Tiền giả diễn biến phức tạp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo NHNN, trong các năm qua, khối lượng tiền mặt trong lưu thông tăng lên phù hợp quy mô phát triển của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp, xử lý hình ảnh và internet, việc làm tiền giả dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn.
Ở nước ta, tình trạng tội phạm lưu hành, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đã xảy ra tại một số địa phương với thủ đoạn, phương thức ngày càng phức tạp. Tiền Việt Nam bị làm giả làm giảm giá trị của đồng tiền do NHNN phát hành, tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của nhà nước.
Theo các cơ quan chức năng, trước đây, tiền giả chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, được vận chuyển, đưa vào trong nước tiêu thụ. Những năm gần đây, đã xuất hiện tội phạm làm tiền giả tại một số địa bàn như: Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định… Trong những năm qua, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã phát hiện, triệt phá hàng nghìn vụ liên quan đến tiền giả, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Lượng tiền giả thu giữ qua cơ quan chức năng và hệ thống ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng tiền giả.
Trước đây, tiền giả chủ yếu được in ở nước ngoài trên chất liệu nilon. Những năm gần đây, đã xuất hiện tiền giả được in trong nước, chủ yếu trên giấy. Nhìn chung, các loại tiền giả tiền polymer có kỹ thuật làm giả đơn giản, dễ kiểm tra nhận biết bằng tay và mắt thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm tiền giả trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.
Do vậy, để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả và toàn diện, cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
NHNN cũng cho biết, thực tiễn công tác phòng, chống tiền giả cho thấy, phạm vi hoạt động của tội phạm làm tiền giả ngày càng rộng, bao gồm cả nội địa và khu vực biên giới đất liền và vùng biển. Tuy nhiên, trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam) chỉ quy định công tác phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan.
Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị định về trách nhiệm tham gia của lực lượng quân đội nhân dân như lực lượng cảnh sát biển, lực lượng điều tra hình sự quân đội... nhằm tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng của cơ quan công an, lực lượng quân đội nhân dân, cơ quan hải quan và NHNN trong công tác phòng, chống tiền giả, góp phần hạn chế rủi ro về tiền giả cho các tổ chức, cá nhân giao dịch trong xã hội và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.
Quy định cụ thể về sao chụp tiền Việt Nam
Về hành vi sao chụp tiền Việt Namkhông có sự chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN,quy định hiện hành xác định đây là hành vi bị nghiêm cấm nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp và việc quản lý sao chụp. Điều này có thể gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sao chụp tiền Việt Nam, nhất là các trường hợp sao chụp nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục hoặc các mục đích phi lợi nhuận khác.
Về thực tế, việc sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam với mục đích in trên các ấn phẩm sử dụng cho tuyên truyền, quảng bá, làm tài liệu tập huấn… là nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện "tiền giấy đồ chơi" là các ấn phẩm có in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên giấy cứng hoặc nền nhựa được mua bán công khai với tính chất là đồ chơi, tình trạng in và bán bao lì xì có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam các loại mệnh giá… khá phổ biến.
Một số đối tượng sử dụng tiền âm phủ in hình ảnh đồng tiền Việt Nam, có kích thước tương đương tiền thật để trà trộn trong giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa trong điều kiện thiếu ánh sáng (trời tối)... với mục đích đánh lừa người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, NHNN đã đề nghị Bộ Thông tin truyền thông và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, để hạn chế các hành vi vi phạm quy định về sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tiền Việt Nam, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của NHNN với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả đối với mẫu thiết kế các loại tiền Việt Nam theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, cần thiết quy định các điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp, sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam trong văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời thông tin đầy đủ thủ tục hành chính về sao chụp, sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam, tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân sao chụp tiền Việt Nam đúng pháp luật.
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đưa ra những quy định sao, chụp hoặc mô phỏng/tái tạo hình ảnh đồng tiền rất cụ thể và chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ đồng tiền quốc gia, hạn chế nguy cơ tiền giả.
Hầu hết các nước/khu vực đồng tiền chung đều quy định việc sao chụp hình ảnh đồng tiền (một phần hoặc toàn bộ) phải đảm bảo tính toàn vẹn và nghiêm cấm hành vi xúc phạm hình chân dung, quốc huy trên đồng tiền. Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ bị trục lợi hoặc có thể gây nhầm lẫn với tiền thật, nhiều nước quy định đối với bản in, tỷ lệ bản sao, chụp thu nhỏ không vượt quá từ 50% - 75% và phóng lớn tối thiểu từ 125% - 200%, đi kèm với điều kiện sao, chụp một phần/toàn bộ hình ảnh, sao chụp một/hai mặt, sao chụp đen trắng/màu (như Mỹ, khu vực đồng Euro, Anh, Australia, Thụy Sĩ, Hàn Quốc…).
Đối với bản sao, chụp điện tử (hay kỹ thuật số) dưới hình thức file để sử dụng trên môi trường mạng (sử dụng không hạn chế), nhiều nước quy định phải đáp ứng độ phân giải không vượt quá 72 dpi và có thêm dòng chữ SPECIMEN hoặc phải sử dụng file có sẵn trên kho ứng dụng do Ngân hàng Trung ương cung cấp (như khu vực đồng Euro, Anh, Canada, Australia, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…).