Sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp khiến VN-Index bị đẩy về sát mốc 960 điểm, thị trường đã quay đầu bật mạnh đi lên trong phiên 4/7. Cùng với sự trở lại của dòng tiền sôi động, sắc xanh đã lan tỏa thị trường kéo VN-Index tăng vọt gần 13 điểm lên sát ngưỡng 975 điểm.
Theo đánh giá của giới phân tích, phiên tăng điểm mang đầy đủ đặc điểm của một phiên bùng nổ nới mức tăng điểm mạnh hơn 1% và khối lượng tăng tốt, cùng đà tăng lan tỏa nhiều nhóm ngành, đã mở ra cơ hội giúp thị trường có thể hình thành xu hướng tăng ngắn hạn. Nhận định của TVSI cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ vượt qua vùng kháng cự 965-975 điểm. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Vin vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt chính cho thị trường ở thời điểm hiện tại.
Thậm chí, công ty chứng khoán này còn đưa ra kịch bản khả quan. chỉ số có thể hướng tới vùng giá 990-1.000 điểm. Tuy nhiên, khó có thể tiến xa hơn nếu không có sự cải thiện mạnh mẽ của yếu tố thanh khoản.
Dựa theo phân tích kỹ thuật, ông Lê Hải Đăng, Trưởng nhóm môi giới TVSI Ngọc Khánh cho biết, trên đồ thị giờ, VN-Index đã vượt qua khỏi BB top, stochastic đã có tín hiệu giao cắt của đường %K và %D điều này gợi ý nếu phiên 5/7, chỉ số mở cửa bên trên BB top nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh đầu phiên sáng.
Trừ khi lực mua là quá mạnh, giá mới có khả năng xuyên thủng luôn cả kênh giá phía trên. Kịch bản đẹp nhất là giá mở cửa thấp ngay và từ từ bò lên rồi bám sát giải BB top. Nếu được thế, xác suất có thêm phiên rực rỡ là khá cao.
Đúng như nhận định trên, phiên giao dịch sáng cuối tuần 5/7, thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Dòng tiền tham gia hạn chế khiến thanh khoản nhỏ giọt, cùng với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip với nhiều trụ cột đang giao dịch dưới mốc tham chiếu như VNM, VIC, VHM, VCB, MSN..., khiến VN-Index có thời điểm bị đẩy về gần mốc 970 điểm.
Trong khi nhóm cổ phiếu lớn đang giao dịch thiếu tích cực thì cổ phiếu nhỏ SJF tiếp tục là điểm nhấn của thị trường với việc xác lập phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp sau chuỗi ngày giảm sâu. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, SJF đứng tại mức giá 3.730 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường, đạt 2,33 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Mới đây, SJF đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với đối tác Ecoparadise, Nhật Bản, để triển khai các giải pháp chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh. Đồng thời, phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên ở Việt Nam.
Mặc dù thị trường rung lắc khá mạnh nhưng VN-Index đã may mắn có được sắc xanh ở cuối phiên sáng nhờ lực cung được tiết chế.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá phân hóa với 132 mã tăng và 151 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,31 điểm (+0,03%) lên 973,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,16 triệu đơn vị, giá trị 1.661,97 tỷ đồng, giảm 29,9% về lượng và 18,98% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,83 triệu đơn vị, giá trị 194,43 tỷ đồng.
Mặc dù được đánh giá tiếp tục khởi sắc dẫn dắt đà tăng thị trường nhưng nhóm cổ phiếu nhà Vin lại giao dịch không như kỳ vọng, ngoại trừ VRE vẫn giữ được đà tăng khá tốt. Tạm chốt phiên sáng, VRE tăng 2,7% lên mức giá cao nhất 35.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động gần 2,16 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của TVSI, cổ phiếu VRE đang có nhiều chỉ báo ủng hộ cho nhịp tăng còn dài. Trên đồ thị tuần, giải BB đang thắt lại, báo hiệu sắp có sự chuyển trạng thái mạnh mẽ về 1 phía nào đó, nhưng ở bối cảnh hiện tại, phía trên có lẽ là sáng hơn. Ở cả chart Weekly và Daily, VRE vẫn trên MA20. Sự đồng điệu về dấu hiệu kỹ thuật ở cả 2 khung thời gian này làm tăng xác suất tăng lên cao hơn.
Trong khi đó, VIC quay đầu điều chỉnh nhẹ, còn VHM sau phiên bùng nổ hôm qua đã quay ngoắt, trở thành một trong những gánh nặng chính của thị trường khi giảm 1,2% xuống 84.000 đồng/CP, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch không như mong đợi với sự phân hóa nhẹ khi CTG, MBB, VPB, BID nhích nhẹ dưới 1%; còn TCB, HDB đảo chiều giảm nhẹ, VCB, EIB và STB đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu ROS sau phiên hồi phục hôm qua cũng đã quay đầu giảm 1,3% xuống 29.400 đồng/CP, nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt hơn 4,84 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các cổ phiếu khác trong nhóm VN30 cũng biến động nhẹ với mức tăng giảm khá hạn chế chủ yếu chưa tới 1%.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đáng kể, với thông tin sẽ chi gần 235 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 5%, cổ phiếu KBC đã tăng vọt trong phiên sáng nay với biên độ 2,33% lên 15.350 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 2,73 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE.
Ngoài ra, SJF giữ nguyên sắc tím với mức tăng 6,9% lên 3.730 đồng/CP và khớp 2,46 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần 638.950 đơn vị; ITA tăng 2% lên 3.130 đồng/CP, PDR tăng 2% lên 26.400 đồng/CP; FLC, ASM, PVD… cũng chốt phiên trong sắc xanh.
Trên sàn HNX, mặc dù về gần cuối phiên áp lực bán gia tăng ở một số mã bluechip khiến HNX-Index đe dọa mốc tham chiếu, tuy nhiên lực cầu nhanh chóng trở lại đã giúp chỉ số này duy trì sắc xanh trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,27 điểm (+0,25%) lên 104,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 135 tỷ đồng, giảm 11,39% về lượng và 2,96% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 6,37 triệu đơn vị, giá trị hơn 61,7 tỷ đồng.
Một số mã lớn hỗ trợ giúp thị trường bảo toàn đà tăng điểm như ACB tăng 0,3% lên 29.300 đồng/CP, SHB tăng 1,5% lên 6.900 đồng/CP, DBC tăng 0,9% lên 22.000 đồng/CP, SLS tăng 1,3% lên 38.000 đồng/CP…, đáng kể VCS tăng 3,2% lên 68.000 đồng/CP.
Trái lại, CEO giảm 1,9% xuống 10.100 đồng/CP, DGC giảm 1,6% xuống 30.500 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.300 đồng/CP, BVS giảm 2,6% xuống 11.100 đồng/CP…
Đáng chú ý, nhiều mã nhỏ và vừa đã kết phiên trong sắc tím như MBG, DPS, DVN, HVA, HNM, HKB, KSQ…
Trong số hơn 360 mã được niêm yết trên sàn HNX, chỉ có duy nhất SHB có khối lượng khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu, cụ thể là 1,77 triệu đơn vị và là mã thanh khoản tốt nhất thị trường.
Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường đã hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,12%) lên 55,62 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,39 triệu đơn vị, giá trị 67,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 3,8 triệu đơn vị, giá trị 21,88 tỷ đồng. Riêng SDD thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 8,1 tỷ đồng.
Trong khi ACV giảm nhẹ 0,6% xuống 83.500 đồng/CP; BSR, OIL cũng giảm nhẹ, thì GVR, LPB, VEC, VGT, VEA… đang đứng giá tham chiếu.
Một số mã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như VGI tăng 1,5% lên 27.200 đồng/CP, MSR tăng 2,2% lên 18.800 đồng/CP, VTP tăng 0,7% lên 138.600 đồng/CP…
Không có mã nào giao dịch trên 1 triệu đơn vị. AVF là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất khi chuyển nhượng thành công 896.500 đơn vị.