Công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có mặt hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 về kết quả thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nhấn mạnh hạn chế nêu trên.
Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra là đã xuất hiện một số hình thức cho vay qua ứng dụng công nghệ cao (vay tiền online, qua app) thủ tục đơn giản nhưng lãi suất rất cao, đồng thời người cho vay có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, người thân của họ để thu hồi nợ đang gây nhiều hệ lụy trong xã hội, tuy nhiên việc quản lý và phòng ngừa còn hạn chế .
Điển hình như vụ 7 người Việt Nam và Trung Quốc cho vay lãi nặng bằng hình thức thông qua app điện thoại tại TP.HCM (công ty này sử dụng 2 app là ABLOAN và VNCARD)... Đến nay, vẫn chưa có quy định để quản lý loại hình giao dịch này, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi ở một số lĩnh vực còn có hạn chế, nhiều đối tượng đã có hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh; thu gom vật tư y tế đã qua sử dụng để tái chế. Cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch bệnh lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; một số người đã kê khai không đúng đối tượng để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra khởi tố vụ án: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư Khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan; phát hiện 9 hộ cận nghèo ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh không đúng đối tượng; Vụ Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM, địa chỉ sản xuất tại Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã thu gom hàng chục tấn găng tay y tế đã qua sử dụng để tái chế thành sản phẩm mới.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, liên quan đến Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện, bắt giữ trên 200 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Khái quát chung, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm 720 vụ, tăng 14,1% (trong đó hiếp dâm trẻ em 454 vụ, tăng 21,07%); giao cấu với trẻ em 612 vụ, tăng 17,92%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.739 vụ, tăng 8,69%; gây rối trật tự công cộng 446 vụ, tăng 49,16%; chống người thi hành công vụ 369 vụ, tăng 14,24% (trong đó xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ, tăng 280%).
Đáng chú ý, số vụ giết người thân tăng mạnh (178 vụ, tăng 212,28%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn. Số vụ giết người, cướp tài sản tuy giảm (28 vụ, giảm 15,15%) song hành vi của đối tượng manh động, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng, bất an trong nhân dân.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới.