Phó thống đốc Đào Minh Tú: Lãi suất cho vay nông nghiệp đã giảm hơn một nửa so với 2013

Phó thống đốc Đào Minh Tú: Lãi suất cho vay nông nghiệp đã giảm hơn một nửa so với 2013

(ĐTCK) Sáng 9/4, tại tỉnh Hải Dương, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Đây là dịp để nông dân đề xuất, kiến nghị trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu nông dân đã tham gia các phiên đối thoại với Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành về các vấn đề lớn, quan trọng và còn nhiều khó khăn vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, tập trung vấn đề về chính sách đối với vốn, đất đai; thị trường nông sản, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới… và các vấn đề khác mà bà con nông dân cả nước đang quan tâm.

Ngân hàng cho vay phải trên cơ sở quản lý dòng tiền

Một số vấn đề liên quan đến nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp như vấn đề thế chấp đất đai, vấn đề thiếu vốn, chính sách của gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, kiến nghị giảm lãi suất… đã được các đại biểu nông dân nêu với người đứng đầu Chính phủ và ngay lập tức đã được đại diện lãnh đạo NHNN giải đáp.

Ông Võ Quan Huy đến từ Long An, chia sẻ tại hội nghị, hiện nay, để sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi, ông đã thực hiện việc tích tụ ruộng đất theo chủ trương mà Chính phủ đang thực hiện. Quá trình thực hiện điều này, ông thấy cá nhân mình và nhiều doanh nghiệp thực sự rất có lợi khi có thể áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất lớn. Nhưng ngược lại, vẫn còn không ít khó khăn, trong đó phải kể tới vốn.

Tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20%

- Phó thống đốc Đào Minh Tú

"Tôi có nhà màng hiện đại nhưng vẫn không thể dùng nhà màng này để thế chấp ngân hàng. Trước đây, đã có lần Thủ tướng hứa sẽ có gói vốn 100.000 tỷ cho nông dân vay phát triển kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy vốn rót về. Vậy Thủ tướng có thể cho biết, bao giờ chúng tôi sẽ được tiếp cận với gói tín dụng này?",  ông Huy thẳng thắn hỏi.

Nông dân Tô Hiến Thành, ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang hỏi, Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không? Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn?

Cùng vấn đề liên quan đến nguồn vốn, ông Nguyễn Đăng Cường, ở Thuận Thành, Bắc Ninh có đặt vấn đề: "Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng khi nông dân vay ngân hàng yêu cầu giữ sổ đỏ, trong khi rất nhiều hộ chưa được cấp sổ đỏ, nên không có tài sản thế chấp; hoặc có tài sản ở trang trại, gia trại nhưng không được đưa vào làm tài sản thế chấp nên không vay được vốn. Để giúp nông dân vay vốn được nhanh chóng, thuận tiện, Chính phủ có bỏ quy định này cũng như sửa đổi Nghị định 55 được không?

Trước những băn khoăn của nông dân, Thủ tướng đã chỉ đạo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trả lời.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân có thể nói là sáng kiến rất hay.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã thường xuyên có đối thoại với doanh nghiệp (DN), nhân sự kiện này, thời gian tới, ngoài việc đối thoại với DN thường kỳ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đối thoại với nông dân theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thể hiện mối liên kết 6 nhà chặt chẽ, trong đó có nhà băng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú: Lãi suất cho vay nông nghiệp đã giảm hơn một nửa so với 2013 ảnh 1

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Phó thống đốc Đào Minh Tú trực tiếp đối thoại, giải đáp những khó khăn, kiến nghị từ nông dân.

Về nguồn vốn cho nông nghiệp, ông Tú cho biết, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20% (tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%). Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Điển hình như cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đã đạt 36.000 tỷ đồng, cho vay gần 6.400 khách hàng, trong đó chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.

Một số chương trình tín dụng lớn về cho vay phát triển thuỷ sản, đánh bắt xa bờ cũng đã được các ngân hàng vào cuộc tích cực, với khoảng 10.700 tỷ đồng đã được triển khai ở Chương trình 67; chương trình hỗ trợ giảm tổn thất cũng nhiều hộ được nhận hỗ trợ, giảm lãi với dư nợ 4.829 tỷ đồng.

Gần đây còn có nhiều chủ trương mang tính “khẩn cấp” cũng được Chính phủ, các ngân hàng quan tâm, như trong đợt khủng hoảng lợn năm 2017, ngân hàng đã giảm lãi suất, khoanh nợ với giá trị lên tới hơn 3.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong chăn nuôi lợn tập trung, các ngân hàng cũng đã cho vay với dư nợ 27.000 tỷ đồng; những hộ nuôi lợn gặp khó khăn cũng được ngân hàng hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng.

"Chúng tôi tổng hợp thấy có 9 chương trình lớn của Chính phủ liên quan đến vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Về phía ngân hàng, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hơn 20 chương trình lớn cho vay ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, nhiều vùng kinh tế. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có rất nhiều chương trình lớn, bao phủ các vùng miền, với nhiều đối tượng được vay vốn ở những lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm", Phó thống đốc nói.

Cũng theo ông Tú, những gì phát sinh trong cuộc sống sẽ được xây dựng mới ngay, hoặc những gì vướng mắc vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa. Chẳng hạn, Nghị định 55 hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan đang phối hợp chỉnh sửa để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Trả lời về kiến nghị liên quan đến lãi suất, ông Tú cho biết, lãi suất cho vay nông nghiệp đến nay đã giảm khoảng hơn 1 nửa so với đầu năm 2013, từ 14%/năm xuống về dưới 6,5%/năm. Đây là điều tích cực nhằm giảm lãi suất cho vay, nhằm giảm bớt chi phí cho DN, hộ nông dân. 

Riêng về tài sản thế chấp, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN mới ban hành, tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay, mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ nông dân, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.

Ngân hàng luôn đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp

Về câu hỏi của ông Võ Quan Huy (Long An), ông Tú nhấn mạnh, mấu chốt của vấn đề là quy mô sản xuất, tài sản của ông Huy có đảm bảo để các ngân hàng có cho vay hay không.

"Cách đây ít lâu, cũng tại một hội nghị, anh Huy cũng đã có buổi gặp đại diện nhiều lãnh đạo ngân hàng và cũng hỏi như vậy, hôm nay anh Huy lại tiếp tục đặt lại vấn đề này. Vì vậy, trong tuần tới, tôi và các ngân hàng thương mại sẽ ngồi làm việc với anh Huy, anh Tô Hiến Thành để làm việc rõ ràng xem có vay vốn được hay không, vay được bao nhiêu, nếu không vay được thì lý do vì sao và phải công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng", ông Tú nói.

Cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đã đạt 36.000 tỷ đồng, cho vay gần 6.400 khách hàng, trong đó chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.   

Cũng theo ông Tú, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bổ sung một số quy định mới như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng; ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, vốn từ 50 triệu đồng sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng.

Riêng về vấn đề tín dụng đen, không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người dân, thậm chí hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành phố, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn Ngân hàng Nhà nước lập tức bơm vốn, nên chắc chắn không có tình trạng thiếu vốn.

Việc người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là do tính minh bạch thông tin. Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng, nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng xiết chặt quy định cho vay. 

Để hạn chế nợ xấu, gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thí điểm mô hình cho vay lưu động, trực tiếp đến xã. Nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tín dụng đen.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm các thủ tục về điều kiện đầu tư kinh doanh trong đó có lĩnh vực tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng, đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông và xử lý nghiêm các vụ việc do tín dụng đen gây ra, thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tin bài liên quan