Chiều 28/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng UBND TP Đà Nẵng, để nghe các cơ quan này báo cáo việc tiếp thu kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà (quy hoạch).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, bản quy hoạch được xây dựng từ tháng 5/2013, do Bộ Văn hoá chủ trì và sự phối hợp chặt chẽ của Đà Nẵng.
Quy hoạch này phê duyệt ngày 9/11/2016, công bố ngày 15/2. “Như vậy là Quy hoạch chưa được triển khai trên thực tế”, Phó thủ tướng nói.
Trước tháng 5/2013, thực tế có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, làm các bước, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong số đó, 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Từ năm 2013 tới nay, Đà Nẵng không cấp thêm dự án nào nữa.
“Có nghĩa tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản quy hoạch được lập. Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng.
Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Theo ông Vũ Đức Đam, quy mô phòng lưu trú so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi bản quy hoạch được xây dựng chỉ bằng 1/3.
Tuy nhiên, ngay sau khi bản quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị và một nội dung quan trọng là giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà.
Như vậy, theo Hiệp hội này, trên bán đảo Sơn Trà chỉ nên có số cơ sở lưu trú hiện nay, tức khoảng 300 phòng.
“Trước khi lập bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, các dự án đã được chấp thuận là 5.000 phòng, tương đương là 10 phần thì bản quy hoạch giới hạn chỉ được 1.600 phòng, tức là 3 phần nhưng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị chưa tới một phần, tức giữ nguyên khoảng 300 phòng”, Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Văn hoá cũng như thành phố Đà Nẵng, trong quá trình trả lời kiến nghị, bên cạnh làm việc với Hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học thì cần lưu ý kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự.
“Hiệp hội kiến nghị giảm xuống còn một phần thì Đà Nẵng có chấp nhận không. Nếu không xuống một thì giảm xuống bao nhiêu, đương nhiên phải xuống dưới 3 phần như quy hoạch nêu.
Nếu có đề nghị trên 1.600 phòng thì tôi không chấp nhận và Đà Nẵng cũng khẳng định không có đề nghị hơn vì đã đồng ý với quy hoạch rồi”, ông Đam nhấn mạnh.
Bản đồ hiện trạng tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Chưa thực hiện quy hoạch để trả lời các kiến nghị
“Sau khi Hiệp hội có kiến nghị, Thủ tướng và tôi đã yêu cầu các cơ quan báo cáo trước 30/5. Tinh thần của lãnh đạo Chính phủ là rất cầu thị lắng nghe và xử lý công khai.
Sự thật bao giờ cũng là sự thật, nếu chúng ta làm đúng thì công luận sẽ đánh giá đúng”, ông Đam nói và thẳng thắn hỏi lãnh đạo Bộ và thành phố Đà Nẵng về thời hạn cuối cùng để hai cơ quan này trả lời kiến nghị nêu trên.
Đặc biệt là kiến nghị về việc giữ nguyên trạng, không xây dựng cơ sở lưu trú, hay nói cách khác là “có chấp nhận giảm tiếp số phòng lưu trú trên bán đảo Sơn Trà hay không và giảm tới mức nào?”.
Đại diện Bộ Văn hoá và UBND TP Đà Nẵng đều xin thời gian 3 tháng. Đồng ý với thời hạn này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Đà Nẵng phải chủ động vì tất cả các dự án được cấp theo đúng thẩm quyền của thành phố.
“Về việc này, chúng tôi rất chia sẻ với Đà Nẵng là rất cần thời gian, chắc chắn Đà Nẵng sẽ phải làm việc với các nhà đầu tư, và trước 30/8, thành phố phải có văn bản chính thức trả lời, kiến nghị với Thủ tướng là có chấp nhận kiến nghị của Hiệp hội hay không”, ông Đam nhấn mạnh.
Về phía Bộ Văn hoá, Phó thủ tướng cho rằng với các khía cạnh liên quan tới khoa học khác, cần thời gian để tổ chức hội nghị và các cuộc làm việc với giới chuyên môn, vì vậy thời gian 3 tháng là hợp lý.
“Trong 3 tháng đó, tôi đề nghị chưa triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà để việc tiếp thu ý kiến được khách quan”, ông Đam nói.
Trước lo ngại trong 3 tháng tới, khi bản Quy hoạch chưa được triển khai, các dự án đã được cấp phép trước đây sẽ ồ ạt làm để cho xong, Phó thủ tướng cho hay lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất từ 16/5, tất cả mọi quyết định liên quan đến các dự án đều phải được thông qua Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, ngoài ra còn có các cơ quan chức năng, xã hội giám sát.
“Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái. Sau khi các cơ quan báo cáo thì Thủ tướng sẽ xem xét”, ông cho biết.
Đề cập đến vi phạm ở dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin thêm, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Đà Nẵng đã có báo cáo và Văn phòng Chính phủ đang thụ lý hồ sơ, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về đầu tư xây dựng, sẽ báo cáo Thủ tướng để giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Vinh An
Theo ông, dự án này cũng như các dự án khác đều được phê duyệt, cấp phép từ trước khi có Quy hoạch, vì thế, “về nguyên tắc thì thẩm quyền và trách nhiệm xử lý thuộc UBND TP Đà Nẵng”.
Liên quan đến kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói thống kê đến thời điểm này trên khu vực các dự án đã triển khai, chỉ có 253 phòng đã đăng ký sử dụng phù hợp và mật độ xây dựng trong các dự án thấp.
"Nếu giữ số lượng phòng lưu trú là 1.600 thì chúng tôi không có ý kiến gì; còn nếu chỉ 300 phòng thì không hợp lý", ông bày tỏ quan điểm.
Thứ trưởng Văn hoá Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng kiến nghị không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà đã được đặt ra từ khi các cơ quan chức năng lập quy hoạch, thông qua việc xem xét đánh giá quy mô phát triển, mức độ tác động đến môi trường cảnh quan tự nhiên.
Các cơ quan chức năng nhận thấy giải pháp hợp lý là điều chỉnh cấu trúc không gian du lịch kết hợp với việc kiểm soát quy mô hệ thống cơ sở lưu trú, như đã nêu trong quy hoạch để bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Theo ông, kiến nghị nêu trên có thể dẫn đến một số hệ quả là với những dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ, những dự án đã phê duyệt nhưng chưa được triển khai thì phải huỷ bỏ.
"Đây là vấn đề phức tạp, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm quy hoạch ra đời", ông nói.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Thông tin truyền thông cho rằng quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã được tiến hành bài bản, khoa học. Tuy nhiên, việc vừa qua dư luận có ý kiến khác nhau cho thấy "ngay từ đầu truyền thông về quy hoạch chưa tốt".
"Nếu không có quy hoạch này, tình hình bán đảo Sơn Trà có khi phức tạp hơn vì trong thực tế đã có hơn 5.000 phòng lưu trú được chấp thuận. Theo tôi các cơ quan chức năng cần sớm đối thoại với những bên liên quan", ông Bảo nêu ý kiến.
Bán đảo Sơn Trà có ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, rộng hơn 4.400 ha, nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông bắc. Bán đảo này là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Ngay sau đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy hoạch vừa công bố.
Trưa 27/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát bán đảo này trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Tại mỗi điểm dừng chân, ông Đam đều mở bản đồ những khu chức năng phát triển du lịch theo bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà để đối chiếu.