Ông Louis Taylor

Ông Louis Taylor

Qua “sóng gió”, ngân hàng Việt sẽ lớn mạnh

(ĐTCK) Đó là đánh giá của ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered (Việt Nam).

Các thách thức luôn tồn tại trong hệ thống ngân hàng của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là trong ngành ngân hàng còn non trẻ như Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta học hỏi được những gì từ các thách thức đó. Tôi tin tưởng rằng, vượt qua các thách thức sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng Việt Nam lớn mạnh và bền vững hơn trong dài hạn. Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) nhấn mạnh với ĐTCK.

Ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải tái cấu trúc để vượt qua khó khăn. Ông đánh giá thế nào về những chuyển động của ngành trong công cuộc sắp xếp lại?

Quá trình hồi phục của ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay diễn ra khá chậm, thể hiện qua việc tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,4% mà nguyên nhân một phần bắt nguồn từ cả phía cung (ngân hàng) và cầu (người vay). Về phía nguồn cầu, tình trạng tồn kho cao kéo dài từ năm ngoái đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, bởi các doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên giải quyết hàng tồn kho hơn là vay vốn để mở rộng sản xuất. Đồng thời, việc các ngân hàng tiếp tục siết chặt tiêu chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn. 

Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành ngân hàng trong thời gian qua là nỗi lo tất toán vàng đúng hạn. Như chúng ta đã biết, sau khi chạy đua huy động và cho vay vàng, các ngân hàng được yêu cầu phải tất toán trạng thái vàng với thời hạn chót là ngày 30/6. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại có hợp đồng cho vay vàng dài hạn với khách hàng, điều này đặt áp lực lên giá vàng vật chất tại Việt Nam cũng như lên các ngân hàng có trạng thái âm vàng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải dành ra một nguồn lực đáng kể để mua lại vàng cho kịp thời hạn tất toán của NHNN.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc diễn ra chậm chạp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, cùng với các vấn đề như trình độ quản trị doanh nghiệp yếu kém và tiêu chí cho vay không phù hợp là những thách thức lớn mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong thời gian qua.

Là một ngân hàng quốc tế với hơn 150 năm kinh nghiệm hoạt động tại các thị trường năng động nhất thế giới, chúng tôi nhận thấy rằng, các thách thức luôn tồn tại trong hệ thống ngân hàng của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là trong ngành ngân hàng còn non trẻ như Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta học hỏi được những gì từ các thách thức đó. Tôi tin tưởng rằng, vượt qua các thách thức sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng Việt Nam lớn mạnh và bền vững hơn trong dài hạn.

 

Ông có vẻ khá lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành?

Ngành ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, tuy nhiên, những thay đổi không thể diễn ra một sớm một chiều. Chính phủ và NHNN đã làm rất tốt trong việc xây dựng một chiến lược nhằm đưa ngành ngân hàng trở lại đúng quỹ đạo. Thanh khoản của hệ thống đã trở nên dồi dào, mặc dù vẫn còn những quan ngại về khả năng thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chính phủ và NHNN đã lựa chọn phương án giải quyết nợ xấu trong dài hạn và nhiều tiến triển được ghi nhận đã chứng minh đây là một định hướng đúng đắn và hiệu quả. Có thể chính sách này sẽ dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn so với kết quả khi quá trình giải quyết nợ xấu được đẩy mạnh hơn.

Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN đã cân nhắc kỹ lưỡng những tác động của việc nhanh chóng giảm nợ xấu bằng biện pháp bút toán so với những ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng thấp do quá trình giải quyết nợ xấu kéo dài. Theo đó, duy trì sự ổn định và giải quyết nợ xấu một cách lâu dài và hiệu quả được ưu tiên hơn là phải đối mặt với những bất ổn do quá hấp tấp trong giải quyết nợ xấu. Đây thực sự là một định hướng đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

 

Theo ông, để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, giúp hệ thống ngân hàng vượt qua được thách thức, cần có thêm những giải pháp gì?

Chúng tôi đã nghe nhiều nguồn tin về việc thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC), nhằm giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu và cũng đã xuất hiện những thông tin ban đầu về công ty này. Việc thiết lập một công cụ để giải quyết nợ xấu như vậy là rất đúng đắn, tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả của công cụ này thì Chính phủ cần phải có quy định bắt buộc các ngân hàng bán lại nợ xấu cho VAMC, thay vì chỉ coi AMC như là một lựa chọn. VAMC cần phải có quyền hạn pháp lý đặc biệt để giải quyết nợ xấu, như được phép tịch thu tài sản thế chấp một cách nhanh chóng và có báo trước. Quá trình tái cấu trúc phải giúp cải thiện trình độ quản trị và quản lý rủi ro của các ngân hàng nhằm tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.