Thời gian qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị đẩy lên mức 14-15 triệu đồng/lượng tùy từng thời điểm.

Thời gian qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị đẩy lên mức 14-15 triệu đồng/lượng tùy từng thời điểm.

Giá vàng “một mình một chợ” đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tuần này, giá vàng trong nước vọt tăng hơn nửa triệu đồng, tiến sát ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, cao nhất từ đầu năm đến nay, dù giá vàng thế giới giảm.

Giá vàng SJC tăng vọt

Đầu tuần này, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.850 USD/oz, tăng 16 USD/oz sau xung đột tại Trung Đông. So với mức giá vượt 2.000 USD/oz hồi tháng 4 và tháng 5/2023, giá vàng đã giảm đáng kể. Dù vậy, giá vàng trong nước đã gần chạm ngưỡng 70 triệu đồng/lượng (69,7 triệu đồng/lượng bán ra), cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị đẩy lên tới mức 14-15 triệu đồng/lượng tùy từng thời điểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng SJC trong nước cao không phản ánh đúng xu hướng giá vàng quốc tế (giảm khá mạnh từ hồi tháng 5 đến nay).

“Giá vàng SJC trong nước tăng cao do từ lâu không được sản xuất, nguồn cung khan hiếm, dẫn tới giá tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới. Ngoài ra, giá USD tăng cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng. Tuy nhiên, tỷ giá từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, vàng trong nước tăng chủ yếu do tâm lý”, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định.

Mặc dù cho rằng, giá vàng trong nước mấy ngày qua tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý, song chuyên gia này nhận định, giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng, chinh phục trở lại ngưỡng 1.900 - 2.000 USD/oz, tiếp tục thúc đẩy giá vàng trong nước tăng theo.

Theo ông Khánh, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất một lần nữa cuối năm nay, nhưng có thể “đảo chiều” giảm lãi suất vào năm 2024. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất trên thế giới trong quý IV thường gia tăng để phục vụ nhu cầu mua sắm, lễ hội cuối năm.

Các chuyên gia phân tích trên thế giới nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao. Tuần qua, vàng đã chịu một đợt bán tháo mạnh khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007 (do Fed vẫn duy trì lãi suất ở mặt bằng cao).

Theo ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA - sàn giao dịch ngoại hối được sáng lập tại New York (Mỹ) vào năm 1996, không loại trừ khả năng vàng có thể rơi xuống mức 1.800 USD/ounce. Giá vàng hiện tại hấp dẫn để đầu tư. Dù vậy, riêng với thị trường vàng trong nước, giới chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng vì sự thiếu liên thông với giá vàng thế giới.

Khắc phục tình trạng giá vàng “một mình một chợ”

Trung bình mỗi năm, lượng vàng vật chất tiêu thụ trong nước khoảng 50-60 tấn/năm. Con số này đã giảm trong 2 năm Covid-19, phục hồi trở lại năm 2022, song khả năng sẽ giảm 10-20% trong năm nay do kinh tế khó khăn.

Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, các cơn sốt vàng chấm dứt, hiện tượng vàng hóa nền kinh tế giảm mạnh, song tình trạng giá vàng trong nước “một mình một chợ” ngày càng trầm trọng. Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.

“Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành hơn 10 năm trước đã phát huy nhiều tác dụng tốt, song cũng trở nên tương đối lỗi thời, cần chỉnh sửa cho phù hợp. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giảm bớt kiểm soát vàng nữ trang. Riêng với vàng miếng SJC, nhiều đơn vị kinh doanh vàng kiến nghị, NHNN cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC, mà cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng để thị trường trở lại bình thường”, ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị.

Trong văn bản gửi Quốc hội cuối tuần qua về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, NHNN cũng đã có báo cáo về vấn đề này.

Theo đó, để phục vụ việc tổng kết, đánh giá triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thời gian qua, NHNN đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

NHNN đã báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước.

Trong tháng 11/2022, NHNN đã tiến hành lấy ý kiến 63 chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉnh sửa Dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Trong tháng 2/2023, NHNN đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (đến cuối tháng 5/2023, NHNN đã nhận được đầy đủ các ý kiến).

Đầu tháng 6/2023, NHNN và Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 9/2023, NHNN đã tổ chức Tọa đàm “Chính sách quản lý thị trường vàng”, trong đó có mời đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số chuyên gia kinh tế - tài chính, đại biểu quốc hội quan tâm về lĩnh vực vàng.

“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết)”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tin bài liên quan