Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển tín dụng xanh
Từ những tác động của quá trình công nghiệp hóa dẫn đến việc đối mặt với hàng loạt vấn đề về bảo vệ môi trường, các quốc gia phát triển đã xây dựng các chính sách tài chính xanh và đổi mới các sản phẩm tài chính để chuyển dịch nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Trên thực tế, các sản phẩm tài chính xanh (như tín dụng xanh, các quỹ xanh và trái phiếu xanh…) ở các quốc gia châu Âu đã giúp tiết kiệm ngân sách, ước tính đến năm 2020 sẽ đạt 200 tỷ euro/năm.
Tín dụng xanh là một bộ phận cấu thành tài chính xanh, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và xã hội.
Ðể thực hiện chương trình tín dụng xanh, các ngân hàng phải đối diện với những thách thức về việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư và người gửi tiền, mà vẫn phải đảm bảo tuân thủ các yếu tố về bảo vệ môi trường và xã hội.
Ông Tạ Quang Ðôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước.
Nhằm hỗ trợ ngân hàng trong việc thực hiện chính sách tín dụng xanh, các quốc gia thuộc khối G20 đã sử dụng đa dạng cách tiếp cận và chính sách ở các cấp độ khác nhau, đồng thời xây dựng các khuôn khổ chính sách khuyến khích cung - cầu tín dụng xanh và các sản phẩm tiết kiệm xanh.
Cụ thể, một số quốc gia thuộc khối G20 thông qua các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, hoặc ngân hàng có hậu thuẫn từ chính phủ, hay các ngân hàng phát triển quốc gia để cấp tín dụng cho các dự án tái tạo năng lượng và sử dụng năng lượng sạch.
Một số quốc gia khác thuộc khối G20 đã tuyên bố sử dụng biện pháp hạn chế các khoản trợ cấp về thuế và trợ cấp của chính phủ, cũng như các biện pháp khác về thuế đối với khoản tín dụng hỗ trợ các hoạt động kinh tế không bền vững.
Trong khi đó, một số quốc gia còn lại bắt đầu sử dụng các công cụ pháp luật ngân hàng để hỗ trợ việc chuyển dịch sang nền kinh tế bền vững hơn. Một số biện pháp nhằm góp phần thúc đẩy việc mở rộng hoạt động tín dụng xanh ở một số quốc gia trên thế giới áp dụng như:
Yêu cầu tăng cường trách nhiệm công bố thông tin:
Việc thiếu thông tin liên quan đến môi trường trong các dự án của khách hàng vay sẽ hạn chế khả năng của ngân hàng trong việc đánh giá các rủi ro môi trường của các dự án đề nghị vay vốn, dẫn đến những quyết định cấp tín dụng không phù hợp với mục tiêu chung về bảo vệ môi trường.
Các quốc gia G20 cũng yêu cầu tổ chức tài chính công bố thông tin về môi trường và xã hội. Thậm chí ở một số nước, việc công bố thông tin về môi trường và xã hội của các tổ chức tài chính được yêu cầu phải thể hiện tại báo cáo tài chính năm nhằm tăng cường kỷ luật thị trường, khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch nguồn vốn sang các dự án, lĩnh vực bền vững hơn.
Tăng cường quy định về quản trị rủi ro:
Quản lý rủi ro tại ngân hàng là tuyến phòng thủ đầu tiên để xử lý các rủi ro đối với hệ thống tài chính. Theo trụ cột 2 của Basel III, các ngân hàng được yêu cầu nhận diện các rủi ro tác động đến sự tồn tại của ngân hàng (material risks) và mô tả biện pháp quản lý rủi ro tại ngân hàng nhằm xử lý các rủi ro đó.
Tại Brazil, Hiệp hội ngân hàng Brazil đã thông qua các bộ nguyên tắc dựa trên khuyến nghị tại trụ cột 2 của Basel III để tăng cường việc đánh giá của ngân hàng đối với các rủi ro môi trường.
Theo đó, các ngân hàng phải kết hợp các yếu tố kinh tế - xã hội vào khuôn khổ quản trị rủi ro. Ðể làm được việc đó, mỗi ngân hàng cần phải xây dựng bản đánh giá về rủi ro môi trường trên nguyên tắc về tỷ lệ rủi ro và mức độ liên quan giữa các khoản cấp tín dụng và các rủi ro tác động đến môi trường.
Một số quốc gia như Pháp, Nga cũng đã ban hành khuyến nghị đối với các công ty niêm yết và tổ chức tài chính về việc xác định rủi ro môi trường trong hoạt động của mình, cũng như khả năng ứng phó của tổ chức tài chính khi phát sinh các rủi ro môi trường và xã hội.
Ngoài ra, việc tăng cường cơ chế quản trị doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi các rủi ro có tác động xấu đến môi trường và xã hội, cũng như đe dọa sự bền vững của lĩnh vực ngân hàng.
Năm 2015, Ủy ban Basel đã rà soát văn bản hướng dẫn quản trị doanh nghiệp. Theo đó, một số yếu tố quan trọng đã được đưa ra xem xét, bao gồm quản lý các vấn đề xã hội và môi trường.
Văn bản hướng dẫn đã đặt các nguyên tắc cho ngân hàng trong việc kết hợp mục tiêu phát triển môi trường bền vững vào các chiến lược quản lý và khuôn khổ quản trị rủi ro của ngân hàng.
Rủi ro môi trường có thể đến từ việc ngân hàng bị liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi cấp tín dụng cho khách hàng gây tác động xấu trực tiếp đến môi trường từ nguồn vốn vay.
Từ năm 1980, Hoa Kỳ đã thông qua Luật CERCLA. Theo đó, các ngân hàng phải chịu ràng buộc trách nhiệm đối với việc ô nhiễm môi trường do khách hàng của mình gây ra, cũng như chi phí để khắc phục tình trạng môi trường.
CERCLA quy định rằng, tổ chức cho vay phải chịu trách nhiệm một phần nếu tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung ứng sản phẩm của khách hàng vay và các hoạt động đó là nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, tổ chức cho vay còn bị “hồi tố” đối với việc xử lý các hành vi có liên quan.
Vào năm 1986, Ngân hàng Maryland và Công ty Tín thác đã bị Văn phòng Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ buộc tội vì nắm giữ các tài sản gây ô nhiễm môi trường được chuyển giao bởi khách hàng vay và từ chối đề nghị của cơ quan này nhằm làm sạch môi trường.
Ngân hàng sau đó đã thua kiện và tòa án đã yêu cầu ngân hàng phải thanh toán cho Văn phòng Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ các chi phí làm sạch môi trường. Từ ngày Luật CERCLA được thông qua, tại Hoa Kỳ đã có hàng trăm trường hợp tương tự phải bồi hoàn.
Nguyên tắc Xích đạo:
Tháng 6/2013, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố Bộ Các nguyên tắc Xích đạo, ban đầu được thực hiện bởi 10 ngân hàng quốc tế hàng đầu thế giới ở 7 quốc gia khác nhau. Bộ các nguyên tắc này yêu cầu các tổ chức tài chính phải đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án đề xuất cấp tín dụng và chỉ tài trợ các dự án chứng minh được sự tuân thủ với các chuẩn mực môi trường và xã hội.
Bộ các nguyên tắc Xích đạo bao gồm 10 nguyên tắc thành phần, bao gồm: Xem xét và phân loại; đánh giá môi trường và xã hội; các tiêu chuẩn môi trường và xã hội thích hợp; hệ thống quản lý môi trường, xã hội và kế hoạch hành động; sự tham gia của các bên liên quan; cơ chế khiếu nại; đánh giá độc lập; các thỏa ước; giám sát và báo cáo độc lập; báo cáo và tính minh bạch.
Ðể ra các quyết định cấp tín dụng, tổ chức tài chính cần có một quy trình về quản lý môi trường nhằm sàng lọc các rủi ro môi trường, đánh giá tác động môi trường và kiểm soát các cam kết, thỏa thuận về môi trường, kể cả sau khi quyết định cấp tín dụng đã được phê duyệt và tiếp tục giám sát, báo cáo các rủi ro môi trường từ hoạt động của dự án.
Cơ cấu lại sản phẩm ngân hàng và ưu đãi đối với sản phẩm tín dụng xanh:
Việc đổi mới các sản phẩm tài chính sử dụng công nghệ với nhiều tính năng vượt trội và ưu đãi sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia gửi tiền, giúp vốn huy động được tăng trưởng và có thể được sử dụng để hỗ trợ các dự án kinh tế bền vững hơn.
Ngân hàng Landesbank Baden - Wurttemberg (LBBW) của Ðức đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng thân thiện với môi trường. PolygoCard của LBBW là một sản phẩm kết hợp các dịch vụ di chuyển trong vùng với dịch vụ thanh toán.
Ðây là một thẻ thông minh kết hợp với thẻ ghi nợ Mastercard, cho phép người dùng thuê ô tô, xe đạp điện, sử dụng phương tiện công cộng, sử dụng các ứng dụng chia sẻ ô tô, xe đạp và thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ.
Với PolygoCard, người dùng có thể tiếp cận các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường một cách dễ dàng, tiện lợi, nhưng không làm mất đi bản chất ban đầu của một thẻ thanh toán.
Ðối với các sản phẩm tín dụng, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài, đặc biệt là của các quốc gia phương Tây, đã nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ trên cơ sở chính sách hỗ trợ về thuế và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi.
Ðây đều là các chính sách nhằm khuyến khích việc ưu tiên vốn cho các lĩnh vực, ngành nghề xanh, mà không gây ra tác động tiêu cực như đối với hình thức trợ cấp trực tiếp cho một vài ngành nghề then chốt nhất định.
Xem xét các yếu tố rủi ro xã hội và môi trường khi chấm điểm tín dụng:
Ðiểm tín dụng của khách hàng phản ánh một cách tương đối về khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng đó. Tổ chức cho vay căn cứ điểm tín dụng và các yếu tố khác kèm theo hồ sơ xin cấp tín dụng để quyết định cho khách hàng vay. Ðến nay, nhiều tổ chức chấm điểm tín dụng đã xem xét các yếu tố môi trường khi đánh giá, xác định điểm tín dụng của doanh nghiệp.
Ðối với hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ của một ngân hàng như Ngân hàng Barclays, bộ phận cấp tín dụng, bộ phận chấm điểm tín dụng sẽ làm việc với nhóm quản lý rủi ro xã hội và môi trường trước khi ra quyết định cấp tín dụng.
Ðối với điểm tín dụng của các doanh nghiệp, Standard&Poor’s cũng đã yêu cầu đánh giá các tiêu chí ESG (quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp) khi xác định điểm tín dụng, đặc biệt tập trung vào các yếu tố như sự nóng lên toàn cầu, phát thải carbon, năng lượng sạch và hợp nhất các yếu tố này với các đánh giá hiện hành về quản lý và quản trị tín dụng.
Thực trạng pháp luật Việt Nam về tín dụng xanh và khuyến nghị
Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 403/QÐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Cùng với đó, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và phối hợp với IFC xây dựng Bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tính đến nay, liên quan đến yếu tố bảo vệ môi trường, NHNN đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Thông tư số 27/2015/TT-NHNN ngày 15/12/2015 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NÐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 (Thông tư 27/2015) và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39/2016).
Ðối với chính sách ưu đãi tại Thông tư 27/2015, Thống đốc NHNN đã quy định việc cấp tín dụng được thực hiện bởi 2 ngân hàng là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đối với các dự án được thực hiện bởi các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định.
Ðối với dự án trồng rừng, khách hàng được vay với hạn mức vay tối đa là 15 triệu đồng/ha; thời hạn cho vay từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng, nhưng không quá 20 năm, lãi suất áp dụng 1,2%/năm.
Ðối với chính sách cấp tín dụng nói chung, theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 4 - Thông tư 39/2016, hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng, phù hợp với quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ðể các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ hiệu quả hơn nữa công tác phát triển tín dụng xanh, chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận về mặt pháp lý cần làm rõ thêm các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục yêu cầu các TCTD thực hiện đánh giá yếu tố môi trường và xã hội khi thẩm định tín dụng:
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 39/2016, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thẩm định đề nghị cấp tín dụng trên cơ sở hồ sơ do khách hàng cung cấp, bao gồm giấy tờ tùy thân, hồ sơ chứng minh mục đích vay vốn và phương án sử dụng vốn…
Tuy nhiên, các yếu tố tác động môi trường và xã hội chưa được coi là các nội dung bắt buộc phải đánh giá trong quá trình thẩm định đề nghị cấp tín dụng.
Do vậy, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016, các quy định tại Nguyên tắc Xích đạo và quy trình chung về quản lý môi trường trong cấp tín dụng do IFC thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới xây dựng cũng cần được nghiên cứu, xem xét để quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Thứ hai, yêu cầu khách hàng đề nghị cấp tín dụng phải cung cấp các thông tin liên quan đến tác động của dự án đối với môi trường và xã hội:
Việc thiếu thông tin về dự án cũng là một cản trở cho việc điều chuyển vốn tín dụng ngân hàng sang các ngành nghề, lĩnh vực thân thiện với môi trường. Do vậy, yêu cầu khách hàng vay phải cung cấp trung thực thông tin về các tác động của dự án của mình đối với môi trường và xã hội cần phải được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, quy định tại Thông tư 39/2016 cần được tiếp tục nghiên cứu theo hướng khách hàng phải thực hiện trách nhiệm cung cấp các báo cáo đánh giá tác động môi trường - xã hội và phải có những kiểm định độc lập từ bên thứ ba để làm cơ sở đánh giá một cách chính xác và toàn diện tác động của dự án đối với môi trường - xã hội.
Thứ ba, tăng cường trao đổi hoặc tích hợp thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực môi trường và xã hội với hệ thống thông tin tín dụng do NHNN quản lý:
Hiện nay, trong quá trình thẩm định tín dụng, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kết hợp với thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia và các kênh thông tin khác để quyết định cho vay.
Tuy nhiên, khi các yếu tố tác động đến môi trường và xã hội được coi là một yếu tố cần được xem xét trong quá trình thẩm định tín dụng thì các TCTD, chi nhánh ngân hàng cần có đầy đủ thông tin về lịch sử của khách hàng vay, bao gồm số lần vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như ý thức của khách hàng vay trong thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Do vậy, trên cơ sở quy định tại Nghị định số 20/2016/NÐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia trong xử lý vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và cho phép NHNN khai thác, chuyển thông tin có liên quan tới Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia làm cơ sở dữ liệu để các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá trong quá trình thẩm định tín dụng.
Việc này vừa giúp các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế cấp tín dụng cho các chủ đầu tư có “lịch sử” tác động xấu đến môi trường, vừa giúp nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, tránh trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tại ngân hàng.
Thứ tư, nghiên cứu bổ sung các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của khách hàng vay:
Hiện tại, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, cũng như xử lý trách nhiệm hình sự chủ yếu tiếp cận theo hướng xử phạt đối tượng trực tiếp có hành vi vi phạm và các đối tượng tiếp sức trực tiếp, nhưng chưa đề cập đến trường hợp các TCTD cấp nguồn tài chính cho các dự án trong quá trình triển khai có những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì vậy, nội dung này cần được xem xét, đánh giá để có bổ sung một cách phù hợp tại các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biêt các quy định về xử lý trách nhiệm hành chính, hình sự trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường.