Sau phiên hồi phục vào đầu tuần, thị trường đã liên tiếp quay đầu điều chỉnh và chính thức chia tay ngưỡng kháng cự 900 điểm trong phiên hôm qua (ngày 15/11). Với việc xuyên thủng vùng hỗ trợ này khiến một số công ty chứng khoán lo ngại diễn biến thị trường nhiều khả năng sẽ có sự chuyển biến xấu hơn trong ngắn hạn.
Bên cạnh chỉ số thị trường giảm, dòng tiền tham gia vẫn chưa mấy tích cực khiến thanh khoản khá thấp. Trong đó, cùng với sự suy giảm của giao dịch nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng liên tiếp bán ròng, đáng kể trong phiên hôm qua bán ròng tới hơn 500 tỷ đồng. Điều này sẽ tác động tới tâm lý chung của thị trường.
Theo dự báo của SHS, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể sẽ tiếp tục test lại vùng đáy cũ trong khoảng 880-990 điểm và có thể bật lên từ vùng giá này. Tuy nhiên, vì đây chỉ là nhịp hồi trong một xu hướng giảm nên chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục canh những nhịp hồi phục trong phiên để bán giảm tỷ trọng.
Bước vào phiên sáng cuối tuần 16/11, dù giao dịch vẫn khá ảm đạm, dòng tiền chưa mấy nhập cuộc nhưng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip đã trở thành điểm tựa giúp thị trường hồi phục và chỉ số VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc 900 điểm.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu dầu khí. Chịu tác động tích cực từ việc giá dầu thô hồi phục trở lại sau chuỗi giảm 12 phiên liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất lịch sử, sau khi OPEC và đối tác của mình cho biết, sẽ thảo luận để cắt giảm sản lượng 1,4 triệu thùng/ngày, mức nhiều hơn so với thỏa thuận hiện hành. Hầu hết các cổ phiếu dầu khí GAS, PLX, PVD tăng khá tốt.
Tuy nhiên, lực cầu khá yếu khiến độ rộng thị trường chưa đủ để giúp nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng tăng của thị trường. Sau diễn biến giằng co không thành tại ngưỡng kháng cự 900 điểm, thị trường đã quay đầu đi xuống, thủng mốc tham chiếu.
Ngay khi lùi về dưới ngưỡng 895 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường đảo chiều bật cao. Mặc dù sắc xanh được bảo toàn trong phiên sáng cuối tuần nhưng một lần nữa VN-Index lại thất bại trong việc dành lại mốc 900 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 149 mã tăng và 98 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 2,48 điểm (+0,28%) lên 899,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,79 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 1.817 tỷ đồng, tăng 32,85% về lượng và 9,33% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 12,52 triệu đơn vị, giá trị 361,79 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng sàn HNX nhanh chóng đảo chiều tăng và nới rộng biên độ về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 45 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 1,65 điểm (+1,64%) lên 102,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,98 triệu đơn vị, giá trị 250,45 tỷ đông, tăng 5,59% về lượng và 21,23% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể với 2,44 tỷ đồng.
Dòng bank giao dịch khá khởi sắc, ngoại trừ VCB lình xình và đứng giá tham chiếu. Cụ thể, BID tăng 3,5% lên 32.100 đồng/CP, TCB tăng 3,4% lên 26.100 đồng/CP, CTG tăng 2,1% lên 21.700 đồng/CP, MBB tăng 3,2% lên 21.100 đồng/CP, VPB tăng 4,7% lên 19.900 đồng/CP, STB tăng 0,8% lên 12.100 đồng/CP.
Đặc biệt, sau thông tin Tổng giám đốc đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu, HDB đã có phiên khởi sắc tăng lên mức trần 29.950 đồng/CP sau 5 phiên giảm liên tiếp. Thanh khoản của HDB cũng được cải thiện đáng kể với 2,31 triệu cổ phiếu được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn nửa triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục nới rộng biên độ tăng như GAS tăng 3,2% lên mức cao 93.300 đồng/CP, PLX tăng 2% lên 56.100 đồng/CP, PVD tăng 3,2% lên 16.150 đồng/CP…
Ngoài ra, nhiều mã bluechip khác cũng giao dịch khởi sắc như MSN tăng 1,1% lên 80.300 đồng/CP, HPG tăng 0,9% lên 35.300 đồng/CP, MWG tăng 2,1% lên 109.200 đồng/CP, SAB tăng nhẹ 0,1% lên 245.200 đồng/CP…
Trái lại, bộ 3 họ Vingroup giao dịch thiếu tích cực, cụ thể VIC giảm nhẹ 0,8% xuống 91.000 đồng/CP, VRE giảm 0,8% xuống 30.150 đồng/CP, đáng kể VHM giảm 5,2% xuống 71.600 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC đã lấy lại thăng bằng sau 2 phiên giảm khi chốt phiên tại mốc tham chiếu 5.220 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 11,44 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi Hoàng Anh Gia Lai trở lại sắc đỏ sau phiên hồi phục hôm qua. Cụ thể, HNG giảm 1,5% xuống 16.350 đồng/CP và khớp 8,93 triệu đơn vị; còn HAG giảm 0,2% xuống 5.480 đồng/CP và khớp 2,5 triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu vua cũng khởi sắc với ACB tăng 2,9% lên 28.300 đồng/CP, SHB tăng 2,8% lên 7.400 đồng/CP, NVB tăng 1% lên 10.100 đồng.
Hay họ P với PVS tăng 3,8% lên 19.100 đồng/CP, PVI tăng 1% lên 31.800 đồng/CP, PVB tăng 2,9% lên 18.000 đồng/CP, PVC tăng 1,61% lên 6.200 đồng/CP, PVV và PVX cùng tăng trần…
Các mã lớn khác cũng giao dịch khá tích cực như VCG tăng 5,8% lên 18.200 đồng/CP, VCS tăng 0,8% lên 73.400 đồng/CP, VGC tăng 1,3% lên 15.600 đồng/CP, NTP tăng 1,6% lên 44.500 đồng/CP…
Trên sàn UPCoM, đà tăng được duy trì khá tốt và cũng được kéo lên cao về cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (+1,1%) lên 51,82 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 129,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,63 triệu đơn vị, giá trị 36,94 tỷ đồng, trong đó PRT thỏa thuận 2,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 31 tỷ đồng.
POW là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn UPCoM với 1,56 triệu đơn vị được giao dịch và đóng cửa tại mức 14.300 đồng/Cp, tăng 6,72%.
Tiếp theo đó, các mã lớn QNS, VEA, VGT, OIL cũng đều khởi sắc và có khối lượng giao dịch trên nửa triệu đơn vị.