Tình trạng nghẽn lệnh đã kích hoạt tâm lý bán bằng mọi giá trong phiên giao dịch 24/12/2020. Ảnh: Dũng Minh.

Tình trạng nghẽn lệnh đã kích hoạt tâm lý bán bằng mọi giá trong phiên giao dịch 24/12/2020. Ảnh: Dũng Minh.

Quá tải hệ thống, rủi ro khó tiên lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại đa số nhà đầu tư đã không biết rõ và không tiên liệu được rủi ro của việc quá tải lệnh với hệ thống giao dịch của HOSE, như những gì diễn ra trong phiên giao dịch sáng thứ 5 tuần trước.

F0 không hiểu

“Nếu thị trường tăng nhanh như thế này tôi nghĩ là sẽ có lúc nhà đầu tư đua nhau đặt lệnh bán dẫn đến quá tải”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chia sẻ ở thời điểm đầu tháng 12/2020, khi được hỏi về việc HOSE lấy ý kiến công ty chứng khoán thực hiện tăng lô chẵn từ 10 lên 100 cổ phiếu.

Các cuộc phỏng vấn công ty chứng khoán thời điểm đó đều cho thấy, đằng sau câu chuyện HOSE khẩn trương nâng lô chẵn lên 100 là do quá tải lệnh vào hệ thống khi thanh khoản thị trường tăng quá nhanh ngoài dự kiến, cùng với việc robot chia nhỏ lệnh.

HOSE và công ty chứng khoán đã có những cuộc họp để bàn về cách xử lý vấn đề này và tăng lô là một giải pháp.

Tranh nhau bán vì lo lỗi giao dịch

Tâm lý tranh nhau bán đã khiến chỉ số giảm sâu hơn 30 điểm trong phiên giao dịch 24/12/2020, thanh khoản rất tốt giúp người cần bán vẫn bán được, người cần mua vẫn mua được, trừ những lúc “nghẽn” lệnh. Thị trường hồi phục nhanh khi 10h30, lệnh mua vào được hệ thống bình thường, nhiều nhà đầu tư nháo nhào "vợt lại" hàng hóa bán tống bán tháo đầu phiên. Nhưng theo chia sẻ của nhiều nhóm nhà đầu tư, muốn tận dụng những nhịp giảm của thị trường để mua thêm cổ phiếu nhưng lệnh mua lại không vào đúng thời điểm mong muốn.

Một nhà đầu tư khác bày tỏ bức xúc: "Tôi không rõ do đâu, nhưng việc các nhà đầu tư hoảng loạn và tranh nhau bán vì lo sợ lỗi giao dịch như trên kéo dài đã khiến cổ phiếu giảm mạnh. Chẳng hạn PAN, sáng 23/12 vẫn giao dịch trạng thái bình thường ở mức 28.800 -29.000 đồng/cổ phiếu, ngay sau diễn ra sự cố nghẽn lệnh, tôi thấy có vẻ nhà đầu tư hoảng loạn, đặt lệnh bán MP khiến PAN đóng cửa thấp nhất ngày, ở mức 27.750 đồng. Tài khoản tôi “tự dưng” tạm bốc hơi 200 triệu đồng. Nhiều mã khác cũng tình trạng như vậy".

Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro với hệ thống chỉ được trao đổi “nội bộ” giữa HOSE và các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư đại chúng, nhất là nhà đầu tư F0 không hình dung được những rủi ro phát sinh khi lệnh thì tăng nhanh mà hệ thống cũ đã quá tải năng lực.

Không có bất cứ cảnh báo nào về việc lệnh quá tải có thể ảnh hưởng đến hệ thống hay ảnh hưởng đến giao dịch của nhà đầu tư, hoặc một cách rất chung nhất là sẽ có rủi ro xảy ra với sự vận hành thông suốt của thị trường dù HOSE đã phải hành động để kiểm soát khả năng xảy ra rủi ro.

Và dòng tiền vẫn cuồn cuộn đổ vào thị trường. Sự cố bắt đầu xảy ra ngày 17/12/2020, HOSE phát hiện một vài trường hợp kết quả khớp lệnh được trả về chậm, có thể do hoạt động giao dịch tăng mạnh trong phiên. Ngày 22 và 23/12, có hiện tượng lệnh bị treo không khớp được. Nhà đầu tư đại chúng bắt đầu nhận biết cứ đến ngưỡng giao dịch 14.000 tỷ đồng là có nguy cơ bị treo lệnh.

Nhưng cũng phải sau 3 ngày xảy ra hiện tượng trục trặc nhận lệnh từ công ty chứng khoán vào Sở, khi báo giới chất vấn về câu chuyện này, lãnh đạo HOSE mới cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp các nhà mạng để kiểm tra lượng dữ liệu đến cổng như thế nào, khi nào có dấu hiệu bị ùn ứ. Chúng tôi đang cố gắng làm rõ”.

Đối với nhà đầu tư, họ coi sự kết nối giữa HOSE và các công ty chứng khoán là một hệ thống lớn. Khi một công ty chứng khoán gặp sự cố giao dịch thì khách hàng hiểu là lỗi hệ thống công ty đó. Khi đa số công ty chứng khoán đều gặp sự cố dẫn đến đa số nhà đầu tư không thể khớp lệnh mua bán, nhà đầu tư nhận thức đó lỗi hệ thống.

Giám đốc một công ty chứng khoán khẳng định, sau phiên giao dịch ngày 24/12: “Hệ thống của công ty không bị làm sao”.

Sự không thỏa mãn về thông tin thể hiện trên các diễn đàn, trong các ý kiến phản ánh đến Báo Đầu tư Chứng khoán. Nhiều ý kiến cho rằng HOSE đã không nhận trách nhiệm một cách rõ ràng về vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải khi giao dịch.

Sự không thỏa mãn và có phần hụt hẫng của nhà đầu tư đã dẫn đến những khuyến nghị bán trên thị trường trước giờ giao dịch ngày 24/12. Khi lệnh lại bị treo vào phiên sáng 24/12 đã kích hoạt tâm lý chốt lời và muốn thoát khỏi thị trường bằng mọi giá khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sàn.

Trưa ngày 24/12, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE giải thích một cách cụ thể hơn về lý do nghẽn lệnh, “có thể do cơ chế tự bảo vệ của hệ thống được kích hoạt khi có quá nhiều lệnh tham gia giao dịch, trong đó bao gồm cả các lệnh sửa hủy, nhằm bảo vệ an toàn chung cho hệ thống giao dịch toàn thị trường”.

Đáng chú ý trong bài trả lời phỏng vấn, ông Trung đã thắng thắn thừa nhận, “thời gian trước mắt, dù không mong muốn, nhưng hiện tượng này (nghẽn lệnh) có thể còn tiếp diễn trong điều kiện dòng tiền vào thị trường đang rất mạnh và cổ phiếu chưa hết đà tăng. Do vậy, chúng tôi mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của cộng đồng nhà đầu tư khi chưa đáp ứng được kỳ vọng”.

Những thông tin thắng thắn như vậy rất có ý nghĩa với thị trường, bởi nó giúp nhà đầu tư nhận thức và tiên liệu rõ hơn về rủi ro tham gia thị trường ở thời điểm này, nhất là với lượng đông đảo nhà đầu tư F0 chưa hiểu rõ về tính lịch sử của phần mềm giao dịch hiện tại.

Rủi ro còn ở phía trước

Việc thị trường tăng nóng nhiều phiên được dự báo sớm muộn sẽ phải điều chỉnh, nhưng phiên điều chỉnh bất ngờ dưới áp lực tâm lý của nghẽn lệnh như sáng ngày 24/12 nằm ngoài dự báo của đa số nhà đầu tư.

Chính tâm lý không biết có “nghẽn” hay không đã khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn bán để tránh rủi ro cổ phiếu có thể sẽ giảm mà mình lại không bán được do treo lệnh.

Nhà đầu tư đã hiểu về sự quá tải của hệ thống khi số lượng giao dịch tăng vọt, nhưng rõ ràng, họ không thể chấp nhận tình trạng tái đi tái lại và phải sống trong bất an. Nhiều người đã lựa chọn bán hết hàng để đứng ngoài quan sát. Khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu trên HOSE, chuyển qua giao dịch trên HNX và UPCoM đã được lan tỏa rất nhanh.

Thị trường có thể hồi phục nhưng khi nguy cơ rủi ro còn đó thì dòng tiền chắc chắn sẽ thận trọng khi mua giá cao.

Việc vận hành hệ thống giao dịch mới là giải pháp duy nhất để giải quyết rủi ro trong giao dịch trên sàn HOSE hiện nay. Còn trong ngắn hạn, giải pháp như tăng lô giao dịch tối thiếu lên 100 cổ phiếu được áp dụng có thể giúp giảm 18% số lượng lệnh vào thị trường. Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, ngay cả khi thực hiện giải pháp cần thiết này thì nguy cơ nghẽn lệnh vẫn rất lớn với với sự tăng thanh khoản rất mạnh.

Được biết, các chủ thể vận hành thị trường đang nỗ lực tìm giải pháp để xử lý vấn đề nghẽn lệnh.

Cần đối diện sự thật là hệ thống đang quá tải

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Dịch vụ đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Chúng ta cần đối diện sự thật là hệ thống đang quá tải và mỗi thành phần tham gia cần ngồi lại để nhanh chóng có giải pháp cho những vấn đề hiện nay. Có biện pháp trước mắt và biện pháp dài hạn.

Tôi cho rằng, cơ quan quản lý đã ý thức được vấn đề về nâng cấp hạ tầng công nghệ, nhưng việc hoàn thành mục tiêu nâng cấp lại không hề đơn giản do các yếu tố liên quan đến việc kết nối nhiều bên, chuyển đổi dữ liệu… và đặc biệt là không được xảy ra gián đoạn giao dịch hay sai lệch chuyển đổi hệ thống. Những khó khăn đó của cơ quan quản lý là lý do khiến việc chuyển đổi hệ thống không dễ hoàn thành trong một sớm một chiều.

Trong ngắn hạn, các biện pháp như chuyển tải bớt qua HNX hay tăng khoảng cách bước lệnh về giá hoặc tăng bước khối lượng… có lẽ sẽ giảm bớt được đáng kể số lệnh giao dịch, từ đó giúp giảm tình trạng quá tải hiện nay. Về phía nhà đầu tư, chúng ta cần ý thức thận trọng khi giao dịch trong giai đoạn này để giảm thiểu rủi ro và thực chất, rủi ro này cũng là bình thường với một thị trường cận biên như Việt Nam. Mỗi người cần giảm thiểu việc rải lệnh nhỏ để giúp giảm tải chung, vì điều kiện chung của thị trường cũng ảnh hưởng tới điều kiện riêng của mỗi chúng ta.

Tin bài liên quan