Sau phiên tăng khá mạnh ngày 5/4 và cũng là phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 3, thị trường tiếp tục duy trì sự hưng phấn khi bước vào phiên giao dịch sáng nay 6/4, khiến sắc xanh đã xuất hiện trên diện rộng ngay khi mở cửa.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,62 điểm (+0,29%) lên 561,94 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 5,79 triệu đơn vị, giá trị 46,99 tỷ đồng.
Cũng giống như phiên trước, động lực chính giúp thị trường tăng điểm vẫn là nhóm cổ phiếu bluechips. Nhiều mã lớn như VCB, MSN, KDC, FPT, BVH, HSG, HPG… đều tăng điểm từ sớm. Bởi vậy, đà tăng dần được nới rộng khi nhóm cổ phiếu cổ phiếu này gia tăng điểm số.
BVH và MSN cùng tăng 1.000 đồng. VCB, HSG, FPT tăng từ 300-400 đồng…
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí lại đang gây chú ý, trong đó tâm điểm vẫn là GAS. Ngay khi mở cửa, GAS đã tăng mạnh và hiện vẫn đang duy trì vững đà tăng với mức tăng 1.700 đồng lên 42.700 đồng/CP. Phiên hôm qua, GAS cũng đã gây bất ngờ với sự đảo chiều ngoạn mục, từ chỗ giảm điểm trong phiên sáng, đóng cửa lại tăng tới 9 bước giá. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong 9 phiên giao dịch gần nhất của GAS.
Ngoài ra, các mã dầu khí lớn khác như PVT, PVD, PVS, PVC, PGS, PVB… cũng đều tăng điểm khá ổn định. Đà tăng của nhóm dầu khí cũng chính là lực đỡ chính của chỉ số HNX-Index.
Chính nhờ trụ GAS tăng tốt, nên đà tăng chung của nhóm bluechips được duy trì, qua đó củng cố lực đẩy chính của thị trường, cho dù các trụ mạnh khác là VIC, VNM đang khá lình xình.
VIC chưa thể vượt qua mốc tham chiếu 47.100 đồng/CP sau gần 1 giờ giao dịch, có lẽ phần lớn đến từ sức ép của khối ngoại. Phiên hôm qua, trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với hơn 611 tỷ đồng, trong đó VIC là một trong các mã bị xả mạnh nhất.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc xanh cũng xuất hiện khá rộng, nhất là tại các mã có tính đầu cơ cao như HHS, FLC, VHG, BGM, SHN, ITQ, HKB, KVC, TIG…
Mặc dù vậy, do thị trường duy trì tâm lý thận trọng nên giao dịch diễn ra chậm, thanh khoản yếu. Toàn thị trường chưa đầy chục mã đạt mức khớp lệnh 1 triệu đơn vị.
Dần về cuối phiên, thị trường đã gặp thử thách và chịu rung lắc khá mạnh khi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, nhờ nhóm cổ phiếu dầu khí tương đối ổn định nên các chỉ số vẫn duy trì được sắc xanh.
Tâm lý thận trọng được duy trì khiến thanh khoản thị trường vẫn khá là èo uột. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn khi khép phiên sáng chưa đầy 1.100 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 2,61 điểm (+0,47%) lên 562,93 điểm với 114 mã tăng 83 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,35 điểm (+0,24%) lên 571,78 điểm với 15 mã tăng 5 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,99 triệu đơn vị, giá trị 829,91 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ là 1,27 triệu đơn vị, giá trị 54,44 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,21%) lên 79,05 điểm với 70 mã tăng và 89 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,47 điểm (+0,34%) lên 140,24 điểm với 10 mã tăng và 8 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,28 triệu đơn vị, giá trị 258,26 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ là 8,78 tỷ đồng.
Áp lực bán gia tăng khiến một loạt các mã lớn yếu đà. Các mã trụ như VIC, MSN lùi về tham chiếu. VNM giảm 1.000 đồng về 136.000 đồng/CP.
Nhiều bluechips khác như BVH, REE, PVT, EIB, DPM, ACB, BVS, DBC, LAS, PVB, VND… cũng đã giảm điểm nhẹ hoặc đứng mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, nhiều mã lớn khác như VCB, BID, NT2, KDC, FPT, HSG, HPG, NTP, AAA, CEO, SCR… vẫn giữ được sắc xanh đễ hỗ trợ các chỉ số. NTP tăng 1.500 đồng, KDC tăng 600 đồng, NT2 và HPG cùng tăng 300 đồng…
Cùng với đó, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ tốt từ nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong đó, đáng chú ý vẫn là diễn biến của “đầu kéo” GAS. Có thời điểm, GAS “chỉ còn” tăng 800 đồng, trước khi tăng mạnh trở lại 1.500 đồng vào cuối phiên.
Ngoài ra, các mã như PVD, PVS, PVC, PGS cũng đều có mức tăng tốt từ 300-500 đồng.
Với các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như nhóm bluechips hay dầu khí, thị trường đảm bảo về mặt điểm số. Song về mặt thanh khoản thì phiên sáng nay chưa có dấu hiệu tích cực. Tâm lý thận trọng khiến giao dịch thị trường trở nên nặng nề. Áp lực bán tuy không mạnh, song rõ ràng là sức cầu là kém tích cực.
Giao dịch chỉ tập trung tại một số mã thị trường là FLC, FIT, TSC, HAI, HAR, HHS, VHG, SCR, KLS… nhưng thanh khoản cũng không quá cao.
HAI khớp lệnh mạnh nhất HOSE chỉ với 2,84 triệu đơn vị, giảm 200 đồng về 5.800 đồng/CP. Còn KLS dẫn đầu HNX với 2,08 triệu đơn vị khớp lệnh và đứng giá tham chiếu 8.800 đồng/CP.
ATA gây chú ý khi tăng trần từ sớm lên 4.700 đồng/CP và khớp tới hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã khoáng sản nhỏ cũng tăng trần là BGM, KSH, ACM, BAM, KHL, trong đó ACM khớp hơn 1 triệu đơn vị.