, Khu đô thị Bách Đạt 6 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) do CTCP Bách Đạt An làm chủ đầu tư.
Ngoài việc chính quyền tỉnh thu hồi dự án, cũng có doanh nghiệp tự nguyện xin chấm dứt dự án. Đơn cử, Công ty TNHH Bất động sản Thiên Vương tự nguyện xin chấm dứt Dự án Khu đô thị Vạn Phúc City tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, do tình hình tài chính của Công ty không đủ để thực hiện dự án theo cam kết…
Tiếp tục rà soát
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cho biết, trong năm 2021, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra tình hình thực hiện dự án, thanh tra hiện trạng sử dụng đất của 25 dự án chậm triển khai, vi phạm tiến độ, xử lý thu hồi và chấm dứt hoạt động đầu tư 18 dự án. Trong năm 2021, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cũng đã chấm dứt hoạt động 7 dự án đầu tư, hủy bỏ 5 đồ án quy hoạch chi tiết của các khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp do doanh nghiệp lập không phù hợp với tiến trình quy hoạch và phát triển vùng Đông.
Những động thái trên cho thấy quyết tâm của tỉnh Quảng Nam trong việc thanh lọc những dự án không khả thi, để dọn chỗ cho những nhà đầu tư thực chất.
Ông Nguyễn Quang Thử cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai, không đúng tiến độ cam kết hoặc thiếu hiệu quả. Những dự án bị rút phép sẽ lựa chọn nhà đầu tư khác để thực hiện.
“Khó khăn lớn nhất vùng Đông hiện nay là giải phóng mặt bằng, bởi hiện trạng đất đai có nhiều phức tạp. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Quảng Nam đang tiến hành khớp nối tất cả các quy hoạch vùng với quy hoạch chung của tỉnh, đầu tư hoàn thiện, kết nối hạ tầng. Tiến hành giải phóng mặt bằng sạch để kêu gọi những dự án và nhà đầu tư có năng lực, nhằm đưa vùng Đông của tỉnh phát triển, tạo động lực tăng trưởng”, ông Thử nói.
Tỉnh Quảng Nam đang tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến nhiều dự án đầu tư trọng điểm tại vùng Đông, để từ đó xác định rõ các vướng mắc và đưa ra các phương án xử lý từng dự án cụ thể. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, tỉnh sẽ loại bỏ những dự án đầu tư chậm trễ, thiếu thực chất; qua đó, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có tiềm lực và tâm huyết.
“Nếu tiếp tục chia nhỏ, manh mún, thì sẽ không đảm bảo định hướng phát triển lâu dài. Quảng Nam sẽ làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh những quy hoạch không còn phù hợp; quy hoạch phải phù hợp với thực tiễn và có tầm vóc. Như vậy mới có khả năng hấp thụ nhà đầu tư có tiềm lực và những dự án quy mô lớn”, ông Thanh nói.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân khiến tiến độ đầu tư các dự án bị chậm hay khó khăn cho công tác xúc tiến đầu tư các dự án mới là do thiếu quỹ đất sạch, vướng mắc giải phóng mặt bằng, cũng như sự chồng chéo của các luật liên quan. Năm 2021, Quảng Nam đã thu hút và cấp mới cho 50 dự án đầu tư, trong đó có 43 dự án đầu tư nội địa, tổng vốn đăng ký 6.535 tỷ đồng và 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 15,2 triệu USD.