Phí quản lý của các quỹ hỗ tương và các quỹ đầu tư chỉ số tiếp tục giảm. Phí giao dịch bằng 0, tùy thuộc vào bạn giao dịch ở đâu. Thậm chí các quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund) cũng đã bắt đầu giảm mức phí vốn nổi tiếng cao của họ trước đây.
Thành trì cuối cùng trong cuộc đua giảm phí kể trên là các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư truyền thống. Thế nhưng rút cuộc thì các công ty này cũng đã bắt đầu phải thay đổi.
Công nghệ đang giúp định hình lại ngành dịch vụ quản lý tài sản cá nhân, giúp giảm phí tư vấn và tạo sức ép lên những mô hình thu phí truyền thống. Cùng với đó, sự chuyển giao tài sản đang diễn ra ở qui mô lớn từ thế hệ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số (baby boomer - từ sau chiến tranh Thế giới thứ II cho tới những năm 1960) sang con cái của họ đồng nghĩa với việc những người thừa kế phải đánh giá lại mối quan hệ tài chính của họ và đưa các nhà tư vấn quản lý tài sản vào thế bất lợi.
Kết quả là một số tập đoàn lớn, chẳng hạn như Morgan Stanley, đã bắt đầu cắt giảm phí tư vấn. Thậm chí một số tên tuổi lớn còn đưa vào hoạt động hệ thống tư vấn tự động có tên gọi là robot tư vấn (robo adviser).
Các robo adviser này đưa ra những tư vấn ở dạng đơn giản cho nhà đầu tư ở mức phí đặc biệt thấp. Vanguard Group (một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực robo advisor - ND) thu phí quản lý tài sản thường niên ở mức chỉ 0,3% giá trị tài sản quản lý khi khách hàng sử dụng dịch vụ robo advisor, trong khi Charle Schwab Corp cũng là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực này thậm chí còn không thu phí quản lý.
Jay Shah, Giám đốc điều hành của Personal Capital, đưa lời khuyên: “Phí quản lý giờ đây phải ở mức dưới 1%”.
Đây là một thay đổi cực kỳ lớn. Theo kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn Cerulli Associates có trụ sở ở Boston (Mỹ), hiện nay các nhà đầu tư có tổng tài sản từ 1,5 triệu USD trở xuống đang phải trả mức phí quản lý 1-1,5%/năm cho dịch vụ quản lý tài sản được cung cấp bởi chuyên gia tư vấn.
Có hai lý do chính làm cho việc giảm phí này diễn ra một cách chậm chạp, đó là sự thiếu thông tin và sự phân mảnh của thị trường này. Không có một biểu phí thống nhất được áp dụng tại từng công ty quản lý tài sản hoặc từ từng nhà tư vấn tài chính trong cùng một công ty. Các chuyên gia tư vấn áp dụng mức phí khác nhau đối với từng khách hàng.
“Khách hàng không biết họ phải trả tiền cho cái gì”, Danise Valentine - một chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Aite Group cho biết.
Về mặt lý thuyết, không ai dám khẳng định rằng phí dịch vụ tư vấn quản lý tài sản sẽ về mức 0 trong một sớm một chiều. Sẽ có nhiều nhà đầu tư luôn trả tiền cho dịch vụ này bởi họ nghĩ điều đó đáng làm.
Lại có những nhà đầu tư khác đánh giá cao mối quan hệ tương tác với chuyên gia tư vấn, do vậy họ chấp nhận trả mức phí cao hơn một chút so với phí sử dụng dịch vụ robo advisor hay tự mình quản lý tài sản của mình.
Nhưng “đang xuất hiện một thay đổi căn bản, đó là xu hướng phí quản lý thấp”, Devin Ryan, chuyên viên môi giới tại JMP Securities LLC, cho biết.
Dưới đây là những yếu tố giúp giảm phí tư vấn.
Công nghệ cung cấp thêm nhiều lựa chọn
Robo advisor hay các công cụ số hóa giúp các chuyên gia tư vấn làm việc hiệu quả hơn, đó là những công nghệ sẽ còn tiếp tục làm thay đổi cách thức vận hành của ngành công nghiệp quản lý tài sản cá nhân.
Cách thức tư vấn truyền thống sử dụng con người vẫn sẽ thịnh hành nhưng robo advisor đang từng bước xâm lấn thị phần. Cerulli Associates dự báo rằng, dịch vụ robo advisor quản lý tổng tài sản có giá trị hơn 200 tỷ USD ở thời điểm cuối năm 2017, trong khi 1 năm trước đó con số này chỉ là 80 tỷ USD.
Giá trị tài sản dưới sự quản lý của robo advisor sẽ tăng lên 600 tỷ USD vào năm 2022, chưa thấm vào đâu so với tổng tài sản quản lý có giá trị lên tới 23,3 ngàn tỷ USD của các công ty môi giới quản lý truyền thống.
Kết quả là, thậm chí những tên tuổi lớn nhất trong ngành quản lý tài sản đang chịu sức ép phải hiện đại hóa hoạt động của mình bằng những phương án có chi phí thấp hơn để giữ được sức cạnh tranh.
Các công ty tài chính cũng đang nghiên cứu áp dụng công nghệ vào hoạt động của mình. Đặc biệt, Morgan Stanley đã đầu tư vào các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp các nhân viên môi giới của mình làm việc hiệu quả hơn bằng cách giải phóng họ khỏi một số công việc hàng ngày nhất định, chẳng hạn như tự động hóa việc giao tiếp với khách hàng vào những phiên giao dịch có biến động mạnh.
Ý tưởng ở đây là thông qua việc nâng cao hiệu suất, các công ty và chuyên gia tư vấn có thể bù đắp cho việc giảm phí bằng việc tăng số lượng tài khoản giao dịch.
“Soi” kỹ hơn cha mẹ
“Trong quá khứ dịch vụ tư vấn đầu tư dựa trên mối quan hệ và mức phí thường thiếu minh bạch”, ông Ryan của JMP Securities nói.
Ông này cho rằng điều này sẽ thay đổi khi con cái của thế hệ baby boomer nhận thừa kế tài sản từ cha mẹ mình. Theo ước tính của vị này, giá trị của khối tài sản này lên tới 30.000 tỷ USD.
“Khi người thừa kế nhận tài sản thừa kế họ sẽ xem xét lại mối quan hệ với chuyên gia tư vấn của cha mẹ họ”, Ryan nói. Các nhà đầu tư trẻ thường ưa thích sự tiện dụng của dịch vụ tư vấn số hơn là dịch vụ sử dụng con người. Thực tế này sẽ buộc một số công ty phải cắt giảm phí tư vấn để duy trì sức cạnh tranh. “Thế hệ millenial (những người sinh trong khoảng thời gian 1980 tới năm 2000 - ND) ngày càng hỏi nhiều hơn câu hỏi: “Ông/bà đang làm gì cho tôi”, bà Valentine cho hay.
Theo ông Tom Halloran, trưởng bộ phận tư vấn tài chính tại Voya Financial Advisors của công ty Voya Financial Inc, khoảng 2.100 chuyên viên tư vấn của công ty đang thu phí quản lý ở mức 1,5% giá trị tài sản quản lý. Tuy nhiên, ông này cho biết một số tư vấn viên đã bắt đầu thu mức phí 0,9% để duy trì sức cạnh tranh và giữ khách hàng ở lại với công ty mình.
Hồi cuối năm ngoái khi Morgan Stanley đưa vào sử dụng dịch vụ robo advisor với mức phí hàng năm là 0,35%, ban điều hành của công ty này lý giải rằng động thái này là để thu hút thêm các khách hàng mới trẻ tuổi. Nhiều người trong số khách hàng mới dường như là con cái của các khách hàng hiện tại. Đồng thời, Morgan Stanley cũng đã hạ mức giá trần đối với dịch vụ tư vấn do con người cung cấp từ mức 2,5% xuống còn 2%.
Đòi hỏi từ khách hàng
Để lý giải cho việc thu mức phí quản lý tài sản 1% hoặc cao hơn thế, nhiều chuyên gia tư vấn nói với khách hàng họ có khả năng cung cấp những tư vấn về tài chính khác ngoài chuyện phân bổ danh mục đầu tư.
Một số nói họ có thể giúp khách hàng giải quyết câu chuyện về thuế, về kinh doanh, kế hoạch nghỉ hưu hay kế hoạch học tập cho con cái họ cũng như những dịch vụ chuyên biệt khác. Chẳng hạn như các chuyên gia tư vấn tại Voya đang được huấn luyện để làm việc với những khách hàng có con cái có nhu cầu đặc biệt.
“Tuy nhiên nhiều chuyên gia tư vấn cảnh báo rằng, nhà đầu tư vẫn muốn các chuyên gia tư vấn cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ, để khách hàng trả tiền cho những gì họ muốn và không trả những gì mà họ không muốn”, bà Valentine cho hay.
“Tóm lại, trong tương lai, các chuyên gia tư vấn sẽ phải chứng minh được giá trị và đưa ra được lý do chính đáng cho việc thu phí của khách hàng”, bà Valentine kết luận.