Sau khi lấy lại đà tăng sau 3 tuần liên tiếp, thị trường nhanh chóng quay trở lại trạng thái giảm trong tuần gần cuối tháng 1. Đà giảm không quá sâu và VN-Index vẫn giữ được mốc 900 điểm nhưng giao dịch thị trường khá buồn tẻ. Dòng tiền không mấy nhập cuộc khiến thanh khoản thị trường hạn chế cùng diễn biến các chỉ số giằng co.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, xu hướng thị trường tuần qua khá tương đồng với các năm gần đây vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, những yếu tố ngoại biên trong giai đoạn hiện tại cũng khiến nhà đầu tư mất phương hướng và đang lựa chọn vị thế tạm đứng ngoài thị trường để quan sát.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, về điểm số thì rõ ràng thị trường vẫn ghi nhận sự hồi phục đáng kể lên trên vùng 900 điểm.
“Còn 2 tuần giao dịch trước khi nghỉ lễ sẽ có nhiều yếu tố tích cực hơn, ít nhất là về mặt thanh khoản khi một dòng tiền mua vào tích lũy và chờ cơ hội bức phá sau đó. Đây cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo quý IV, đặc biệt là các ngành ngân hàng, dệt may sẽ tạo tâm lý lạc quan, kỳ vọng tốt hơn về mặt tâm lý”, ông Khanh nhận định.
Mặt khác, ở thị trường quốc tế, thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng giúp chứng khoán châu Âu tăng vọt trong phiên cuối tuần trước, lên mức cao nhất 6 tuần. Điều này đã ảnh hưởng tích cực lên chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 21/1.
Bước vào phiên giao dịch sáng 21/1, mặc dù giao dịch vẫn khá ảm đạm và thị trường diễn biến phân hóa, nhưng thị trường đã hồi phục sắc xanh. Tuy nhiên, biên độ tăng không quá lớn do dòng tiền yếu.
Sự hồi phục của một số mã bluechip là lực đỡ chính giúp thị trường khởi sắc. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhân tố chính.
Hầu hết dòng bank đều giao dịch trong sắc xanh. Đáng kể, MBB sau thông tin báo lãi trước thuế hơn 7.700 tỷ đồng nhờ bội thu từ dịch vụ, đã tăng vọt trong phiên sáng nay. Hiện MBB tăng 3,54% lên 20.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 2,15 triệu đơn vị.
Diễn biến phân hóa khiến VN-Index giằng co quanh mốc 905 điểm trong gần suốt cả phiên sáng. Tuy nhiên, dòng tiền lan tỏa về cuối phiên đã giúp chỉ số này bật cao hơn và chốt phiên tại mức cao nhất.
Chốt phiên, sàn HOSE có 131 mã tăng và 125 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,93 điểm (+0,55%) lên 907,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95,12 triệu đơn vị, giá trị 1.725,26 tỷ đồng, tăng 12,84% về lượng nhưng giảm 30,25% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.
Giao dịch thỏa thuận đạt 37,67 triệu đơn vị, giá trị 727,77 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 23,5 triệu đơn vị, giá trị 329 tỷ đồng; HPX thỏa thuận 4,11 triệu đơn vị, giá trị 110,17 tỷ đồng…
Tương tự, sàn HNX cũng bật cao về cuối phiên. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,75%) lên 102,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 15,77 triệu đơn vị, giá trị 203,77 tỷ đồng, tăng 33,42% về lượng và 48,63% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 10,29 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính của thị trường khi đồng loạt cùng nới rộng biên độ tăng về cuối phiên.
Cụ thể, VCB tăng 1,6% lên 55.700 đồng/CP, CTG tăng 4,7% lên 19.050 đồng/CP, MBB tăng 5,1% lên 20.750 đồng/CP, STB tăng 1,3% lên 11.400 đồng/CP, VPB tăng 2,3% lên 19.700 đồng/CP, BID tăng 1,9% lên 32.300 đồng/CP, TCB tăng 1,3% lên 27.100 đồng/CP.
Đây cũng là nhóm hút mạnh dòng tiền, trong đó MBB vẫn dẫn đầu thanh khoản với 6,28 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp theo là CTG khớp 4,44 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cặp đôi lớn cổ phiếu dầu khí cũng khởi sắc với GAS tăng 1% lên đồng/CP, PLX tăng 0,9% lên 54.900 đồng/CP. Ngoài ra, các mã bluechip khác như SAB, NVL, FPT, HPG… giao dịch trên mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, “ông lớn” VNM lại quay đầu sau phiên khởi sắc cuối tuần trước, với mức giảm 0,8% xuống 132.900 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu dệt may trở lại khá tốt với TCM ngấp nghé giá trần, tạm đứng tại mức 26.000 đồng/CP, tăng 6,8%; GMC tăng 3,2% lên 38.800 đồng/CP, GIC và EVE cùng tăng 0,6%...
Trên HNX, SHB tăng 1,4% lên 7.100 đồng/CP, ACB cũng khởi sắc sau phiên giảm cuối tuần trước với cùng mức tăng 1,4% lên 29.000 đồng/CP.
Một số mã lớn cũng góp sức kéo thị trường lên như PVS tăng 2,3% lên 18.100 đồng/CP, VGC tăng 0,9% lên 19.300 đồng/CP, VCG tăng gần 1% lên 22.200 đồng/CP, CEO tăng 2,3% lên 13.300 đồng/CP, PGS tăng 1,5% lên 33.900 đồng/CP, VCS tăng 1,1% lên 63.200 đồng/CP…
Có 4 mã có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị gồm VGC với 1,82 triệu đơn vị, SHB với 1,6 triệu đơn vị, PVS với 1,57 triệu đơn vị, MPT với 1,19 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, trái với diễn biến trên 2 sàn niêm yết, thị trường đăng ký giao dịch thiếu tích cực khi lực bán vẫn chiếm ưu thế khiến sắc đỏ bao trùm suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,36%) xuống 53,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 107 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ hơn 8 tỷ đồng.
Thông tin đột ngột báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018 tiếp tục khiến BSR giảm sâu. Hiện BSR giảm 9% xuống 12.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất trên UPCoM, đạt 3,64 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VGT với khối lượng giao dịch đạt 420.800 đơn vị, chốt phiên cổ phiếu này cũng phần tích cực trong nhóm dệt may với mức tăng 2,65% lên 11.600 đồng/CP.